.

Chuyện eng Thân

Thứ Sáu, 08/01/2016, 17:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một điều hơi lạ, là cho đến nay, người làng tôi, vùng tôi, từ nam phụ lão ấu vẫn gọi anh là “eng” theo cách phát âm của địa phương, mà nếu tính đầu cậu bé biết kể chuyện thì “anh” đáng tuổi cụ kỵ. Anh sinh ra lớn lên ở quê tôi nhưng thân phụ thân mẫu của anh từ đâu đến thì bây giờ vẫn là ẩn số. Nghe các ông bà kể lại thì đâu như từ trong Huế ra.

Cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi ra miền tây Quảng Bình đã cuốn theo nhiều tướng lĩnh đi theo "Cần vương". Một trong những viên tướng đó được phân công về miền núi quê tôi dựng “Đại đồn” chống Pháp ở Lèn Bạc. Cuối năm 1888, vua bị Pháp bắt ở Khe Ve, cuộc Cần vương gần tan rã, một vài nghĩa sĩ dạt vào trong dân gian tránh sự truy bức của kẻ thù. Viên tiểu tướng đi biệt chừng mười năm. Sau khi khởi nghĩa Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh thất bại, ông đột ngột trở về gá nghĩa với một nữ sĩ nguyên là một nghĩa quân, sinh hạ một cậu con trai tuấn tú đặt tên là Thân. Nuôi dưỡng chí phục quốc cho đời sau, viên tướng đem hết tài thiện xạ dạy cho con trai. Thuở ấy, Trường Sơn mênh mông, hoang thú vô số, hai cha con thường vào rừng săn bắn, được thịt rừng đều mang chia cho bà con trong vùng. Rồi một ngày, người vợ thiệt mạng vì rắn độc cắn, chỉ còn hai cha con lui cui ở bìa rừng. Tuổi hai mươi, Thân chưa kịp xây dựng gia đình riêng thì người bố cũng qua đời. Còn anh như cái cây độc mộc bám vào ách đá. Một khẩu súng săn, một thanh kiếm cổ, anh một ngày ở làng mười ngày ở rừng, giương súng lên là dân làng có thịt ăn. Làng xóm thấy anh chăm chỉ khỏe mạnh nhiều lần nhắc nhở chuyện gia thất và cũng có ý chọn làm “hiền tế”. Anh chỉ cười, nét cười ngày càng hoang dại. Cho đến một ngày, nghe bọn trẻ  chăn dê xì xầm chuyện lạ về anh, mọi người liền tìm đến. Cạnh nơi từng là ngôi nhà của anh đã mọc lên một ngôi mộ, nền nhà chỉ còn là đống tro than. Trẻ kể rằng: Buổi chiều nọ thấy anh vác về nhà một con khỉ khá to nhưng trông thần sắc không vui như mọi lần mà có vẻ ủ dột. Anh đào một cái huyệt nhỏ, lấy chiếu bó thi hài con khỉ chôn cùng cây súng săn trứ danh. Thắp ba nén hương cắm lên ngôi mộ, ném một mồi lửa vào nhà, Thân cầm cây kiếm cổ bước đi không một lần ngoái lại...

Những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ trước thật buồn. Đất nước chìm trong bấn loạn. Lâu lâu nghe có một cuộc nổi dậy ở đâu đó rồi lại im ắng trở lại. Dân làng vùng gò đồi miền Trung này ở xa đô thị, tin tức về chính sự chỉ nghe lõm bõm, bán tín bán nghi.

