.

Ký ức mùa lũ

Thứ Ba, 25/10/2016, 16:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa lũ với những đứa trẻ quê tôi luôn bắt đầu bằng sự thích thú được trải nghiệm và kết thúc bằng những ngày dài sống trong thiếu thốn. Với tôi, hình ảnh ám ảnh nhất mỗi khi lũ về vẫn là những đôi mắt trẻ thơ khó nghèo.

1. Tôi sinh ra trên vùng quê chiêm trũng Lệ Thủy. Đến giờ, có lẽ số lần sống chung với lũ cũng hơn nửa số tuổi của mình. Hầu như năm nào, lũ cũng ghé thăm quê tôi, có năm đến vài ba bận. Ngày bé, mỗi khi thấy lũ sắp sửa tràn lên đường, đứa nào cũng phấn khởi lạ lùng. Dăm bảy đứa cùng hùa nhau chặt thân cây chuối, kết thành bè, rồi chen nhau lên đó, đẩy ra giữa dòng nước đục ngầu. Cuộc chơi kết thúc khi đứa nào, đứa nấy đều ướt sũng. Đôi bàn chân tái nhợt đi vì lạnh. Cái cảm giác ấy sung sướng và thú vị quá đỗi.

Trẻ em Cồn Sẻ (Quảng Lộc, Ba Đồn) trở lại trường sau ngày lũ
Trẻ em Cồn Sẻ (Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn) trở lại trường sau ngày lũ.

Nhưng đó chỉ là niềm vui ít ỏi trong chuỗi dài xúc cảm của những ngày mưa lũ. Ám ảnh nhất vẫn là những đêm giật mình tỉnh giấc, thấy mình đã nằm trên hai chiếc giường kê chồng lên nhau, bốn bề là mênh mông nước. Rồi bất chợt, cánh cửa bật tung bởi không còn sức để níu giữ trước sức mạnh của sóng dữ. Khoảng không trước mặt là một màu đen kịt. Cơ man đủ loại rơm rạ, rác rưởi lẫn rắn rết theo sóng ùa vào nhà. Ngoài kia, mưa vẫn rơi không ngớt. Những thân cây nghiêng ngả. Những cành cây va đập vào nhau tạo nên những thanh âm nghe đến rợn người. Nước lên. Thỉnh thoảng vang lên những tiếng đồ vật bị hỏng chân rồi chìm nghỉm trong nước. Suốt đêm, nhà nào cũng thức trắng. Ba mẹ tôi cứ mươi phút lại thay nhau lội xuống dòng nước lạnh để níu lại mấy đồ vật sắp sửa trôi đi. Lợn trong chuồng cứ thế thi nhau rơi xuống nước, người lớn lại trở dậy vớt vát chúng lên. Gương mặt ai cũng hốc hác, xương xẩu hơn bởi một đêm mất ngủ, vật lộn với sóng dữ. Áo quần ướt sũng, đôi bàn chân bị nước ăn lở loét và đau nhức.

Ký ức mùa lũ những ngày đó cứ thế theo tôi đi qua những năm tháng rộng dài. Dữ dội và nhiều ám ảnh. Những năm học xa nhà, cứ mỗi mùa mưa lũ, lại thấy đau nhói mỗi khi điện về nghe mẹ bảo: “Lụt sắp vô”. Trong tôi lúc đó lại hiển hiện hình ảnh những dáng người mệt mỏi với những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ, với những ánh mắt buồn bã của người dân quê khi nhìn cảnh tường nhà bị sập, lúa ướt sũng, những ngôi nhà xiêu vẹo, trống hoác. Trước lũ, họ là những người nghèo khổ. Lũ rút, họ là những kẻ trắng tay. Để rồi, sau mùa lũ, những đứa sinh viên nghèo như chúng tôi lại tần ngần mỗi khi điện thoại về xin tiền học phí. Sẽ chật vật hơn nhiều khi những đồng tiền chắt bóp của bố mẹ cũng trôi theo dòng nước, khi lợn gà chết, thóc lúa đã ướt sũng, nảy mầm.

2. Hôm nay, về với những vùng quê sau lũ, tôi nhìn thấy ký ức tuổi thơ của mình ẩn hiện trong hình ảnh những đứa trẻ quê nhem nhuốc vì bùn đất. Bởi có lẽ, bức tranh khó nhọc của dân quê nghèo bao giờ cũng với một gam màu giống nhau.

Sách vở đã ướt nhòe vì lũ
Sách vở đã ướt nhòe vì lũ...

