.

Người giữ hồn quê

Thứ Sáu, 01/04/2016, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhắc đến nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận, không chỉ người dân xã Đức Ninh mà rất nhiều người yêu thích văn hóa, nghệ thuật truyền thống ở thành phố Đồng Hới đều biết tiếng bởi ngoài giọng hát đặc biệt, ông còn có tài làm thơ, sử dụng thành thạo nhạc cụ dân tộc và am hiểu khá sâu sắc về văn hóa quê hương.  

Nghệ nhân "say" đàn nguyệt

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đức Phổ xưa (nay là xã Đức Ninh) – cái nôi của nhiều loại hình văn hóa dân gian nên từ nhỏ, những làn điệu dân ca mộc mạc mang hương đất, tình người của xứ sở đã thấm đẫm, nuôi dưỡng tâm hồn ông. Để rồi khi lớn lên, người nông dân vốn “tay lấm chân bùn” ấy lại có nhiều tài lẻ từ hát hay, đàn giỏi đến sáng tác thơ ca, hò vè... khiến nhiều người cảm phục.

Thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ bố mẹ, lại được học thêm về nhạc lý nên Phan Văn Thuận sớm bộc lộ tài năng của mình. Ông sử dụng khá thành thạo nhiều loại đàn như măng đô lin, nguyệt, nhị, tứ, guitar... Và trong các loại đàn đó, ông lại say mê đàn nguyệt rồi gắn bó với cây đàn này như một người bạn tri kỷ.  Ông từng là thành viên của Ban nhạc cổ truyền Bình Trị Thiên, nay là thành viên của Ban nhạc thôn Đức Thị, Ban nhạc thuộc Câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca” Đức Ninh- Nghĩa Ninh, Ban nhạc dân tộc thành phố Đồng Hới.

Với tài năng âm nhạc sẵn có, cùng với niềm đam mê, ông đã mang những câu dân ca cùng cây đàn nguyệt đi khắp nơi để phục vụ bà con, làm cho mọi người thấy được cái hay, cái độc đáo của dân ca nhạc cổ.

Bao nhiêu năm nay, ông xem cây đàn nguyệt như một phần cuộc sống của mình. Lúc buồn hay vui ông đều gửi gắm vào đó những thanh âm và lấy âm nhạc để hóa giải mọi nỗi niềm. Cây đàn nguyệt đã theo ông trên 30 năm, được ông xem là báu vật nên không ít người ngỏ ý mua lại vì thấy ông tuổi cao có thể sẽ không sử dụng được nhiều nhưng ông nhất định không bán, bởi cây đàn đã đồng hành cùng ông, thăng hoa cùng người nghệ sĩ trên nhiều sân khấu, giúp ông có nguồn cảm hứng để  viết nên bao lời hay ý đẹp. Giờ đây, dẫu mái tóc đã bạc song khi cầm đến cây đàn nguyệt, đôi tay ông lại thoăn thoắt lạ thường và rồi cây đàn ấy lại ngân lên những bản nhạc du dương, từ độc tấu, hò khoan đến những khúc nhạc vui như "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", hay dìu dặt khoan thai trong "Câu hò bên bờ Hiền Lương"...

Nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận bên cây đàn nguyệt.
Nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận bên cây đàn nguyệt.

Nói về đàn nguyệt, ông bày tỏ: Đây là nhạc cụ có âm sắc trong sáng, diễn đạt nhiều sắc thái tình cảm khác nhau, chính vì vậy mà đàn được sử dụng ở nhiều thể loại từ hát chầu văn ở miền Bắc, đờn ca tài tử ở miền Tây Nam Bộ đến hò khoan Bình - Trị - Thiên.

Nhìn ông say sưa trên từng ngón đàn mới thấy rõ một điều rằng, thời gian có thể lấy đi tuổi trẻ nhưng không thể mang đi niềm đam mê, sự nhiệt huyết và tình yêu của ông với cây đàn nguyệt cùng những làn điệu dân ca. Tình yêu nghệ thuật dân gian làm cho ông quên đi tuổi già và căn nhà của ông trở thành nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu-những người yêu khúc hát quê hương.

Nghệ sĩ "làng" đa tài

Đó là cách nói ưu ái của người dân trong làng dành cho nghệ nhân dân gian Phan Văn Thuận. Xã Đức Ninh quê ông là một trong những địa phương có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển khá sớm, nhất là các loại hình văn nghệ dân gian. Nơi đây từng có đội văn nghệ (tiền thân của câu lạc bộ đàn và hát dân ca Đức Ninh) hoạt động khá mạnh. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau như kinh tế khó khăn, thiếu người cầm trịch nên câu lạc bộ này dần tan rã và những giá trị của văn hóa truyền thống theo đó cũng mai một.

