.

Chạp mả nét đẹp của làng quê

Thứ Sáu, 30/12/2016, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Quê tôi nằm ở phía bắc tỉnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, người dân quê tôi thật thà, mộc mạc, chất phác, luôn hướng về tổ tiên, nguồn cội để tưởng nhớ công lao to lớn của các đấng sinh thành. Để thực hiện được ý nguyện đó, một trong những hoạt động tâm linh mà người dân quê tôi luôn thực hiện, đó là tục lệ chạp mả.

Hàng năm, cứ vào khoảng thời gian cuối tháng 11 âm lịch, dù có bận trăm công nghìn việc thì người dân quê tôi cũng phải sắp xếp công việc hợp lý, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, sẵn sàng cho ngày chạp mả vào đầu tháng 12 âm lịch. Và cũng vào thời điểm này, dù ai đi ngược về xuôi, làm ăn, công tác trên mọi miền Tổ quốc cũng tranh thủ thời gian, chuẩn bị khăn gói lên đường về quê, là lễ chạp mả, thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, bày tỏ lòng thành kính công ơn dưỡng dục sinh thành.

Theo phong tục của người Việt, tháng 12 âm lịch còn gọi là tháng chạp. Đây là thời gian mà có nhiều dòng họ trên địa bàn huyện Quảng Trạch nói chung, các địa phương vùng Roòn nói riêng chọn làm lễ chạp mả. Con cháu tụ họp đông đủ, tổ chức làm vệ sinh mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ thuộc nghĩa trang của dòng họ mình, sau đó thắp nén hương thơm lên từng phần mộ để tưởng nhớ những người đã khuất.

Chạp mả không chỉ là làm vệ sinh mồ mả, thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất, mà chạp mả còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho con cháu trong dòng tộc nhớ về nguồn cội, ông bà, tổ tiên, giới thiệu cho con cháu biết lai lịch những người có vai vế trong dòng họ.

Ảnh: Xuân Vương
Ảnh: Xuân Vương

Với nhiều ý nghĩa quan trọng đó, phong tục chạp mả ở quê tôi đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của một vùng quê từ bao đời nay.

Theo phong tục tập quán của người dân vùng Roòn, ngày 1 tháng 12 âm lịch là ngày chạp mả họ lớn, các ngày tiếp theo chạp mả các nhánh trong dòng họ. Đúng 7 giờ sáng mọi người trong dòng họ tập trung về nhà ông trưởng họ, trưởng nhánh, sau đó nam giới, thanh niên trai tráng đi làm vệ sinh mồ mả, phụ nữ chuẩn bị bếp núc, nấu nướng các món ăn để thắp hương cho tổ tiên, ông bà.

Trước khi làm vệ sinh mồ mả, ông trưởng tộc đưa mọi người đến ngôi mộ có vai vế cao nhất, thắp hương khấn vái, sau đó vệ sinh, sửa sang mồ mả, con cháu thắp nén hương lên từng phần mộ tưởng nhớ công đức sinh thành của tổ tiên mong tổ tiên phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn, làm ăn khấm khá, ngoan ngoãn học giỏi, rạng rỡ công danh, không làm những việc ảnh hưởng xấu tới danh dự của dòng tộc, mọi người trong họ tộc đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.

Sau khi làm vệ sinh mồ mả xong, mọi người đặt lễ vật lên bàn thờ họ, tiếp tục thắp nén hương thơm cho tổ tiên, ông bà, hương tàn, đưa lễ vật xuống bày ra mâm, mọi người quây quần bên nhau cùng ăn cỗ và đây là lúc để mọi người trong dòng họ chia sẻ với nhau về những vui buồn trong cuộc sống, những kinh nghiệm làm ăn, sản xuất kinh doanh.

Cũng tại buổi tiệt chạp mả, con cháu làm ăn sinh sống ở nơi xa nay có dịp gặp gỡ bà con trong họ hàng của mình, nhận mặt nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống của dòng họ và gia đình, thắt chặt tình đoàn kết, yêu thương trong dòng họ. Họ mong muốn đầu xuân tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, đón Tết cổ truyền ấm áp, an vui, năm mới thắng lợi mới.

Với nhiều ý nghĩa quan trọng, nên tục lệ chạp mả của người dân vùng Roòn được xem là ngày lễ quan trọng thứ 2 trong năm, sau Tết Nguyên đán. Tục lệ chạp mả được duy trì từ bao đời nay và đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.                                   

Thế Lực
(Đài TT-TH Quảng Trạch)