Bỗng một ngày, những người sơn tràng đi lấy gỗ ngang qua cửa rừng kháo nhau rằng “eng Thân” đã trở về. Đất vườn anh đấy, nền nhà anh đấy, cả “ngôi mộ khỉ” qua năm tháng cỏ mọc xanh um. Anh vẫn chưa gia thất gì hay có ở đâu rồi cũng không rõ. Lần này về, anh mở vườn trồng rau đậu và một vài thứ cây ăn trái. Lâu lâu thấy anh vắng nhà vài mươi ngày, trở về cùng vài người bạn, ra suối câu cá và làm những việc gì không ai biết. Một lần, đùng đùng lính từ trên huyện ập về xét hỏi cả làng, ập vào nhà anh nhưng chẳng có ai, bếp lửa còn nóng. Lính chĩa súng bắn mấy phát thị uy vào rừng rồi phóng hỏa. Ngôi nhà nhỏ của anh lần thứ hai hóa thành tro than. Nhưng lần này anh đi không lâu. Một đêm, thấy đuốc sáng đường, dân làng tưởng cháy nhà ai xách xô chậu túa ra chữa lửa thì gặp toàn những trai đinh trong vùng tay gậy tay dao mặt mũi phừng phừng. Người dẫn đầu lại chính là anh. Họ kéo đến nền đất tro than hì hụi đào “ngôi mả khỉ” lấy lên cây súng săn trứ danh hơn hai mươi năm nằm im trong lòng đất rồi rùng rùng kéo lên huyện. Đêm ấy không ai ngủ, người ở đâu kéo về ầm ầm. Sáng ra, mít tin ở sân vận động. Ông thầy dạy chữ cho trẻ con bỗng bước lên diễn đàn. Sau lễ đài có một đội giáo mác và anh Thân tay cầm cây kiếm cổ, vai đeo súng săn. Viên tri huyện cũng có mặt ngồi co ro cùng mấy nha lại. Anh thân lên quy lát chĩa khẩu súng săn lên trời nổ một phát vang lừng cả không gian...Đó là phát súng duy nhất trong ngày cướp chính quyền tháng 8/1945.
                                                      *
... Ở cửa hang có một con khỉ đang ngồi ăn một cái quả gì đấy. Thân giương súng. Không giống mọi lần khác, con vật không rơi xuống đất mà cố níu lấy cành cây nơi cửa hang, miệng kêu vang thảm thiết. Lúc đầu Thân định bồi thêm phát nữa nhưng có một điều gì đó lay động anh qua tiếng kêu xé ruột của con vật. Anh ghìm súng quan sát. Một con khỉ khác từ đâu chuyền cành như gió về cửa hang. Cả hai con cùng kêu lên the thé rồi con khỉ mới về vội chạy vào hang bế ra một con khỉ con... “Thôi, chết rồi, bắn nhầm phải con mẹ đang nuôi con...”. Thân thoáng giật mình. Trên kia, con khỉ cái đang thu hết tàn lực vắt sữa ra một hố lõm trên tảng đá. Vài mươi giây sau, nó kêu lên một tiếng vang động rừng xanh, rơi từ miệng hang xuống đất...

Ngày 27-3-1947, một tàu đổ bộ nhả ra mười Ămpipi vượt sóng đổ bộ quân viễn chinh tấn công vào cửa biển Đồng Hới. Sau một hồi đọ súng trên bãi cát, tiểu đoàn trưởng Lê Thành Đồng vung kiếm thét xung phong... Đồng Hới thất thủ. Tiểu đoàn mai táng người chỉ huy dũng cảm rồi rút lên chiến khu tổ chức kháng chiến lâu dài. Đơn vị đi qua làng, nhấp nhô trong hàng quân súng ngắn súng dài, người ta vẫn nhận ra được cây súng săn của tay thiện xạ lúc này đã vào tuổi ngũ thập tri thiên mệnh...

Câu chuyện trên đây chín phần là sự thật. Eng Thân tính tuổi vào năm mới này chẵn một-trăm-hai-mươi, nhưng trong câu chuyện mẹ tôi kể, người cao niên làng tôi kể 50 năm trước gọi là eng Thân, và bây giờ người ta vẫn một đại từ “eng Thân” như cái thời anh ở tuổi hai mươi, ngày ngày vào rừng săn thú về xẻ thịt chia cho dân làng. Tiếc rằng, anh không được nhìn thấy ngày hòa bình sau cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa ngày càng ác liệt, anh hy sinh trong một trận công đồn diệt viện. Còn khẩu súng săn gia truyền từ thời Cần vương đã vĩnh viễn thất truyền. Nghe có người đồng đội kể rằng, sau khi đơn vị được trang bị vũ khí hiện đại, một lần hành quân qua nơi nhà cũ anh đã lại chôn khẩu súng săn vào ngôi mộ khỉ. Ngôi mộ ấy nay nằm trong một trang trại cao su tiểu điền. Trước đây, khi thảo giấy cấp đất người ta còn dùng từ “Vùng đồi mả khỉ”. Lại nghe, khi hấp hối trong quân y viện anh còn yêu cầu được đưa về mai táng trong khu vườn cũ nhưng đội quy tập vẫn đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Ngôi mộ số... dãy... có tên Nguyễn Văn Thân, mặc dù anh dòng dõi hoàng tộc phải ghi là Nguyễn Phước. Việc này chỉ anh thấu hiểu, có thể cụ thân sinh đã đặt danh tính như vậy vừa hợp với năm sinh Bính Thân (1896) vừa để hoài niệm một thời Văn Thân không thành công nhưng thành nhân.

Đồng Hới xuân Bính Thân

Nguyễn Thế Tường