.

Nhà truyền thống huyện bố trạch: Một điểm đến thú vị

Thứ Tư, 09/03/2016, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tọa lạc tại trung tâm huyện lỵ, năm 2015, Nhà truyền thống huyện Bố Trạch đã được mở cửa trưng bày giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân dân. Nhà truyền thống huyện có diện tích 250 mét vuông, bước đầu trưng bày hơn 500 hiện vật, ảnh, tư liệu quý. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của mảnh đất, con người Bố Trạch nhằm quảng bá, giáo dục quần chúng về lịch sử và những nét tinh hoa văn hóa cốt lỏi.

Các hiện vật, tư liệu ở Nhà truyền thống huyện Bố Trạch khá đa dạng, từ những hiện vật, mẫu vật tài nguyên thiên nhiên, hình ảnh danh lam thắng cảnh đến các mặt đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, thành tựu về quốc phòng- an ninh trên địa bàn huyện. Với không gian trưng bày mang tính tổng hợp như thế đã phần nào khái quát nên toàn cảnh huyện Bố Trạch từ hình thành đến đổi mới và phát triển ngày nay.

Thực trạng hiện nay bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, các di sản truyền thống đang dần bị mai một. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân ngày càng cao, vì vậy việc xây dựng thiết chế nhà truyền thống trở nên cấp thiết. Khai trương nhà truyền thống thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền huyện, cùng sự giúp đỡ, ủng hộ có hiệu quả của nhân dân.

Cán bộ văn hóa đã đến từng địa phương sưu tầm hiện vật trong các hộ gia đình. Đi đến đâu đoàn công tác cũng được nhân dân đồng tình, sẵn sàng hiến tặng những hiện vật có giá trị vật chất, là kỷ vật thiêng liêng vốn được trân trọng giữ gìn bấy lâu nay.

Những hiện vật ẩn chứa trong nó mỗi phận đời, những trang sử trực quan viết lên câu chuyện có khi thật bi hùng, hào sảng, có khi lại rất đỗi đời thường, chất chứa bao nét giản dị và đơn sơ. Đó là những di vật đồ đá của thầy giáo Nguyễn Quốc Tường ở xã Phú Định suốt hơn 30 năm dày công sưu tầm; chiếc đồng hồ của anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Triêm dùng để xác định thời gian đánh các căn cứ không quân của đế quốc Mỹ tại Thái Lan; những kỷ vật: ăng gô, bi đông, thùng pháo sáng, bộ quân phục, mảnh bom đạn... của  cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại; các dụng cụ gắn với đời sống sản xuất rất đỗi bình dị như: chiếc cày, bừa, cái nơm, cái cối, nồi, mâm, hũ đựng lương thực...; là mái chèo của anh Ngô Tam, anh Hoàng Văn Ninh đã dùng cứu hàng trăm người thoát nạn hồng thủy vào năm 2010. Bên cạnh đó là những bộ sưu tập hiện vật đặc trưng giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của huyện nhà trong thời kỳ đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Lãnh đạo huyện Bố Trạch và nhân dân tham quan các gian trưng bày Nhà truyền thống huyện Bố Trạch.
Lãnh đạo huyện Bố Trạch và nhân dân tham quan các gian trưng bày Nhà truyền thống huyện Bố Trạch.

