.

Huy Thục với nhạc phổ thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch

Thứ Sáu, 22/01/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch ngắn mà có sức cổ vũ rất lớn đối với quân dân cả nước, động viên mọi người ra sức phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bởi vậy, các nhạc sĩ đã phổ thơ chúc Tết của Bác Hồ thành các tác phẩm âm nhạc đặc sắc phát thanh kịp thời vào dịp Tết hàng năm, đặc biệt là những năm chống Mỹ ác liệt. Nhạc sĩ quân đội Huy Thục là người vinh dự được phổ nhạc thành công nhất hai bài thơ chúc Tết năm 1968 và đặc biệt là năm 1969 của Bác, đó là niềm vui và hạnh phúc trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông.

Ấy là giữa tháng 12 năm 1968, khi ông đang cùng đội văn công xung kích của Tổng cục Chính trị hoạt động ở chiến trường Trị Thiên thì nhận được điện phải về gấp Sở chỉ huy mặt trận. Ông được Tư lệnh mặt trận trao một bức điện khẩn, trong đó có bài thơ chúc Tết của Bác Hồ:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Dưới bài thơ có ghi chú: "Yêu cầu phổ nhạc bài thơ này, ca khúc phải gửi ra Hà Nội trước ngày 20 tháng 12 để mồng một Tết có thơ và ca khúc đăng trên báo Nhân Dân và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam".

Đọc xong bức điện, nhạc sĩ Huy Thục vừa bồi hồi xúc động, vừa lo lắng. Sau này ông mới biết, không chỉ có riêng ông mà một số nhạc sĩ khác cũng được giao nhiệm vụ trên.

Nhạc sĩ Huy Thục tâm sự: Phổ nhạc thơ Bác rất dễ mà cũng rất khó. Dễ vì thơ của Bác rất hay, mang tính khái quát cao những thành tựu của một năm qua và mang tính chất "hịch" có ý nghĩa chiến lược cho năm tới và những năm sau nữa. Khó ở chỗ: phổ nhạc thế nào giữ được tứ thơ, hồn thơ quyện được vào chặng đường lich sử,...

Ông bắt đầu hình dung trên những chặng đường hành quân theo dấu chân chiến sĩ một năm qua, những khó khăn thách thức đến với quân và dân cả nước trên các mặt trận sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và nhìn phía trước những thành tựu của cả nước về kinh tế - xã hội trên các mặt trận là rất lớn.

Càng đọc thơ Bác, càng ngẫm nghĩ, ông càng thấy lòng mình rạo rực, phấn chấn, làm sao để nhập ý tưởng mới, lời hịch của Bác nhanh chóng thấm đậm vào các tầng lớp nhân dân, nhất là các chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận.

Âm điệu thơ của Bác rất trong sáng, vì vậy nhạc sĩ Huy Thục đã chọn tiết tấu, giai điệu dễ hát, dễ thuộc, đó là các làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ, mang tính ngày hội và ví dặm dân ca Nghệ Tĩnh quê Bác. Nhạc sĩ cũng đã chú ý đưa vào tác phẩm những đoạn nhạc lưu không thường dùng trong chèo Bắc, thêm từ "à a..." vừa thay cho nhạc lưu không vừa thể hiện niềm vui tươi, phấn khởi trong âm nhạc và nhắc lại cụm từ "Tiến lên!" hai lần để nhấn mạnh lời kêu gọi tiến công của quân dân ta trên chiến trường đầu năm mới.

Lời thơ đẹp, âm điệu trong sáng của Bác đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo của nhạc sĩ. Với cây đàn ghi ta, ông bắt tay vào phổ nhạc. Suốt một đêm dài trằn trọc suy nghĩ để phổ nhạc, sáng hôm sau ông đã cho đội văn công hát thử. Sau khi tham khảo ý kiến của các đồng chí cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận, bài hát đã được ghi âm và gửi ra Hà Nội ngày 18 tháng 12 năm 1968.

Bản nhạc phổ thơ chúc Tết của Bác Hồ gửi đi ít lâu thì đội văn nghệ xung kích của Tổng cục Chính trị được lệnh từ chiến trường ra Hà Nội. Tối ngày 31 tháng 12 năm 1968, đội văn nghệ xung kích được đến biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch.

Và, đúng vào sáng sớm ngày 1 tháng 1 năm 1969, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời thơ chúc Tết của Bác Hồ nhân dịp năm mới, tiếp theo là "Bài ca Xuân 69" thơ Bác Hồ do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc. Cùng ngày hôm đó hai tờ báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân đăng trang trọng trên trang nhất Thơ chúc Tết của Bác Hồ, phía dưới in bản nhạc Bài ca Xuân 69.

Đã qua 47 mùa xuân, nhưng mỗi mùa xuân về, âm hưởng hùng tráng, thiết tha trong Bài ca xuân 69 còn sống mãi trong tâm trí của nhạc sĩ Huy Thục và sống mãi trong tâm tưởng của mỗi người chúng ta.

Qua những bài thơ mừng xuân hàng năm, Hồ Chủ tịch đã sáng tạo ra một phong cách chúc Tết của Người. Khi mỗi chúng ta chờ đón để nghe những bài thơ ấy trong phút giao thừa thiêng liêng của dân tộc, ai cũng thấy phấn chấn, rạo rực, vui tươi. Tình cảm này rất phù hợp với không khí đầu xuân, nhưng đồng thời cũng hiểu rõ nhiệm vụ của một năm mới để phấn khởi thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với năng suất cao nhất.

Các nhạc sĩ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam thường phổ nhạc những bài thơ mừng xuân của Hồ Chủ tịch để nhân dân ta ca hát. Điều đó càng chứng tỏ những bài thơ mừng xuân của Người chính là tiếng hát tâm tình, sâu sắc và thân thiết nhất của mỗi một người dân Việt Nam chúng ta.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến