.

Hình ảnh quê hương qua tập sách "Thời lửa đạn"

Thứ Năm, 07/04/2016, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Tác giả của tập hồi ký này là ông Hoàng Hữu Thanh, sinh 1929, quê làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là chiến sĩ, sau đó chỉ huy đội du kích thiếu niên của làng, chiến sĩ của Đại đoàn 304, tham gia nhiều trận đánh trên đất Quảng Trạch để cứu dân, giải phóng làng. Hòa bình lập lại, ông dạy học, làm công tác lãnh đạo tại các trường sư phạm Quảng Bình cho đến khi nghỉ hưu.

 Bìa cuốn sách “Thời lửa đạn”.
Bìa cuốn sách “Thời lửa đạn”.

“Thời lửa đạn” hơn 200 trang, do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2013. Tập sách gồm 4 chương, viết về làng Minh Lệ, Quảng Minh, Quảng Trạch.

“Thời lửa đạn” là mạch kể của tác giả trong dòng đời cách mạng của cha ông, chú bác, cha mẹ, bạn bè, đồng chí, quê hương trước, trong và sau sách mạng Tháng Tám năm 1945 và thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Qua cuốn hồi ký, người đọc hiểu thêm những con người giàu lý tưởng và lòng yêu nước như thầy hiệu trưởng Lương Duy Tâm, tướng Đồng Sĩ Nguyên (tức Nguyễn Hữu Vũ), đại tá Hoàng Thúc Cẩn... Cuốn sách còn dựng lại không khí sôi nổi, tận tụy với nhiệm vụ mà cách mạng giao cho đội thiếu niên du kích làng Minh Lệ thời chống Pháp: “đào hầm chông, gài mìn xung quanh đồn địch, canh gác các ngả đường, đánh mõ báo động khi thấy lính địch ra khỏi đồn. Mỗi khi địch đi theo hướng nào thì báo dây chuyền cho đại đội tự vệ biết và Ban chỉ huy thôn đội biết. Một tiểu đội chuyên lượm đạn pháo của địch, lấy thuốc để làm mìn tự tạo. Đội du kích thiếu niên (Minh Lệ) được trạng bị 2 khẩu súng bức kích pháo và một số lựu đạn với đại đao” (trang 76). Nhiều trang trong cuốn sách đã diễn tả lại không khí náo nức của thanh niên, du kích Quảng Minh lên đường “Nam tiến” khi giặc Pháp xâm lược Nam Bộ lần thứ 2. Những con người đầy nghĩa khí ấy là hồn thiêng làng quê, hồn thiêng dân tộc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Là người trong cuộc, tác giả đã kể lại những chiến công của Đại đoàn 304 cùng Đại đội 5, Đại đội 365, Tiểu đoàn 418 trong chống Pháp, đặc biệt là chiến thắng Phú Trịch ngày 27-2-1950.

Đọc “Thời lửa đạn”, độc giả rất thú vị khi tác giả kể về những kỷ niệm thời cả nước chống Mỹ. Đó là những câu chuyện về Trường sư phạm Quảng Bình chuyển dời từ nơi này sang nơi khác, thầy và trò tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971, chuyện nữ tướng Nguyễn Thị Định nói chuyện với giáo viên, học sinh trường sư phạm tại thôn Cây Lim, xã Lâm Trạch, bỗng gặp lại thủ trưởng cũ của mình đang là nhân viên thủ kho của trường. Tác giả còn kể những câu chuyện về cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan đã có những quan tâm và quyết sách sáng suốt để giúp đỡ thầy và trò vượt qua những cam go do bom đạn Mỹ gây nên.

“Thời lửa đạn” có nhiều chỗ kể hơi dông dài, nhưng tất cả những chi tiết về con người, sự kiện của xã Quảng Minh trong chống Pháp, chống Mỹ và quãng thời gian trong thời bình là một kho tư liệu lịch sử quý không những của địa phương mà còn của ngành Giáo dục nói chung. Cuốn sách đã góp phần nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử, đặc biệt thế hệ thanh thiếu niên, học sinh hôm nay.

Hồ Ngọc Diệp