Nặng lòng với văn nghệ truyền thống, ông cùng những người có chung sở thích đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu những giai điệu cổ, những giá trị văn hóa mang bản sắc của làng để rồi lưu giữ và làm sống lại những giá trị văn hóa tưởng chừng như sẽ bị lãng quên. Ấp ủ nguyện vọng khôi phục lại đội văn nghệ làng Đức Phổ xưa với một diện mạo mới luôn cháy bỏng trong ông và rồi niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực với sự ra đời của Câu lạc bộ đàn và hát dân ca xã Đức Ninh năm 2009 do ông làm chủ nhiệm. Đến năm 2013, vì tuổi cao, ông xin thôi đảm nhận nhiệm vụ này và làm thành viên tích cực, hạt nhân của mọi phong trào trong câu lạc bộ. Ngoài là một nghệ nhân dân gian, một thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ đàn và hát dân ca, ông còn tham gia nhiều câu lạc bộ khác như Câu lạc bộ Hoa Lửa (Cựu Thanh niên xung phong thành phố Đồng Hới), Câu lạc bộ thơ ca xã Đức Ninh...

Tự hào về vùng đất quê hương, ông kể: Trước đây, người ta còn khá mơ hồ về tuồng, kịch thì xã Đức Ninh đã phục dựng lại thành công vở tuồng “Thoại Khanh, Châu Tuấn”. Để hoàn thành vở tuồng này, ông và các thành viên trong câu lạc bộ mất rất nhiều thời gian để sưu tầm, bổ sung kịch bản và tập nhuần nhuyễn những phân khúc của vở tuồng trước khi trình diễn cho bà con xem. Sân nhà ông là nơi các thành viên trong câu lạc bộ thường lui tới để luyện tập, và hơn nửa năm mới có thể ra mắt bà con. Những tràng vỗ tay thán phục và cả sự cảm động của người xem khi chứng kiến mối tình sắt son trải qua nhiều sóng gió của “Thoại Khanh, Châu Tuấn” ngay trên chính quê hương với những diễn viên làng biểu diễn như một món quà vô giá để ông và các thành viên trong câu lạc bộ không ngừng cố gắng để tiếp tục cho ra đời các sản phẩm tinh thần có giá trị.

Bên cạnh phục dựng nhiều tác phẩm kịch cổ, ông còn tự viết kịch hoặc tham gia viết kịch bản kịch trên chất liệu Tổ khúc dân ca Bình Trị Thiên, trong đó phải kể đến tác phẩm "Toàn dân phòng chống ma túy" đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi “Cung đàn quê hương” năm 2003, đạt giải ba khu vực III tổ chức tại Khánh Hòa năm 2005, đạt giải nhất “Đàn và hát dân ca” cấp tỉnh năm 2007. Ngài ra còn có tác phẩm "Đức Ninh quê tôi đổi mới" đạt giải nhì cuộc thi “Giai điệu quê hương” do thành phố Đồng Hới tổ chức năm 2006 và tiểu phẩm "Lỗi tại ai" đạt giải nhất cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” tỉnh Quảng Bình năm 2008. Bằng sự am hiểu sâu sắc các thể loại dân ca Bình Trị Thiên từ hò (hò Huế, hò khoan, hò mái đẩy, hò đưa linh, hò bài chòi,...), lý (lý mười thương, lý hoài nam, lý hoài xuân) và vè... ông đã góp phần mang các loại hình dân ca truyền thống đến gần hơn với công chúng. Tài sáng tác tổ khúc dân ca của ông được nhiều người biết đến và ông vẫn thường giúp bà con, nhất là thế hệ trẻ trong việc sáng tác các kịch bản, tiểu phẩm, các tiết mục văn nghệ phục vụ nhiều hội thi, hội diễn của các tổ chức, đoàn thể, trường học.

Những đóng góp của ông trên “mặt trận” văn hóa văn nghệ không chỉ là những khúc đàn nguyệt tinh tế, những sáng tác dân ca trên nền điệu hò khoan, soạn kịch, viết lời cho các tổ khúc dân ca phục vụ nhiều chương trình biểu diễn mà tài làm thơ của ông cũng được nhiều người biết đến. Theo ông thì làm thơ là để giải bày tâm sự, gửi gắm vào đó tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, nỗi nhớ niềm thương với Bác Hồ. Đó là những tiếng lòng như: “Năm tháng qua đi vẫn nhớ Người. Biển sông còn có lúc đầy vơi. Bác ơi! Tiếng vọng hồn non nước. Sáng mãi ngàn thu tỏa đất trời...” (Trích bài “Xuân về nhớ Bác”).

81 tuổi, tay ông vẫn lướt nhanh trên cây đàn nguyệt, giọng ông vẫn ngọt ngào, đầy cảm xúc khi thể hiện các làn điệu dân ca hay ngân nga trầm bổng những câu thơ tự mình sáng tác. Trong ngôi nhà nhỏ - nơi lưu giữ nhiều hình ảnh gắn với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông còn có nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam, giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì thành tích 10 năm hoạt động bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa dân tộc (2005-2015)... Tất cả đã minh chứng cho sự cống hiến của ông đối với việc bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

Nhật Văn-Thanh Huyền