.

Đồng quê

Thứ Hai, 21/03/2016, 14:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi sinh ra ở quê. Niềm vui thơ ấu của tôi trải trên cánh đồng bát ngát. Thuở ấy, đồng còn rộng lắm. Chân tôi chưa bao giờ đi hết cánh đồng. Người trong làng ra đồng cũng phải có giờ giấc. Trái buổi mà ra đó thì không tránh được cảm giác rờn rợn, nhất là với lũ trẻ con. Nhưng Càng sợ lại càng bị mê hoặc. Những buổi tối mùa hè, chúng tôi thường rủ nhau ra đồng hóng gió, chơi đùa. Chỉ chờ mẹ cha sang nhà khá giả nhất xóm xem ti vi là con cái lẻn nhanh ra nơi hẹn. Bao nhiêu khoai, ổi, dưa chuột, đường phổi, đường phèn... bỏ tất vào cái rá rồi hành quân ra đồng.

Ảnh: P.V
Ảnh: P.V

Những đêm không trăng, gió mát, sau màn rượt đuổi hét hò mà không bị người lớn rầy la, chúng tôi lại nằm vật ra đê kể chuyện tào lao, Mấy cọng cỏ tinh nghịch chích vào da thịt không làm giảm niềm vui của chúng tôi. Sương ướt cỏ làm nhồn nhột ở lưng cũng không thể hối thúc chúng tôi về sớm.

Thích nhất là mùa lúa trổ đòng. Ra tới đồng đã thấy thoang thoảng mùi sữa lúa. Dịu ngọt và mát tươi vô cùng! Cậu bạn có ước mơ làm kĩ sư nông nghiệp còn ghi nhật kí cây lúa vào một mảnh giấy màu ố vàng bằng nét nguyệch ngoạc, khó đọc. Chẳng biết tờ giấy ấy cậu ta giữ được bao lâu nhưng giờ công việc của cậu là lái xe khách đường dài Bắc- Nam. Tôi vẫn không sao quên được những lần đi tuốt trộm lúa nếp non về rang cốm. Mấy ông, mấy bà đi làm đồng bắt được lôi lên nhà hợp tác phạt, về nhà còn bị cha mẹ đánh đòn mà có đứa nào chừa nổi đâu.

Tôi ít khi về quê. Một năm sắp xếp được vài ngày nghỉ để về thăm cha mẹ rồi lại vội vã lên phố với công việc, vợ con. Lần này, các cụ sửa nhà, tôi cắt phép được mươi ngày. Mẹ kể nhiều về những thay đổi của xóm làng, về thành tích trồng rau, trồng hoa nổi tiếng toàn tỉnh của quê hương. Thấy tôi xăm xăm ra thăm đồng, cha can: “Ra làm gì? Ra ngửi thuốc sâu, thuốc cỏ rồi chuốc bệnh con ơi! Thằng T. ở xóm Ba qua đời tháng trước vì ung thư đấy”.

Đồng làng nay chỉ còn ít ỏi một vài ruộng trồng lúa của mấy nhà không đủ người, không đủ sức làm. Còn lại thì chuyển sang trồng rau, trồng hoa, quy hoạch gọn gàng lắm. Nào rau cải, rau dền, rau mùi, đậu cô ve, mướp đắng, dưa chuột... được trồng xen canh, nối tiếp, có hệ thống mái che, lưới quây chắn cẩn thận. Những giếng bơm được khoan tại chỗ để tưới. Mỗi ruộng rau đều mang màu xanh mỡ màng, mướt mắt khiến ai nhìn cũng phải mê. Trên xa kia là những ruộng hoa. Chủ yếu là giống cúc vàng và mào gà đỏ, tím. Nhu cầu hoa của địa phương và các vùng lân cận ngày càng nhiều nên không có mùa nào ruộng để trống. Đặc biệt từ tháng mười âm lịch, hoa được trồng nhiều hơn, chăm bón kĩ lưỡng hơn để phục vụ tết. Cánh đồng không một giây phút được nghỉ ngơi.

Thuở trước, đêm ra đồng sợ lắm. Nay đồng không có đêm. Thức trắng. Hàng trăm bóng đèn điện thắp sáng cả một vùng không gian rộng lớn. Đèn sưởi ấm kích thích hoa sinh trưởng nhanh. Đèn soi sáng cho người nông dân thu hoạch rau kịp buổi chợ đầu mối sớm mai. Những gương mặt người không ngủ mà vẫn tỉnh táo, nhanh nhẹn. Họ vui vì đồng tiền kiếm được nhanh hơn, nhiều hơn trồng lúa. Mang tiếng là quê nhưng nông dân ở đây thuộc hàng khấm khá. Nhờ cả vào rau và hoa. Họ chẳng tiếc hai mươi, ba mươi ngàn ăn một bát phở buổi sáng để lại sức thức đêm. Làm công việc ấy mà không nhiều sức khỏe thì quỵ ngay. Hàng xóm nhà tôi là người được tiếng mát tay trồng rau nhất làng. Chị kể thật thà: Thu nhập ngày nhiều, ngày ít nhưng ít nhất cũng được ba, bốn trăm ngàn. Có ngày nhiều (rau trái mùa) được những hai triệu. Cả nhà tập trung làm rau. Riêng khoản phun thuốc sâu, thuốc cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng thì chỉ có anh chồng mới đảm đương được. Ra đồng là phải mặc đồ bảo hộ kín mít, vậy mà nhiều hôm đi phun về cứ ngồi thừ ra, nuốt chẳng nổi cơm. Tôi hỏi chị có sợ không nhưng chị chỉ cười. Tôi biết, sợ thì làm gì ra tiền trong khi có quá nhiều thứ phải chi tiêu. Lũ trẻ quê tôi vì thế cũng ít ra đồng. Còn gì để chơi ở đó? Và hơn hết, người ta ngăn cấm để bảo vệ chúng phần nào.

Mẹ tôi gom mớ rau tập tàng trong vườn nấu bát canh tôm. Rau chát và xương. Bữa ăn, cha kể với tôi chuyện anh này, anh kia làm nhà ở ngoài đồng giờ thành xóm mới. Mẹ thở dài: Không có đất thì cứ phải liều. Bảo là mát mẻ, thì đấy, nhưng mà dùng nước giếng khoan rồi cũng đến nguy. Rồi bà quay sang tôi: Rau nhà chỉ được thế thôi, mày cố nuốt đi con!.

Hoàng Đào Ngọc Trinh