Quá trình sưu tầm đã bổ sung nguồn hiện vật, tư liệu là nhân tố cơ bản để hình thành nên Nhà truyền thống huyện, từ đó xây dựng thiết chế, không gian trưng bày, mà mở đầu là phần nội dung: “Vùng đất con người và truyền thống lịch sử huyện Bố Trạch”. Đây là những hình ảnh, hiện vật gợi mở ra vẻ đẹp của vùng đất có biển, có rừng và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, khu Đá Nhảy... Bố Trạch còn là nơi tụ cư của nhiều dân tộc anh em gồm: Kinh, Hoa, Bru-Vân Kiều, Chứt. Những di chỉ khảo cổ học thể hiện qua bộ sưu tập đồ đá; các hiện vật của nền văn hóa Chăm Pa; những loại hình văn hóa phi vật thể tồn tại ở Bố Trạch. Từ những hình ảnh, di vật đã minh chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Tiếp theo đó là nội dung trưng bày: “Huyện Bố Trạch trong thời kỳ đấu tranh yêu nước từ cuối thế kỷ XIX đến khi đất nước được giải phóng năm 1975”. Những hiện vật, hình ảnh sinh động đã mô tả cụ thể gồm: vật dụng nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ hoạt động bí mật; vũ khí giáo, mác, gậy gộc... trong quá trình phát triển của cách mạng và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (năm 1945); hũ gạo tiết kiệm, cờ thi đua... của Nha Bình dân Học vụ trao tặng cho huyện vì có thành tích trong củng cố và xây dựng chính quyền. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược, nhân dân Bố Trạch lại nhất tề đứng lên đấu tranh. Trong đó có hình ảnh quân dân gan dạ chiến đấu trong các trận Sen Bàng, Hoàn Lão, căn cứ Ồ Ồ, Bồng Lai, làng chiến đấu Cự Nẫm...

Bước sang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Nhà truyền thống huyện trưng bày những hình ảnh, hiện vật phản ánh hào khí của những năm tháng cả nước đánh giặc. Đảng bộ và nhân dân Bố Trạch vừa tích cực lao động sản xuất, vừa làm nghĩa vụ của hậu phương lớn sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Cuối cùng là phần trưng bày:  “Những thành tựu về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng- an ninh từ sau năm 1975 đến nay”. Những hiện vật, hình ảnh đã minh chứng, phác thảo nên một Bố Trạch năng động không ngừng phát triển. Sẵn có thế mạnh danh lam thắng cảnh, Bố Trạch xây dựng kế hoạch từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Giao thông vận tải được xây dựng, mở rộng. Chất lượng dạy và học trong ngành giáo dục huyện không ngừng được nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể thao cũng được đầu tư phát triển rộng khắp, mang lại những kết quả tích cực. Quốc phòng-an ninh trong những năm qua nhìn chung được giữ vững, ổn định, công tác phòng chống thiên tai thường xuyên được quan tâm. Tựu chung, kết cấu nội dung trưng bày của Nhà truyền thống đang dần hoàn chỉnh, phần nào đã khái quát nên diện mạo huyện Bố Trạch nhìn từ nhiều góc độ, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Bố Trạch, đơn vị trực tiếp quản lý Nhà truyền thống cho biết: "Nhà truyền thống huyện là một thiết chế văn hóa thu nhỏ có giá trị về nhiều mặt. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa và thể hiện các giai đoạn phát triển của lịch sử, mảnh đất con người huyện Bố Trạch. Từ khi Nhà truyền thống hoàn thành đã mở cửa tiếp đón hàng nghìn lượt du khách, quần chúng đến tham quan, nghiên cứu. Tuy nhiên hiện nay, số lượng hiện vật, tư liệu của nhà truyền thống chưa nhiều, còn đơn điệu về nội dung và cả hình thức. Vì thế, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, đưa vào trưng bày thêm nhiều hiện vật tư liệu có giá trị văn hóa, lịch sử. Nhà truyền thống huyện sẽ là điểm đến thú vị, có sức thu hút mạnh mẽ nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu ngày càng cao của quần chúng nhân dân".

Thực sự nhà truyền thống đang dần trở thành một trong những địa điểm văn hóa quan trọng, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân huyện Bố Trạch. Những hiện vật, hình ảnh trưng bày sinh động được cô động lại trong một bức tranh tổng thể, trải dài từ sự định hình vùng đất, núi sông cho đến quá trình hình thành và phát triển của các cộng đồng dân cư. Nhân dân Bố Trạch kiên cường chinh phục tự nhiên, anh dũng chống giặc ngoại xâm và sáng tạo quyết tâm xây dựng quê hương đất nước ngày càng đổi mới. Đến với Nhà truyền thống, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm không thể nào quên, hun đúc nên tình yêu đất nước cũng như lòng tự hào, trân trọng giá trị của hòa bình thống nhất. Đó là động lực quan trọng để mỗi người con của Bố Trạch đem hết khả năng của mình cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Mai Thế Trung
(Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình)