.

Trò chơi dân gian: Giá trị xưa cũ cần được giữ gìn-Bài 2: Gìn giữ cho muôn đời sau

Thứ Tư, 06/01/2016, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 12 vừa qua, kéo co được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Hơn bao giờ hết, những giá trị của trò chơi dân gian càng cần được phát huy bởi có một điều hiển nhiên bất thành văn là “một khi mọi giá trị đều mất đi, thì giá trị văn hóa truyền thống của một dân tộc là điều duy nhất còn sót lại”. Và đương nhiên, bảo tồn cần tiệm cận với đời sống của thế hệ trẻ là điều đầu tiên nên làm.

>> Bài 1: Giá trị văn hóa thiêng liêng

Công tác bảo tồn nhìn từ trường học

Trong chuyến công tác lên đồng bào Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), tôi chạnh lòng bởi những trò chơi ngày hè của những đứa trẻ có đôi mắt đen buồn thăm thẳm ấy. Không có đồ chơi nên tận dụng những khúc gỗ thừa, chúng đóng lại thành một tấm ván rộng chừng 20 cm, dài từ 40-50 cm, rồi gắn thêm 4 bánh xe nhỏ. Vậy là chúng thi nhau ngồi lên ván rồi trượt đi vun vút xuống những con dốc dài lổn nhổn đá sỏi. Việc ván trượt bị gãy hay đâm vào bụi rậm gây trầy xước, thậm chí gãy chân, tay cho người chơi là chuyện thường ngày.

Điều khiến chúng tôi trăn trở là việc thiếu sân chơi như trẻ em thành phố đã đành nhưng vì sao trẻ em nơi đây không chơi các trò chơi dân gian truyền thống thay vì chơi món trượt ván nguy hiểm này? Là các em không ưa thích hay trò chơi dân gian chưa thực sự ăn sâu vào đời sống, vào môi trường học đường?!

Trong khi đó, tại các trường học trên địa bàn tỉnh, trò chơi dân gian vẫn được tổ chức cho các em học sinh và coi đó như một phần nội dung không thể thiếu trong mỗi dịp sinh hoạt Đoàn, Đội và sinh hoạt tập thể. Bởi hơn ai hết, những thế hệ thầy cô giáo đã từng gắn bó với những trò chơi dân gian đều hiểu, nét văn hóa này có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Phần lớn các trò chơi dân gian đều góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm, tính đoàn kết, hỗ trợ nhau... Điều đó càng cần thiết khi thực tế hiện nay, trẻ em luôn bị lôi kéo bởi những trò chơi công nghệ.

Theo nhiều giáo viên trên địa bàn, chính những cảnh săn lùng, bắn phá, chém giết đầy rẫy trong các trò chơi bạo lực đã tác động tiêu cực đến các em, dẫn đến những hành vi bạo lực của học sinh, làm phát sinh những hành vi nông nổi, bồng bột. Trước tình hình đó, việc các nhà trường đưa những trò chơi dân gian vào trường học không chỉ góp phần khôi phục những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc mà quan trọng hơn, còn mang đến cho học sinh sân chơi bổ ích, lành mạnh.

Ván trượt – trò chơi khá nguy hiểm của trẻ em miền núi       Ảnh: Hoàng An
Ván trượt-trò chơi khá nguy hiểm của trẻ em miền núi. Ảnh: Hoàng An

Không phủ nhận các giá trị mà trò chơi dân gian mang lại cho sự phát triển tâm lý, thể chất của trẻ nhưng không ít trường học còn gặp nhiều lúng túng trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường do những khó khăn về không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức các trò chơi, chơi như thế nào để vừa vui chơi lành mạnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh.

Một số trường tiểu học đã mạnh dạn tổ chức các hoạt động ngoại khóa bằng việc tạo điều kiện cho các em tham gia các trò chơi dân gian nhưng do chưa có cách thức tạo sức hấp dẫn, thu hút thực sự nên hình thức sinh hoạt tập thể này chỉ kéo dài trong vài ba lần thử nghiệm.

Làm sao để trò chơi dân gian thực sự thấm sâu vào đời sống văn hóa tinh thần, trở thành nỗi say mê của con trẻ chứ sân chơi không phải chỉ là sự níu kéo những giá trị xưa cũ của thế hệ đi trước. Nên chăng, Sở Giáo dục và Đào tạo cần triển khai nhiều hơn nữa những biện pháp để đưa các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và trò chơi dân gian nói riêng vào các trường học trên địa bàn. Trước hết là chú trọng đến việc tập hợp, kiểm kê trò chơi, lựa chọn các trò chơi phù hợp, tập huấn cho giáo viên cách chơi, rồi từ đó triển khai thường xuyên đến với học sinh.

Gắn với du lịch, nên chăng?

Không đợi đến các đêm trăng rằm, mà đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) hằng đêm, du khách đều có thể được hòa mình vào các trò chơi dân gian như Bịt mắt đập niêu, chơi bài chòi... Ngày thường đã rộn ràng, thì những khi có lễ hội, hàng loạt trò chơi dân gian được địa phương tổ chức ngay trên đường phố, vỉa hè.

Phố cổ Hội An càng đông đúc, náo nhiệt. Người dân và du khách có thể tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng, nhất là các trò chơi dân gian, trong đó, thi đẩy gậy giờ đã trở thành môn thể thao thu hút đông đảo người xem. Hoạt động này đã trở thành “món ăn” tinh thần, là điểm hẹn của khách thập phương và cả người dân bản địa.

Trở lại với câu chuyện du lịch tỉnh ta, hầu hết khách du lịch biết đến Quảng Bình là “vương quốc hang động” với miền ẩm thực phong phú nhưng không nhiều người biết đến những vỉa tầng văn hóa lâu đời nơi đây. Không phải đến bây giờ, những người làm du lịch mới nhận ra rằng, không gì khác mà du lịch chính là cánh cửa mở ra cho khách thập phương cùng trải nghiệm và khám phá những nét đẹp văn hóa đất và người. Đã có nhiều nỗ lực để gắn kết văn hóa và du lịch, cụ thể là việc kết nối các lễ hội văn hóa với hoạt động du lịch.

Trong đó, Tuần Văn hóa Du lịch Đồng Hới đã tích hợp được nhiều hoạt động nhằm quảng bá du lịch, các giá trị văn hóa đáng tự hào của cư dân miền biển Đồng Hới xưa. Một số lễ hội dân gian truyền thống trong đó có không ít các trò chơi dân gian đã được tổ chức sôi nổi như: Lễ hội múa bông chèo cạn, Lễ hội cướp cù, Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ... Những nỗ lực ấy vừa góp phần quảng bá cho du lịch thành phố biển, vừa là cách để du khách bốn phương hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó, phải kể đến những trò chơi dân gian vốn đã có sức sống mãnh liệt qua bao thăng trầm của lịch sử quê hương.

Điều tất yếu, dù bằng hình thức này hay cách khác, người dân chính là đối tượng hưởng lợi trong việc mở rộng không gian và sản phẩm du lịch. Việc gắn kết trò chơi dân gian với hoạt động du lịch cộng đồng mà nâng tầm lên đó là sự “bắt tay” giữa văn hóa-du lịch sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, con người và quê hương Quảng Bình, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống gìn giữ từ ngàn đời. Muốn được vậy, cần có một chiến lược dài hơi hơn, sự bắt tay chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan.

Như lời khẳng định thẳng thắn của ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh: “Quảng Bình là mảnh đất có bề dày về truyền thống văn hóa, với rất nhiều trò chơi dân gian tồn tại từ lâu đời. Nhưng đáng buồn là đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về nét đẹp văn hóa này. Đã đến lúc, các cấp, các ngành chuyên môn cần có sự bắt tay để kiểm kê, nghiên cứu và hướng đến việc bảo tồn các trò chơi dân gian, nhất là các trò chơi đang có nguy cơ mai một”.

Diệu Hương