.

Đường về

Thứ Bảy, 05/03/2016, 07:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Xóm nhỏ nằm ven đô, nửa thành thị, nửa nông thôn. Lâu lâu chạy ra đầu ngõ mua đồ ăn sáng nghe được bao nhiêu là chuyện. Ấy là cô bé hàng xóm học giỏi được nhận học bổng của trường nào đó bên Mỹ. Nhà vợ chồng kia lục đục ra toà lần hai. Mấy thằng trộm chó lảng vảng đầu ngõ, ai nuôi chó coi chừng cẩn thận... Nghe chuyện xong đôi khi bỏ quên luôn đâu đó...

Nhưng có một lần nghe chuyện mẹ bé Na bỏ nhà đi vì nợ tiền ai đó thì không quên nổi...
 

Hơn mười năm trước, mẹ Na, lúc đó vẫn còn là con gái, bỏ nhà đi biệt một thời gian dài. Hàng xóm bảo chị đi tìm tình yêu. Bà ngoại Na lúc đó ngoài bảy mươi tuổi ngày ngày đi ra đi vô lầm lũi như cái bóng. Nhà bà có cái điện thoại bàn cũ kỹ, từ ngày con gái bỏ nhà đi, những lúc rảnh, bà ngồi bên cạnh cái máy, nhìn chăm chăm vào nó. Cả năm trời cái điện thoại reng vài chục lần, nhưng toàn người ta gọi nhầm số hoặc hỏi han linh tinh, tuyệt nhiên không có cuộc gọi bà chờ. Thế rồi đùng một cái, con gái bà xuất hiện, trên tay là bé Na mũm mũm khoảng chừng ba tháng tuổi...

Ngôi nhà nhỏ vui hơn dù lâu lâu có tiếng xì xào của mấy người hàng xóm. Bà ngoại Na chẳng thèm ngó cái điện thoại bàn cũ kỹ nữa. Bà tất bật đi ra đi vào với mớ tã màu xanh màu đỏ. Ngày nắng, buổi sáng bà ôm Na ngồi ngoài sân sưởi nắng, say sưa ngắm mẹ Na gội đầu nơi góc sân. Mùi bồ kết, mùi chanh và mùi sữa trẻ con thơm váng vất cả khoảnh sân nhỏ. Nhiều năm bình yên đi qua. Bé Na vào mẫu giáo, sáng sáng được cả bà ngoại lẫn mẹ dắt đi. Ngày nào cũng đi học mà buổi sáng, nhà Na cứ như ngày hội...

Cạnh nhà bà ngoại Na là nhà hàng xóm có ngôi nhà ba tầng rất đẹp. Một buổi tối, khi đó Na học lớp bốn, cả nhà ngồi ăn cơm ngoài hiên, ngó qua nhà hàng xóm sáng bừng ánh điện, Na bảo mai mốt con học giỏi về kiếm nhiều tiền xây nhà đẹp cho mẹ và ngoại. Chắc là sẽ còn đẹp hơn cả nhà kia vì sẽ trồng nhiều hoa, cổng và hàng rào sẽ sơn màu trắng và không cần phải quá cao như vậy. Bà ngoại và mẹ nghe Na nói vậy thì mỉm cười sung sướng, hệt như Na đã lớn và sắp xây xong ngôi nhà...

Nhưng bà ngoại thì biết rõ phía trong ngôi nhà đẹp kia. Hai vợ chồng người chủ ngôi nhà ít khi ra ngoài. Bà chủ rất đẹp. Những món đồ trang sức rực rỡ khiến bà đẹp hơn nhưng mắt bà vẫn phảng phất buồn. Lâu lâu bà ngoại và bà chào hỏi nhau qua hàng rào. Thường thì ngày tết, vợ chồng họ đi một vòng chúc tết bà con xóm giềng rồi nhà ai việc nấy.

Rồi có lần bà ngoại được nghe kể về đứa con trai của nhà đó. "Thằng bé dễ thương mà tại tôi nuông chiều quá nên mới vậy. Tôi là mẹ nó mà có khi tôi cứ nghĩ mình chỉ là cái máy ATM. Tại tôi nên giờ nó ở trong tù...". Bà ngoại nhìn hàng xóm buồn quá thì cũng không nỡ hỏi vì sao thằng bé đi tù nữa, dù trong lòng cũng có chút tò mò muốn biết nguyên do. Rồi bà ngoại và hàng xóm cùng thở dài.

