.

Trò chơi dân gian: Giá trị xưa cũ cần được giữ gìn - Bài 1: Giá trị văn hóa thiêng liêng

Thứ Ba, 05/01/2016, 10:11 [GMT+7]
(QBĐT) - Trong những biến thiên, thăng trầm của một dân tộc, trò chơi dân gian là hồn cốt, là truyền thống làm nên nét đẹp, chiều sâu văn hóa. Với nhiều người, trò chơi dân gian là một mảng màu ký ức đẹp đẽ gắn bó với những tháng ngày tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người mải miết “chạy đua” với công nghệ mà quên mất rằng chính những giá trị văn hóa truyền thống ấy mới tạo nên nền tảng, gốc gác cho một sự phát triển bền vững, dài lâu.
 
Tết về vang tiếng trống hội
 
Cuốn “Địa chí Lệ Thủy” dành những trang viết khá sâu sắc cho những trò chơi dân gian vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân xứ Lệ. Đó là những trò chơi gắn bó nặng sâu vào đời sống văn hóa nông nghiệp, không tách rời những năm tháng tuổi thơ của trẻ em nơi đây.
 
Trong những ngày hội làng hay chỉ đơn thuần là những ngày thảnh thơi gác lại công việc đồng áng, người nông dân ở khắp các bản làng lại tụm năm tụm bảy tham gia các trò chơi đầy hào hứng, sôi nổi. Dần dà, những thói quen ấy ăn sâu vào máu thịt và trò chơi dân gian trở thành một phần không thế thiếu mỗi dịp lễ hội, Tết đến, xuân về.
 
Trong khi lễ hội phải đợi đúng dịp thì trò chơi dân gian dù trong hoàn cảnh nào vẫn giữ được chỗ đứng của mình, là hình thức giải trí có thể diễn ra mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Sinh ra, phát triển và tồn tại ngay trong chính đời sống sinh hoạt của bao thế hệ nên nét đẹp văn hóa này mang nét dung dị, mộc mạc và đáng được trân trọng, nâng niu.
 
Cũng như bao miền quê khác, bài chòi ở Lệ Thủy cũng được coi là trò chơi dân gian phổ biến tạo nên hồn cốt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trong ký ức của nhiều thế hệ con em Lệ Thủy, thì bài chòi đã gắn bó sâu nặng với đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ “hai huyện” này từ rất lâu đời. Ngay cả khi chiến tranh ác liệt, dịp lễ Tết, nhiều làng quê ở xứ Lệ vẫn vang lên tiếng trống hội, tiếng hô vang bài chòi vẫn sang sảng ngân lên bất chấp đạn bom.
 
Có thể kể đến những làng quê thường xuyên tổ chức bài chòi mỗi dịp Tết đến như: Xuân Lai (Xuân Thủy), Mỹ Lộc Thượng (An Thủy) ở phía tả ngạn sông Kiến hay Xuân Hồi (Liên Thủy), Thượng Phong (Phong Thủy) ở phía hữu hạn. Theo cụ Võ Văn Dy (Xuân Lai, Xuân Thủy) thì bởi đây là một trò chơi giải trí có tính chất văn nghệ quần chúng nên bài chòi lôi cuốn người xem nhiều hơn là người chơi, đặc biệt là lôi cuốn các nghệ nhân dân gian trong vùng tụ tập để trổ tài hò hát, vì thế, người xem càng lúc càng đông đúc.
Ảnh 7 : Sân chơi Bài chòi ở thôn Thượng (xã Võ Ninh, Quảng Ninh) xuân 2015
Sân chơi Bài chòi ở thôn Thượng (xã Võ Ninh, Quảng Ninh) xuân 2015.
Ở Lệ Thủy cũng như một số vùng thuộc hai bên bờ sông Gianh vẫn còn lưu lại nhiều môn thể thao dân tộc, cũng là những trò chơi dân gian trong các ngày tết nhất, lễ hội, trong đó, tiêu biểu là môn cướp cù. Không rõ xuất hiện từ bao giờ, nhưng trong ký ức nhiều người dân quê xứ Quảng, trò chơi cướp cù thường diễn ra vào Tết Nguyên đán hằng năm.
 
Trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, Lê Quý Đôn có viết: “Trong một đợt hành chinh vào phía nam, vua Lý Thánh Tông đã dừng chân ở tổng An Lai (tức xã Xuân Thủy, Lệ Thủy ngày nay-PV), nhà vua cho dựng chùa phật ngồi. Tại đây và cả tại Cồn Vật làng Phan Xá, trong quá trình tập luyện, binh lính đã thường xuyên chơi môn cướp cù”.
 
Chơi cù là những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát và dũng cảm nên ở nhiều làng quê, việc tổ chức trò chơi này mong trai tráng trong làng sức lực dồi dào, thân thể tráng kiệt. Trong ký ức của nhiều bậc cao niên các làng quê ở nhiều vùng đất ven bờ sông Gianh thì ấn tượng về môn cướp cù là mỗi khi có lễ hội, người xem đứng chật như nêm cả bốn phía của sân cù. 
 
Tiếng reo hò cổ vũ còn át cả tiếng trống, tiếng thanh la. Mỗi khi có quả cù trúng đích, thì từ rừng người hâm mộ từng đợt sóng nào mũ, nào nón cuồng nhiệt phất lên như những đợt xoáy lốc cùng tiếng hò reo cổ vũ vang cả một khúc sông. Cả già trẻ, gái trai, cả đàn ông, đàn bà đều bị quả cù thu hút, nhiều người hăng hái còn chạy theo hướng quả cù đang lao đi vun vút như muốn tiếp thêm sức cho đội nhà thắng cuộc.
 
Trò chơi dân gian ngày tết, ngày lễ ở Quảng Bình còn có môn vật, tiêu biểu nhất là ở Quảng Long (thị xã Ba Đồn), đánh đu, đánh cờ người... Tuy mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh, cách thức tổ chức cũng khác nhau nhưng tựu trung lại, ở sân chơi nào, người dân cũng háo hức tham gia bằng tất cả tinh thần thể thao cao thượng, tình đoàn kết keo sơn gắn bó. Làng quê mỗi dịp Tết đến, xuân về náo nức lên bởi tiếng trống hội, tiếng hò reo vang vọng. Người với người gắn bó với nhau hơn sau mỗi dịp lễ hội và tình làng, nghĩa xóm cũng từ đó càng sâu sắc, bền chặt.
 
Thế nhưng, một điều khiến những ai trân quý những giá trị văn hóa thiêng liêng của quê hương, của dân tộc cảm thấy ái ngại là mỗi năm trôi qua, những sân chơi dân gian như thế càng vắng bóng dần ở mỗi làng quê. Trong cuộc trò chuyện với một cựu giáo chức, người thầy giáo ấy đã không giấu được tiếng thở dài: “đối với những thế hệ đã sống qua thời kỳ hưng thịnh của trò chơi dân gian, ngày mà nét văn hóa ấy còn là niềm thích thú đến say mê thì chúng tôi càng cảm thấy luyến tiếc khi hôm nay, tận mắt thấy học trò của mình không còn hào hứng với những trò chơi xưa cũ ấy nữa. Có lẽ các em ham mê dán mắt vào màn hình điện thoại hơn là những trò chơi mà cha ông trân trọng gìn giữ”.  
 
“Khăng, cù u trán...”
 
Người viết có một tuổi thơ gắn bó khá sâu sắc với những trò chơi dân gian của con trẻ. Với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam nói chung và vùng quê Quảng Bình nói riêng, tuổi thơ là những ngày tháng gắn liền với những trò chơi mộc mạc, chân chất. Ngày ấy, sân chơi chỉ đơn giản là bãi đất trống bên bờ sông lộng gió hay những con đường đê thơm nồng mùi rơm rạ.
 
Những đứa trẻ với mái tóc khét cháy mùi nắng, thò lò mũi xanh nhưng những ánh mắt hồn nhiên thả trôi theo từng đồ chơi giản dị, hòa vào tiếng reo hò đến khản cổ. Những trò chơi mà trẻ em nhiều thế hệ vẫn thường say mê có lúc đến quên ăn, quên ngủ như chơi ù, đánh bi, chơi ô ăn quan, chơi khăng... đến nay, nếu nhắc lại, nhiều người vẫn ghi nhớ sâu sắc.
 
Nếu bé trai thích chơi trò đánh bi, đánh khăng thì với bé gái lại say mê với trò ô ăn quan. Nếu đánh bi, đánh khăng chơi càng đông người càng vui nhộn thì ô ăn quan chỉ cần hai người chơi, cùng chăm chú trên một sân chơi nhỏ hình chữ nhật, chia đều mỗi bên 8 ô bằng nhau. Trong mỗi ô có 5 hòn sỏi nhỏ, trừ 2 ô chéo 2 đầu, mỗi ô 10 viên. Người chơi trước được quyền bốc một ô bất kỳ, rải đều vào các ô kế tiếp nhau. Khi hết sỏi thì bốc ô kế tiếp để rải tiếp. Khi rải hết quân mà ô kế đó không có sỏi thì người chơi được “ăn” quân ở ô ngay sau ô trống và tiếp tục bốc quân ở ô sau để đi.
 
Người chơi chỉ dừng và nhường quyền cho người kia khi thả viên sỏi cuối cùng ngay trước ô 10 viên hoặc trước 2 ô trống liên tiếp. Cứ như thế, hết người này đến người khác thay phiên nhau chơi cho đến khi hết “quân” trên các ô thì dừng. Người nào có số “quân” ăn nhiều thì thắng. Không cần đến sức mạnh, sự khéo léo, nhanh nhẹn, nhưng ô ăn quan đòi hỏi người chơi phải có sự tính toán thông minh, cẩn thận trong mỗi đường đi. Chính điều đó đã làm nên sức hút của trò chơi đối với nhiều thế hệ trẻ em vùng nông thôn.
 
Vào những kỳ nghỉ hè, trẻ em lại náo nức tham gia các trò chơi truyền thống như đánh bi, đánh khăng, kéo co... Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng một khi đã hòa vào sân chơi ngày ấy, cùng hò reo, cổ vũ, những vất vả đều nhường chỗ lại cho niềm vui con trẻ. Trẻ em nhiều miền quê ở Quảng Bình khi chơi khăng có một quy ước bất thành văn khá vui tai: “Khăng, cù/ u trán/ cấm khóc/ cấm la/ cấm kêu nhà/ cấm chửi”.
 
Và cứ thế, những quy ước hồn nhiên trong mỗi dịp tụ họp, vui đùa trở thành nét đẹp văn hóa và những tháng ngày hò reo đánh bi, đánh đáo... trở thành khoảng trời ký ức mà mỗi người đều mang theo trong suốt chuyến hành trình mang tên cuộc đời.
 
Diệu Hương
 
Bài 2: Giữ gìn cho muôn đời sau