.

"Tiếng mùa" hay tiếng lòng của người thơ

Thứ Năm, 07/01/2016, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Cái tiềm ẩn năng lực ở một con người thật khó giải mã, cũng thật khó lòng mà phát hiện ra cho hết, nó cứ như mạch ngầm, cứ như dòng sông chảy chở nặng phù sa mà ít ai để ý tới – rằng đây là tinh chất của cả một quá trình chuyển hóa. Thơ cũng vậy, nó được thoát bay từ tâm hồn người, rồi từ đó mà lắng lại, mà lan tỏa vào mênh mông vô định. Có thể là một vùng đất, có thể ra ngoài vũ trụ rồi từ đấy lại quay về với thế giới nội tâm đầy mộng mị của thi nhân. Trần Hải Sâm làm thơ cũng không nằm ngoài phạm trù tâm linh rất khó giải mã ấy.

Cứ như tỉnh cứ như say
Trải lòng với Phật cầu may cho mình
Nỗi niềm với cõi tâm linh
Mơ người xưa lại hiện hình về ngay

Thơ ông ít có sự thăng hoa nhưng lại chắt chiu lắng đọng đến mức khô khốc. Tăm cá bóng chim ta có thể lần tìm để đo sải cánh, để ngắm nhìn sự uốn lượn dẻo dai đầy tinh tế của nó giữa cái không gian quá bao la hư ảo này. Thơ Trần Hải Sâm ở một góc độ khác (tuy hẹp) nhưng gợi mở nhiều suy ngẫm nhưng đấy là những mạch ngầm, những phún thạch có thể trào dâng bất cứ lúc nào

Tôi cuốc cày giữa trang thơ
Cánh đồng lục bát bất ngờ trỗ bông

Tôi thấy ông làm thơ mà cứ như ẩn sỹ thuở xưa. Nhà cuối ngọn dốc Ba Trại rất hiếm người lại qua. Đất ở đây trơ gan đá sắc, nắng lên mùi khen khét, còn mùa đông thì bao nhiêu sương giá heo may cứ thấm vào khiến con người ông nhỏ thó mãi thêm, ru rú lọt thỏm giữa một vùng sơn cước bạt ngàn thông, giữa bời bời những sim mua để mà đối phó với cái sự nóng lạnh thất thường của thời tiết. Thơ ông đối lập với hoàn cảnh sống của ông, tôi cho đấy là sự lạ.

Tử sinh với đất là người
Thương đất nên phải một đời lũ lam
Gió ru đất ngọn nồm nam
Người ru nhau thấm muôn vàn giọt thương

Ta không thể lấy hình mà bắt cho được bóng, cái bóng thơ ông chỉ có mình ông được quyền bắt. Nó từng phủ chụp lên cuộc đời ông như là một tai ách, như là phận số. Cho đến khi tập TIẾNG MÙA ra đời, tôi mới vỡ lẽ - đằng sau cái con người tưởng chừng như khắc khổ, gầy guộc ấy là cả một chân trời hi vọng lạc quan, một cuộc sống nội tâm vô cùng phong phú, làm bệ phóng cho thơ ông bay xa hơn nhiều so với thực tại mà ông có. Chỉ cần mấy dòng thơ thôi, ông có thể khiến hòn đất cũng phải biết nói năng, biết cựa quậy, biết mai kia mình sẽ trở thành viên gạch hồng ước mơ xây nên những lâu đài hạnh phúc lứa đôi khi nung chín hơn nghìn độ lửa

Đất nhuyễn thành từng sợi
Đầu thai vào trong khuôn

Ông có thể biến cả một cung đường Trường Sơn khốc liệt chiến tranh nhường ấy mà về đêm lại thanh tịnh khác thường để các o thanh niên xung phong quây quần bên nhau mà bồi hồi nhớ mẹ, nhớ em, nhớ người yêu... để ngày mai lại ra nơi cái tọa độ lửa hôm qua ấy mà không ai dám nghĩ rằng mình không thể sống sót thêm một ngày nào nữa

Em nằm lại phía sao rơi
Nhớ thương mắt lá ngời ngời biếc xanh

Ông có thể biến biển đảo xa khơi hàng trăm nghìn dặm kia mà ta cứ tưởng đang ở trước mắt mình, nơi đó chưa hề bình yên, nơi đó đang có nguy cơ gằm ghè súng nổ, máu có thể đổ bất kì lúc nào trên đầu sóng ngọn gió. Nơi đó, trước đây từng hiện hữu một lối đi riêng giữa đại dương mênh mông mà không ai nhìn thấy