Bữa mẹ Na bỏ nhà đi lần hai, bà ngoại đi ra đi vào, chân tay thừa thãi. Cái điện thoại bàn năm xưa giờ không dùng nữa nên bà cũng chẳng ngồi nhìn đăm đăm vào nó. Bù lại, hai bà cháu cùng canh chiếc điện thoại di động mẹ Na chẳng biết vô tình hay cố ý bỏ quên. Có cái tin nhắn đến là hai bà cháu hối hả mở ra nhưng chẳng có tin mình chờ. Có bữa bực quá bà thốt lên sao không ai báo công an bắt hết mấy đứa bán sim, nhắn chi nhắn hoài làm người ta hồi hộp. Na mười tuổi ngồi nơi hiên nhà nhìn bà hơn tám mươi tuổi mà cứ đi ra đi vào nhìn bồn chồn như con thú nhỏ bị thương. Muốn khóc mà sợ bà buồn hơn nên Na cố nín, bụng kêu thầm mẹ ơi ở đâu thì về đi kẻo bà già bà đợi không nổi thì biết làm sao...

Bữa sinh nhật Na, bà dẫn Na đi mua áo mới mà quên canh điện thoại. Về nhà hai bà cháu thấy cuộc gọi nhỡ thì quả quyết đó là mẹ Na gọi. Hồi hộp bấm máy gọi lại thì chỉ nghe tiếng tít tít. Hai bà cháu thở dài tiếc rẻ, bảo từ nay đi đâu bà cháu mình nhớ mang theo điện thoại đề phòng mẹ gọi...

Những hôm ngồi ăn cơm ngoài sân, nhìn sang ngôi nhà đẹp, Na vẫn không quên ý nghĩ sau này học giỏi kiếm nhiều tiền về làm nhà đẹp cho mẹ và ngoại. Nhưng nhà to mà không có mẹ chắc còn buồn hơn. Bà thì càng ngày càng già. Đi đâu cũng mang theo cái điện thoại, xong để quên đâu đó rồi suốt ngày đi tìm...
Bữa trước Tết bác hàng xóm nhà đẹp sang chơi. Na ngồi học bài, nghe loáng thoáng bà ngoại hỏi chuyện thăm nuôi. Lúc bác hàng xóm ra về, bà gửi một cặp bánh chưng và túi mứt gừng, bảo "Là của tui với bé Na làm, chị mang vào cho cháu. Gắng vài tháng nữa là con về rồi, mừng cho chị. Chắc bây giờ nó đã biết đường rồi, không coi chị là máy ATM nữa nên đừng có buồn!". Na thấy bác hàng xóm đưa lay quệt nước mắt, bà thì vừa tiễn ra cửa vừa vỗ vỗ vào lưng bác...

Suốt Tết, hai bà cháu Na vẫn miệt mài sửa sang, dọn dẹp nhà cửa. Na lấy tiền mừng tuổi từ năm ngoái, khi mẹ còn ở nhà, đi mua cho bà cái áo mới. Đi hết gần buổi chợ, Na mới tìm được cái áo ưng ý. Áo có túi với nắp cài cẩn thận, để nhỡ bà đi đâu thì cho điện thoại vào đó, cài lại khỏi sợ rơi và bỏ quên. Bà nhận quà của Na cười như khóc, bảo con lớn và khôn ngoan giỏi giang vậy sao mẹ ở đâu không chịu về mà hưởng phúc...

Ngày mồng ba Tết, tôi sang nhà bé Na chơi. Đang ngồi nói chuyện và ăn mứt gừng bà với Na làm thì có chú nhân viên bưu điện đi vào. Chú bảo cái gói này gửi về từ trước tết nhưng do nhiều hàng quá nên bưu điện chuyển không kịp, mong bà thông cảm. Bà cầm gói quà mắt sáng lên bảo không sao không sao, Tết nhất có quà là vui rồi. Xong bà còn lì xì chú nhân viên bưu điện làm chú cảm ơn mãi không thôi...

Nhìn vẻ háo hức của bà cháu Na, tôi chào hai người rồi về. Tiễn tôi ra cổng, bà khoe, lần đầu tiên trong đời bà có quà gửi qua bưu điện. Bỗng dưng tôi tin cuối tuần ra đầu ngõ sẽ lại được nghe hàng xóm bảo nhau mẹ bé Na gửi quà Tết cho hai bà cháu, chắc mấy bữa nữa sẽ về...

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao lại mê đắm những câu thơ của bạn.

Rằng: "đau đến chừng nào vẫn mỉm cười sau cái bình yên xoa tóc

 - dù có bao nhiêu là khó nhọc

  hãy về đây...

  Mặc kệ đôi bàn chân kia đã đứng ở bao nhiêu vũng lầy!" (*)

-------------------    

(*) Thơ Nguyễn Phong Việt

Diệp Đồng