Lũ rút, với những bộ áo quần chẳng còn tinh tươm, những đứa trẻ vùng lũ lại tất tả lội bùn đến trường, mang theo cả những cuốn sách lem luốc, những cuốn vở đã nhòe nhoẹt nét chữ. Trường lớp ngả nghiêng trong lũ, nay chỉ còn là những dãy bàn ghế bạc thếch vì bùn. Sau lũ, sẽ là những chuỗi ngày dài thầy và trò đối diện với chất chồng khó khăn, thiếu thốn đủ bề khi những bữa cơm đã bắt đầu vơi đi, những đồng tiền chắt bóp của suốt một mùa cơ cực đã bị cuốn theo cơn lũ dữ. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt tội nghiệp của cô học trò nhỏ bên một túi sách vở đã nhàu nát. Chỉ mới đây thôi, em còn hào hứng khoe với chúng bạn những cuốn vở mới tinh, thơm nồng mùi giấy mới. Vậy mà hôm nay, chúng chỉ còn là một đống giấy quăn queo, nhòe nhoẹt chữ. Em khóc nấc lên trong nỗi xót xa. Con đường đến trường giờ đây mờ mịt quá!

3. Tôi đến với những bản làng nghèo ngay sau khi cơn lũ lịch sử vừa đi qua. Xóm nhỏ Cồn Sẻ bên sông Gianh thời điểm đó bắt đầu nhận chuyến hàng cứu trợ đầu tiên. Người lớn, người trẻ, ai nấy đều phờ phạc vì mấy ngày nổi nênh cùng dòng nước. Mấy đứa nhỏ mặt đen nhẻm, bộ quần áo lấm lem ngồi khuất trong một góc phòng, thi nhau mở gói mì tôm ăn vội. Chúng nhai ngấu nghiến, ngon lành. Chúng bảo, mấy hôm rồi không có gì vào bụng. Đói, lạnh và mệt quá! Chợt thấy buốt ở tim một nỗi niềm chua xót lạ!

Những đứa trẻ ở Cồn Sẻ nhai vội gói mỳ tôm sau khi nhận được món hàng cứu trợ đầu tiên
Những đứa trẻ ở Cồn Sẻ nhai vội gói mỳ tôm sau khi nhận được món hàng cứu trợ đầu tiên

Rời Cồn Sẻ, chúng tôi lại đến với xã nghèo Ngư Hóa. Những ngôi nhà vốn đã xiêu vẹo, nay chỉ còn trơ lại móng nhà. Người phụ nữ trẻ ôm đứa con 5 tuổi gầy nhom ngồi tựa vào cánh cửa còn loang vết bùn, nghẹn ngào nói: “Nhà trôi cách 400 mét, may quá là vẫn tìm về được để dựng lại, nhưng nhà chừ không còn chi”. Đứa bé ăn ngon lành bát mỳ tôm nóng hổi. Mẹ nó lại phân trần: “Gạo cứu trợ đã có, nhưng chẳng còn soong nồi, cũng không biết nấu chi ăn”.

Chỉ mới mấy ngày trước thôi, trong căn nhà gỗ ấm cúng, đứa bé ấy vẫn còn đủ đầy ba bữa cơm. Vậy mà bỗng chốc, căn nhà tan hoang, trống hoác, bữa cơm đủ đầy rau thịt trở thành nỗi thèm thuồng trong em, mỗi khi nghĩ đến.

Sau lũ, nhà trống hoác, đứa trẻ nghèo ăn ngon lành bát mì tôm cứu trợ
Sau lũ, nhà trống hoác, đứa trẻ nghèo ăn ngon lành bát mì tôm cứu trợ

4. Với tôi, hình ảnh ám ảnh nhất mỗi khi lũ về vẫn là những đôi mắt trẻ thơ nghèo khó. Đó là ánh mắt thèm thuồng của đứa trẻ vùng cao bên bát mì tôm nghi ngút khói. Cả dáng những đứa trẻ rầu rĩ ngồi bên đống sách vở đã nhàu nhò, nát vụn.

Nhưng lạ lùng thay, tôi vẫn luôn tin rằng, những ánh mắt ấy sẽ lại sáng lên đầy niềm tin như những bông hoa vẫn nở trong mùa giông bão. Dẫu bữa cơm chẳng còn đủ đầy và trường lớp chẳng còn khang trang như trước, các em sẽ lại viết tiếp ước mơ đến trường. Như bao thế hệ người dân quê mình: đi qua bao năm tháng chiến tranh, nếm trải bao khổ nhọc đời thường và vật lộn cùng bao khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn cứ thế ưỡn ngực, lạc quan mà sống. Như người Cồn Sẻ nhận vội từng món hàng cứu trợ đầu tiên vẫn nở nụ cười giòn: “Về nhanh để còn dọn nhà, sống tiếp”. Như người dân quê tôi cứ động viên nhau sau mỗi mùa lũ đến: “Năm sau, đất, ruộng sẽ lại mỡ màu”.

Và em ạ, cứ tin đi, “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Diệu Hương