.
Tản văn

Làng tôi cũng từng có "Euro cup"

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Euro cup đang rung chuyển châu Âu, lay động cả địa cầu và khiến bao người Việt ta mất ngủ vì giờ bóng lăn vào nửa đêm về sáng. Có gì ghê gớm đâu, làng tôi (có tin được không?) cũng từng có “Euro cup”.

Làng tôi, nằm trải dài bên tả ngạn Kiến Giang. Dân làng tất thảy đều cấy lúa nước. Người ta làm đất nhuyễn, gieo mạ, mạ trưởng thành thì nhổ lên, hớt bớt ngọn mang cấy xuống ruộng nước, còn lại những đám đất phẳng, rộng là sân bãi lý tưởng cho bọn trẻ hiếu động. Không cứ buổi nào, chiều hay sáng, cứ tụ tập mươi mười lăm trẻ là bắt đầu trận đấu... bóng đá. Bóng, không phải bóng da, bóng nhựa hay bóng bưởi. Gọi đúng tên là bóng bẹ chuối. Bẹ chuối phơi khô, dai, quấn nhiều lớp tròn thành quả bóng, rất bền mà cũng có độ lăn độ nảy. Nào, chia phe! Bọn trẻ tự động kết thành từng cặp, tuổi tác vóc dáng tương đương nhau để khi rẽ ra thì được hai đội ngang tài ngang sức. Cầu môn được đánh dấu bằng những... đôi dép. Không, làm gì có dép! Có thể là những chiếc áo vo tròn lại của những đứa sợ rách áo tối về mạ đánh. Hoặc giả hì hụi bê vài tảng đất khô un đống hai bên. Thằng gôn xăm xăm đứng giữa. Một vài thằng cẩn thận bước chân đo chiều rộng của hai cầu môn cho bằng nhau..

Và, trận đấu bắt đầu...

Có thể lúc ấy đàn trâu chưa được lùa đi ăn cỏ. Lại có những đứa quên việc mẹ cha dặn để chiều hôm đó phải ăn đòn, có thể... Nhưng tất cả đã vào cuộc, không có gì ngăn được những “cầu thủ nhí” hò hét đưa bóng lên, gắng sút vào cầu môn đội bạn. Có điều, hơn nửa thế kỷ trôi qua mà tôi vẫn không hiểu vì sao những thuật ngữ chuyên môn của bọn trẻ toàn bằng tiếng Pháp bồi. Này nhé, chuẩn bị vào trận, đội trưởng mỗi đội, thường là thằng lớn nhất, phân công: Thằng ni Arie, thằng ni Gôn, hai thằng chạy Xăng, hai thằng En. Vào trận, bóng văng khỏi sân thì bọn trẻ lập tức hét lên: Nu! Nu! (ném biên), phạt góc thì Coocne. Đứa nào vô tình để bóng chạm tay là bị manh. Cứ thế, tiếng Việt lẫn tiếng “Pháp bồi” vang trời vang đất. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hôm nào có mấy đứa thò lò mũi xanh hoặc mấy bé gái xinh xinh đứng chầu rìa thì cầu thủ hai đội càng hăng. Cũng có lần, trận đấu đang quyết liệt thì lù lù một người đàn bà  tới, tay cầm cây roi. Khổ, một thằng trong đám “cầu thủ” mặt mũi xanh xám vội chụp áo co chân chạy về nhà...

Lạ, trong ký ức tôi không lưu dấu một cuộc xô xát ẩu đả nào mặc dù cãi nhau về luật thì bên nào cũng cao giọng. Còn nhớ: Hai kèm một, bắt! Nghĩa là, hai cầu thủ đang tranh cướp bóng thì cầu thủ thứ ba không được xông vào. Bây giờ, Euro cup thấy tranh nhau thoải mái, không kể số lượng người tham gia.

Có lẽ, nếu Euro cúp không diễn ra ở nước Pháp thì tôi không viết những dòng này. Cái radio tiếng nước ngoài tường thuật bóng đá lâu lâu lại vang lên những âm thanh từ lâu đã chìm khuất trong kí ức: Ariere (hậu vệ), Main (bóng chạm tay), Corner (phạt góc)... Là nghe mà bổi hổi bồi hồi vậy thôi. Cũng phải nhờ anh Lê Đức Dương giỏi tiếng Pháp phiên cho, những âm bồi năm xửa năm xưa vang lên giữa bãi đất trống rìa làng mới hiện rõ hình hài: Gardien de but (thủ môn). Milieu de terrain (trung vệ), Avant  (Tiền vệ-có lẽ là vị trí mà hồi nhỏ chúng tôi gọi là chạy xăng) Capitaine (đội trưởng), Faute (lỗi), Entrainer (Huấn luyện viên)... Bây giờ, hầu hết đã dùng từ Hán Việt. Duy mỗi đá phạt 11met là còn dùng tiếng Pháp (Tir de but- Penalty). Thôi thì, thế nào cũng được, miễn là có tác dụng trong giao tiếp.

Xưa thật là xưa mà gần cũng thật gần. Ngày ấy, từ những trận bóng đá bẹ chuối, tới một ngày có anh bộ đội phục viên mang về quả bóng da. Trời đất! Như thể là một hành tinh lạ rơi xuống. Rồi thì anh còn kiếm cái “xuyple” (dân gọi là tu huýt), làm trọng tài thổi toe toe khí thế lắm. Chi đoàn thanh niên và đội thiếu niên vào cuộc, hứa hẹn sẽ tổ chức giải đấu giữa hai xóm Thượng-Hạ. Nhưng, một ngày đầu năm Ất Tỵ (1965), hàng trăm máy bay Mỹ tiến hành liền hai chiến dịch Mũi lao lửa, đánh phá Đồng Hới, Vĩnh Linh. Cuộc chiến dần dần đẩy đến độ hủy diệt. Quê tôi “Hai phần ba là đất, một phần ba là sắt thép”. Bọn trẻ trong cả vùng Quảng Bình- Vĩnh linh đội bom đạn mà đi bộ ra các tỉnh phía Bắc theo các kế hoạch K8, K10, gác lại giấc mơ giải đấu bóng đá hai xóm Thượng-Hạ.

Ngày nay, ruộng lúa được gieo thẳng, không còn những thửa đất mạ mới nhổ cho bọn trẻ rộng chân hò hét. Nhưng, thi thoảng gặp một đám đất bằng nào đó rộng rãi một chút là kí ức hiện về, lại như còn nghe vẳng tiếng phân công của trưởng tràng: Thằng ni Arie, hai thằng ni chạy Xăng, hai thằng ni En... và, lũ trẻ răm rắp nghe theo. Tuổi thơ ơi!  

Đồng Hới mùa Euro cup
 Nguyễn Thế Tường