Nơi ấy có một con đường
Không cột mốc không tọa độ
Không tính được bằng cây số
Vượt trùng khơi vượt trùng dương

Rồi ông về thăm rừng Sác, tưởng mình đang về lại chiến trường xưa, bởi ông cũng từng là lính trận. Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác anh hùng do đại tá Lê Bá Ước chỉ huy làm rạng danh một thời đánh Mỹ được ông gói gọn chỉ với hai khổ thơ cũng đủ đặc tả hết những gì thảm khốc nhất của chiến tranh

Tháng tư về thăm rừng Sác
Bâng khuâng giữa chiến trường xưa
Giong buồm ngược lên Soài Rạp
Khói thơm bảng lãng Rạch Dừa
Đạn bom ngàn lần tuôn xuống
Màu xanh vẫn cứ ngời lên

Rồi ông lại biến cánh đồng quê ông, nơi đất cằn sỏi đá, nơi khốc liệt của gió Lào, với lắm bão nhiều mưa trở thành cánh đồng thơ mộng tốt tươi chưa từng thấy chỉ bằng vài câu lục bát kiệm chữ đến thế này

Được mùa được cả rạ rơm
Chắt chiu đổi lấy vàng thơm chiêm mùa

Thế mạnh của Trần Hải Sâm là ở thể thơ lục bát, tuy ông viết không nhiều nhưng đã viết ra là gây ấn tượng ngay. Tôi có cảm giác rằng, ông chưa chú trọng lắm với cái thể thơ truyền thống đầy uyên bác và tinh tế này. Nó đòi hỏi người thơ phải nỗ lực hết mình, phải lao tâm khổ tứ, phải thả đắm đuối hồn mình vào trong âm điệu, vào cung bậc, vào sự ngọt ngào như dòng sữa mẹ, như là những câu ru, như câu hát ví, hát ghẹo đầy lúng liếng mà không bị sa đà theo kiểu nói lối, ghép vè, ngược lại nó gây cho người đọc một sự truyền cảm đến lạ lùng

Yêu nhau biết mấy cho vừa
Thuyền lên thương nhớ cũng ùa theo lên

Hai câu thơ này của ông viết ra rất gần với ca dao, câu chữ giản đơn nhưng hàm chứa không biết bao nhiêu là xúc cảm. Cha mẹ ông bà ta ngày trước, họ yêu nhau cũng rủ rỉ rù rì như thế này thôi mà sao ở thơ ông có cái gì đó thật nồng ấm, thanh khiết giữa vô bờ tâm trạng

Có nghe gió trở về đêm
Trăng non đã ló xuống thềm chưa em

Sự truyền cảm ấy còn đậm đến mức khi ông viết về cha mình, tôi có cảm tưởng rằng đấy là nỗi niềm, là những kí ức buồn đau, nó găm cứa vào tâm can ông về hình bóng của người cha thân yêu

Thì cha vẫn sống đấy thôi
Có trong tâm tưởng cuộc đời của con
Hành trang một thuở vẫn còn
Trong từng góc rạ, cọng rơm, ruộng vườn
Thảo thơm từ mỗi hạt cơm
Lắng sâu trong nỗi vui buồn, cha ơi!

Về mẹ mình ông lại có cách biểu đạt khác, ngôn ngữ bình dị hơn nhưng chất chứa rất nhiều yêu thương của một đứa con trai từng đi chiến trận

Con từng về với mẹ thôi
Bên người yêu tràn hẹn ước
Chỉ còn khoảng trống vô hình
Mà sao con không tới được

TIẾNG MÙA thực sự là tiếng lòng của người thơ, tiếng tâm hồn của thi sỹ ẩn chứa từ mưa nắng, từ không biết bao nhiêu từng trải, khổ đau với những vui buồn mới đúc kết được thành lời thành câu, thành cả một chặng dài gian truân của cuộc đời người viết. Trần Hải Sâm đã làm được điều ấy từ rất lâu, nay ông mới có dịp bộc bạch ra hết. Tôi tin, tin lắm khi ông có những khai mở tuyệt vời cho thơ mình ở giai đoạn cuối cùng này, ở đầu thế kỉ đầy những biến động này.

Nguyễn Hoài Nhơn