.

Mừng thọ - nét đẹp văn hóa đầu xuân

Thứ Ba, 16/02/2016, 07:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi độ Tết đến, xuân về, cùng với việc tổ chức các lễ hội truyền thống nhằm làm phong phú hơn đời sống tinh thần thì lễ mừng thọ các cụ cao tuổi cũng được tổ chức trang trọng ở nhiều nơi. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc từ bao đời nay thể hiện sự kính già, trọng lão của thế hệ trẻ đối với ông bà, cha mẹ nhằm tôn vinh, khích lệ những người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục đem sức lực, tinh thần, trí tuệ cống hiến cho gia đình và xã hội.

Người xưa cho rằng những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được “trời ban” cho sống lâu, sống khỏe, con cháu đề huề. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà. Mừng thọ là mừng có cái phúc được sống lâu, sống khỏe với con cháu.

Có nhiều “nấc” mừng thọ. Trước đây “khao lão” là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là dịp 50 tuổi, còn gọi là “Noãn thọ” (thọ ấm áp) hay “Bán bách thiêm thọ”, “Chúc thọ” là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên; “Trung thọ” là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên; “Thượng thọ” là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên; “Đại thọ” là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên; “Lão thiêm thọ” hay “Lão thọ” (thọ đỏ) 100 tuổi.

Mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa cần được phát huy và giữ gìn.
Mừng thọ đầu xuân là nét đẹp văn hóa cần được phát huy và giữ gìn.

Theo tục lệ xưa của người Việt, trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là y phục khăn đóng, đi hài, trang phục màu đỏ hoặc màu vàng tuỳ tuổi thọ. Các cụ ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu và đào, kính lễ, sau đó làm tiệc mừng thọ. Trong lễ này, ngoài con cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa, khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu.

Với truyền thống tốt đẹp, ngày nay, việc mừng thọ không chỉ diễn ra trong riêng lẻ từng gia đình mà đã được chính quyền địa phương quan tâm cũng như tạo điều kiện cho mọi người gặp gỡ. Những cụ có năm chẵn tuổi từ 70 tuổi trở lên sẽ được tổ chức mừng thọ tại UBND xã, nhà văn hóa hoặc đình làng theo nghi thức, phong tục truyền thống của từng địa phương sao cho vẫn đầy đủ thủ tục mà không khí vẫn đầm ấm, mang đến niềm vui cho tất cả mọi người. Lễ chúc thọ thường diễn ra vào khoảng mồng 4, mồng 5 tháng Giêng khi không khí Xuân vẫn rộn ràng, con cháu sum vầy. Các con cháu dậy từ sớm chuẩn bị trang phục cho các bậc cao niên đến nơi tổ chức. Sau đó, đại diện chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể thay mặt toàn thể nhân dân trong vùng trịnh trọng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các bậc cao niên. Những tiết mục văn nghệ với những ca từ tốt đẹp vang lên thay lời chúc đến các ông, các bà.

Xuân này, với ông Trần Hữu Lương (tổ dân phố 9, phường Bắc Nghĩa) có lẽ là mùa xuân ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Ông đã lên lão 80 và khỏe mạnh, minh mẫn; được con cháu, cộng đồng, xóm làng tổ chức lễ mừng thọ một cách trang trọng. Trong ngày vui, không giấu được sự xúc động, ông Lương tâm sự: thế hệ các ông sinh ra, lớn lên trong trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, vượt qua mọi gian nan, khó nhọc, ông bà vẫn nuôi dạy đàn con nên người. Vui nhất là ông bà vẫn trường thọ đến hôm nay, được chứng kiến con cháu trưởng thành, hiếu thảo; xóm làng, quê hương, đất nước đổi thay, phát triển. “Tuổi già được như vậy với chúng tôi thật không hạnh phúc nào bằng”.

Đầu xuân chúc thọ ông bà, cha mẹ thể hiện đạo lý sống cao đẹp của người dân Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò "cây cao bóng cả” của lớp người cao tuổi trong gia đình và toàn xã hội.

Phạm Hà