.

Ngọt ngào trong vị đắng

Chủ Nhật, 14/02/2016, 11:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Bãi Trước Vũng Tàu trưa 28 Tết năm ấy vui mà lạ. Dân Sài Gòn đổ về tắm biển đông như hội. Người ngồi bờ kè ngắm biển như trẩy hội. Tự nhiên lại nhớ rét, nhớ mưa phùn gió bấc, nhớ bạn bè thân thiết một thời ở Đồng Hới quê hương...

Ngồi cạnh tôi là một người đàn ông lớn tuổi, gầy, đen, đầu hói, những sợi tóc còn lại ngả màu tiêu muối, phất phơ theo gió biển. Nhìn chính diện sao mà giống Mai Xuân Khang, anh chàng học kiến trúc nhưng  không có việc gì làm, người ta chuyển sang phòng bảo đảm giao thông hồi 1968. Bốn mươi năm rồi... cuối cùng thì chúng tôi cũng nhận ra nhau. Cả hai mừng quýnh, ôm lấy nhau, đấm vào vai nhau, giọng anh nào cũng nghèn nghẹn... Khang bảo anh về Sa Đéc từ 1975, có con gái làm dâu Vũng Tàu. Mọi năm vợ chồng cô con gái vẫn về quê thăm ba mẹ, năm nay sinh thêm con nhỏ, ông ngoại về thăm cháu và luôn thể ăn Tết Vũng Tàu.

                                      ***
 

Trong lúc chờ bà xã tôi làm cơm mừng gặp lại bạn cũ gần nửa thế kỷ trước, tôi và Khang tranh nhau kể chuyện xóm Rẫy Cau, xóm Cộn, chuyện phòng bảo đảm giao thông những ngày bom đạn. Khang bảo, anh nhớ nhất vụ bác Nguyễn Đình Chí trưởng phòng cử đi công tác trên đường 15 Lệ Thủy. Lúc quay về không theo QL 15, lại đi tắt đường mòn cho nhanh. Đang đạp xe thì thấy trước mắt tấm bảng chữ vôi “Bom từ trường chưa nổ”, hoảng quá, cả xe lẫn người vật nghiêng ra cỏ. Nghĩ bụng, bỏ xe, bò ra đường cái rồi đi bộ về là thoát chết nhưng như thế kể như què bộ giò. Bảo đảm giao thông thời chiến mà không có xe đạp thì còn làm ăn gì nữa. Cái khó ló cái khôn, anh bò đại ra một vạt đất phẳng, mượn tạm của dân cái cần dàng bò cùng với dây dợ có sẵn. Bò ngược lại, buộc dây vào xe, nằm xuống một con mương lấy hết sức bình sinh nắm cần, kéo. Chao ôi, mệt, đói, sợ bom từ trường nổ, chiếc xe cày xuống đất, bị cỏ cây níu lại... Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Lấy được xe mà đang sống là thắng rồi. Nhưng kìa, nấm tràm, vô số nấm mọc chi chít dưới lá tràm mục. Thế là một liều ba bảy cũng liều, Khang cởi áo may ô ra buộc túm một đầu, hái cho đầy ắp cái “túi” mới thôi. Mấy năm ở Rẫy Cau Khang mê nhất món canh nấm tràm nấu với tôm bạc, thêm rau lang, lá trơng, lá lốt. Trong muôn ngàn nỗi nhớ thời tuổi trẻ trong chiến tranh, Khang không thể quên được nhiều vụ hút chết, không thể quên được vị đắng món canh nấm tràm dân dã mà rất Quảng Bình. Người đời thích ngọt bùi là sự thường, đằng này anh thích thêm vị đắng... 

Bà xã tôi dọn cơm ra bàn với lời giới thiệu, hôm nay vợ chồng tôi mời Khang  cùng về về Rẫy Cau và xóm Cộn của Đồng Hới mấy chục năm trước. Ngửi thấy mùi lá trơng lá lốt trong bát canh bốc khói, Khang tròn xoe mắt, rưng rưng. Tôi bảo. "Bạn thân con gái tôi ở Đồng Hới, hễ có nấm tràm là nó mua thật nhiều, cặp đông cho vào thùng xốp gửi ô tô vào Vũng Tàu.  Mà ông Khang, cái vụ kéo xe, hái nấm của ông năm 68 đã thành giai thoại cho cả phòng bảo đảm giao thông một thời rồi. Bữa cơm cải thiện tối hôm ấy ông tổ trưởng Võ Văn Dần sai tôi đạp xe về Cống Mười mua tôm, dọc đường xe nổ lốp, sai Tuấn Sinh đi hái lá trơng bị gai đâm kêu oai oái...".

Khang nhấm nháp nấm tràm, chậm rãi:  "Đây là bữa cơm tất niên tôi nhớ đời, đúng là có ngọt ngào trong vị đắng!".

Nguyễn Quốc Toàn