.

Ngày xuân đi xông đất

Thứ Sáu, 12/02/2016, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày mồng một Tết, theo quan niệm của người xưa, đó là ngày cực kỳ quan trọng của một năm. Nó như trang giấy trắng đầu tiên của quyển vở còn mới nguyên, ta phải viết chữ sao cho thật đẹp, thật sạch để làm tiền đề cho sự thành công. Vì vậy người ta chọn người xông đất đầu năm thường là những người tốt tướng, tốt bụng, gia đình sung túc, con cháu đề huề và không bị tang chế. Người được mời xông đất hoặc tự nguyện xông đất đầu xuân nhà của người thân, bạn bè mình thường ăn mặc tươm tất, bước vào đầu ngõ đã rổn rảng giọng nói tiếng cười thể hiện sự mạnh mẽ, làm cho gia chủ phấn khởi ra mặt. Ngay những ngày đầu xuân, gia đình đã được xông đất như được truyền vào niềm tin ắt tấn tài, tấn lợi. Người xông đất thì cảm thấy hạnh phúc vì mang lại cho người khác niềm vui thật sự.

Ngày ông nội tôi còn sống, ông thường được bà con hàng xóm mời xông đất đầu xuân, bởi ông đẹp lão, nói năng hoạt bát, mau mắn. Sáng mồng một Tết, ông nội khăn đóng, áo dài thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên rồi về nhà thờ tộc họ lạy ông bà. Sau đó ông đi xông đất các nhà bà con láng giềng, chúc Tết đầu năm.

Ông nội thường đi xông đất cho các nhà ở hàng xóm, nhưng ông không hề để ý xem năm ấy những gia đình mà ông xông đất có ăn nên làm ra không. Còn bà con hàng xóm thì tỏ rõ sự phấn chấn hẳn lên khi được ông tôi là người đầu tiên quá bước đến tư gia chúc Tết. Gần đến những ngày tháng cuối năm, nhân lúc trà dư tửu hậu, bà con hàng xóm thường kháo nhau: “Ông Năm xông đất nhà tôi đúng là may mắn thật, làm gì được nấy. Mong sao cụ sống trăm tuổi để còn nhờ”. Tất nhiên cũng có những gia đình tiền của không vào như nước. Thậm chí gặp những điều không may, nhưng không ai nỡ trách ông tôi, bởi lẽ người xông đất đâu có được lợi lộc gì. Họa hoằn có vài người mang đến gói trà, lon sữa thăm ông tôi lúc ốm đau thể hiện sự biết ơn vì đã xông đất ngày đầu xuân.

Thuở còn thơ bé, tôi có lần vô tình đi xông đất nhà bác Ba Lên. Người ta đi xông đất vui vẻ và oai ra phết, còn tôi sợ vãi mồ hôi. Số là sáng mồng một Tết, cha tôi sai tôi mời bác Ba cùng đi về nhà thờ họ Trần lạy ông bà cho có bạn. Tôi quên béng lời mẹ dặn: “Con chỉ đứng bìa rào gọi với vào nhé!”. Tôi lại xộc thẳng vào sân. Bác Ba gái nhìn tôi đầy vẻ tức giận, miệng bác ứ hự muốn xua đuổi tôi, nhưng không dám nói thành lời... Tôi sực nhớ lời mẹ dặn, hoảng hồn, nói thật to: “Cha cháu mời bác đi lạy ông bà!” rồi vụt cắm đầu chạy một mạch về nhà vừa nói, vừa thở hổn hển: “Mẹ ơi! Con quên lời mẹ bảo, đi thẳng vào nhà bác Ba, giờ biết làm sao?”. Vẻ mặt mẹ tôi hiện lên nỗi lo thực sự: “Chết cha! Năm nay nhà bác lỡ có chuyện gì xui xẻo thì khổ!”

Tôi và mẹ lo ngay ngáy, vậy mà suốt năm cái vụ xông đất không hề gây tai họa gì cho nhà người ta, thật hú vía!

Ngày nay, người ta không đặt nặng chuyện xông đất đầu xuân. Mới sáng mồng một Tết lũ trẻ con đã sang nhà của nhau chơi, cười nói vô tư. Chuyện xông đất chỉ còn là kỷ niệm khó phai mờ trong ký ức của những người như tôi.

Trần Quốc Cưỡng