.

Chùa làng khai hội đầu xuân

Thứ Ba, 08/03/2016, 07:37 [GMT+7]

“Đất  vua, chùa làng”

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người Lệ Thủy thường nói “Đất vua, chùa làng”, tức nói lên điều luật tối thượng và cũng tối thiết của triều đình, nhưng cũng để khẳng định vị trí văn hóa quan trọng của ngôi chùa làng.

Tìm hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng văn hóa vùng Bắc miền Trung nói chung và chùa Hoằng Phúc (tọa lạc tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy) nói riêng qua các thời kỳ lịch sử, qua đời sống văn hóa tinh thần sinh hoạt cộng đồng cho thấy: Chùa Hoằng Phúc có từ rất sớm trên đất Lệ Thủy, hơn bảy thiên niên kỷ nay. Chùa thờ Phật, thờ Đức Thánh, đặc biệt là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tức Quan Âm tống tử, một hình tượng đặc trưng của đạo Phật Việt Nam, thể hiện Thị Kính trong tích chuyện Quan Âm Thị Kính độc đáo của người Việt.

Chùa còn là nơi thường diễn ra lễ hội của cộng đồng dân cư địa phương. Cũng có thời kỳ trong chùa, nhà sư không những là người “cố vấn” tinh thần mà còn là người thầy thuốc, chữa bệnh bằng bắt mạch và dùng cây thuốc dược liệu trong vườn chùa; là người dạy chữ thánh hiền cho dân làng. Cũng có những lần chùa Hoằng Phúc thu hút một lượng lớn người dân trong vùng Lệ Thủy đến tham dự lễ hội theo tiếng chuông chùa làm lâng lâng lòng người (thời trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ở Lệ Thủy thường diễn ra lễ hội đình làng, đền làng, chùa làng...).

Chùa Hoằng Phúc có từ thời triều Trần, lúc đầu có tên gọi là thảo am Tri Kiến. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cư ngụ, thuyết pháp tại chùa nhân một chuyến vân du hóa đạo đến vùng đất này. Đến triều Lê, từ thảo am Tri Kiến đã được tôn tạo, phục dựng nên chùa có tính kiến trúc và mang tên chùa Kính Thiên, chùa có đại hồng chung, có tăng quan và người quét dọn, bốn mùa thờ phụng. Đến triều Nguyễn, năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng cho tiếp tục tôn tạo lại chùa Kính Thiên. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá bắc tuần, ghé thăm chùa Kính Thiên đã cho đổi tên chùa Kính Thiên sang chùa Hoằng Phúc (cũng có nghĩa từ đất này, chùa này có phúc dày, phúc dài người dân được thụ hưởng).

Sau đó, chùa Hoằng Phúc đã trải qua các lần tôn tạo, trùng tu đáng kể vào các năm: 1826, 1842, 1918, 1943,... nhưng tên chùa không thay đổi. Trải qua biến cố lịch sử, chiến tranh, bom đạn của giặc Pháp, giặc Mỹ đã tàn phá làm sập chùa. Năm 1977, nhân dân địa phương đã dựng lên ngôi nhà trên nền chùa để làm nơi thờ Phật, Đức Thánh... đáp ứng một phần nguyện vọng của nhân dân và phật tử trong vùng. Nhưng cơn bão lớn năm 1985 đã làm đổ nát ngôi nhà.

Du khách đi lễ tại chùa Hoằng Phúc.                   Ảnh: T.H
Du khách đi lễ tại chùa Hoằng Phúc. Ảnh: T.H

Ngày 13-4-2014, do đặc thù của di sản văn hóa, huyện Lệ Thủy và xã Mỹ Thủy phối hợp tổ chức đón bằng Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc (cấp tỉnh) và quyết định kêu gọi xã hội hóa tiền của để tôn tạo, trùng tu chùa. Sau hơn 7 tháng kêu gọi, ngày 30-11-2014, chùa Hoằng Phúc được khởi công tôn tạo, phục dựng bằng vốn xã hội hóa “công đức”, do Ủy ban nhân dân huyện Lệ Thủy làm chủ đầu tư. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) bảo trợ, có tổng mức đầu tư trên 55,5 tỷ đồng. Biết rằng chùa không phải là một ngôi nhà mà là một quần thể kiến trúc gồm những ngôi nhà và các hạng mục công trình kiến trúc nối cạnh nhau, cho nên quy hoạch và kiến trúc chung ở chùa Hoằng Phúc được xây dựng trên cơ sở không gian của chùa trước đây...

Ngày 16-1-2016, huyện Lệ Thủy và đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng chủ trì cắt băng khánh hạ và đón nhận bằng Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc cấp Quốc gia (theo Quyết định số 4248/QĐ-BVHTTDL ngày 9-12-2015).

Lễ hội chùa Hoằng Phúc

Lễ hội chùa Hoằng Phúc-Lệ Thủy xuân 2016 diễn ra các lễ, các hội theo thứ tự từ mở đầu đến kết thúc khá sinh động, thu hút người tham dự. Lễ rước nước-lấy từ Vực An Sinh, đầu nguồn sông Kiến Giang do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, xã Văn Thủy (xã sở tại) và sáu đội thuyền bơi truyền thống của 6 xã, thị trấn vùng giữa huyện, đảm nhận Lễ khai mạc lễ hội – tại sân chùa do Ban tổ chức lễ hội chủ trì, trước sự hiện diện của đại diện lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan của tỉnh, lãnh đạo, chính quyền các cấp trong huyện Lệ Thủy, đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam; các sư, các tăng, ni, phật tử đến tham dự lễ hội và đông đảo quần chúng trong huyện Lệ Thủy. Lễ nghi thức Phật giáo – tại chùa do người phụ trách chùa thực hiện.

Lễ thuyết pháp – tại chùa cũng do người phụ trách chùa thực hiện với thành phần: các sư, các tăng, ni, phật tử của chùa Hoằng Phúc và nhân dân địa phương.

Đêm hội văn nghệ - múa: phượng, tướng, long, hổ và hát hò khoan Lệ Thủy do Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện và các câu lạc bộ dân ca Hò khoan Lệ Thủy tiêu biểu thể hiện diễn ra giữa sân chùa thỏa mãn lòng người nhớ về cội nguồn. 

Đêm hội thả đèn hoa đăng – tại Bến Trạm (tức trạm Bình Giang trước đây) do người phụ trách nhà chùa thực hiện. Hội bài chòi – tại sân vận động xã Mỹ Thủy do UBND xã Mỹ Thủy tổ chức với sự tham gia của các Làng văn hóa trong xã.

Hội kéo co tuổi trẻ - tại sân vận động xã Mỹ Thủy do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện thực hiện với sự tham gia của các đội kéo co tuổi trẻ trong vùng. Hội thi cờ tướng – tại sân chùa do Trung tâm Văn hóa thông tin-thể thao huyện thực hiện với sự tham gia của các kì thủ trong toàn huyện. Hội bóng chuyền-tại sân UBND xã Mỹ Thủy giữa đội tuyển bóng chuyền Lệ Thủy và đội bóng chuyền tỉnh Quảng Bình...

Cảm nhận chung của những người tham gia là Lễ hội chùa Hoằng Phúc không chỉ gắn bó sinh hoạt văn hoá cộng đồng làng xã mà thực sự là một sinh hoạt văn hoá tinh thần cộng đồng liên làng, liên xã, liên vùng và cả trong huyện.

Lê Đình Tới