.
Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015):

Kỷ niệm về quê hương Nguyễn Du và Truyện Kiều

Thứ Sáu, 04/12/2015, 15:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 7 năm 1973, Trường đại học Sư phạm Vinh chuyển từ Yên Thành, Nghệ An – nơi sơ tán - về Vinh. Lúc đó chúng tôi những sinh viên năm thứ tư khoa Văn rủ nhau vượt phà Bến Thủy về Tiên Điền thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du. Chúng tôi được bạn quê Xuân Giang, cùng lớp dẫn đến thăm Khu lưu niệm Nguyễn Du, đến đền thờ Đại vương hai (Tể tướng Nguyễn Nghiễm), nơi có thờ bài vị của Nguyễn Du là con trai của vị Tể tướng thời Lê Trịnh thế kỷ XVIII và lên mộ Nguyễn Du ở đồng Phôốc, nằm cạnh bên đường mòn từ Tiên Điền sang làng Mỹ Dương. Ngôi mộ xây bằng gạch, không tô trát với 2 bậc nền mộ và nấm mộ.

Khuôn nấm được xây bao bằng gạch trần, vữa vôi, hình chữ nhật, chiều rộng khoảng 1m, dài khoảng 1,8m. Mặt nấm đắp đất cát pha, cỏ chỉ mọc giăng cằn cỗi. Trên nấm có phiến đá vôi xanh rộng 20cm, cao khoảng 40cm, dày khoảng 8cm, xung quanh nguyên trạng ghè đẽo thô ráp; mặt trước có mài trơn và khắc dòng chữ Hán theo cột dọc trên xuống là “Nguyễn Tiên Sinh Mộ Chí”; phía dưới hình nhọn vát xiên để cắm vào đất trên mặt nấm mộ ở phía chân. Nấm cao hơn nền khoảng 25cm.

Khuôn nền cũng xây bằng gạch trần, vữa vôi hình chữ nhật cách đều bao quanh khuôn nấm rộng khoảng 1,6m, dài khoảng 2,4m. Mặt nền đất cát pha giáp thổ với khuôn nấm cũng có cỏ chỉ mọc giăng cằn cỗi. Nền cao hơn đất bao quanh khoảng 20cm. Cồn đất xứ đồng Phôốc là đất cát pha, vùng thổ mộ phía nam tây nam cách khu dân cư làng Tiên Điền thời đó khoảng 1km.

Tháng 8 năm 1974, ra trường, tôi có quết định về dạy học tại Trường cấp 3 Nguyễn Du, đóng ở Tiên Điền, xã Xuân Tiên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Xa quê, những ngày chủ nhật, tôi lại lang thang cuốc bộ lần theo dấu chân Hồng Sơn Liệp Hộ (người đi săn trên núi Hồng Lĩnh), Ngư Hải Điếu Đồ (người câu cá trên biển Đông) – biệt danh của Nguyễn Du thời ông về quê ở ẩn. Tôi đã vào đến Công Khánh ở giữa lòng Hồng Lĩnh; đã theo dọc biển từ Xuân Tiên, về Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội. Ở Xuân Hội có giống cau lùn rất quý. Gốc to như gốc dừa, mới khoảng 50cm đã có trái sum suê. Đến Xuân Phổ nghe các cụ kể về ông Trần Trọng Kim, cả nhà học giỏi, nhưng có người quá say chữ thành... điên.

Tôi ở trọ trong nhà bác Nguyễn Văn Lĩnh ở cạnh trường, hai bác và gia đình luôn tỏ rõ sự tôn kính thầy và thường chia sẻ mọi chuyện. Bác Lĩnh lúc ấy tuổi gần 60, tóc bạc, lông mày sâu róm, rậm và dài cong đến gần mi, trán hói, dáng cao, lưng hơi khòng, dáng vẻ của nhà nho xưa. Bác làm nghề thuốc bắc gia truyền. Khi đàm đạo văn chương, bác thường rất khiêm tốn nhưng hiểu biết thâm sâu. Một hôm, bác đưa từ gác sách trên cao về một tập tài liệu đánh máy trên giấy “pô luya”, đóng chỉ gai cẩn thận trao cho tôi và nói:

-Thầy còn trẻ mà yêu thích văn thơ và ưa sưu tầm là rất quý. Tôi cho thầy mượn tập tài liệu này để tham khảo. Đây là tập “Tài liệu Khu lưu niệm Nguyễn Du” do thầy Cử nhân nho học Lê Thước soạn năm 1959. Thầy Cử thường về đàm đạo với cha tôi và được cha tôi cung cấp nhiều tư liệu cổ về dòng họ Nguyễn và ngài Nguyễn Du. Khi soạn xong, thầy Cử tặng cho cha tôi một bản. Đọc trong đó mới biết thầy Cử uyên thâm và công phu lắm. Cha tôi qua đời, tôi cất tài liệu như một kỷ vật trong gia đình để truyền cho con cháu.

Tôi xúc động nói lời cảm ơn và đón tập tài liệu quý từ tay bác Lĩnh chủ nhà trao cho. Chưa lúc nào bác nói dài thế! Trong tôi có linh cảm về những điều quý giá từ tập tài liệu bác Lĩnh trao cho.

Thế là không thể bỏ lỡ, tôi đã ngày dạy, đêm chép cho kỳ hết tập “Tài liệu Khu lưu niệm Nguyễn Du” để lưu lâu dài. Trong tập tư liệu, cụ Lê Thước đã có bài viết “Nguyễn Trãi và Nguyễn Du cùng chung một ông tổ xa đời”.

Tôi đọc mà cảm phục sự dày công tìm tòi nghiên cứu của cụ Lê Thước trong suốt 39 năm (1920 - 1959), truy cứu nhiều tài liệu mới có cơ duyên phát hiện được điều quý giá nối gần hai bậc đại danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du với không gian và thời gian xa vời như thế. Phát hiện quý giá đó, sau này tôi được đọc cuốn sách “Kỷ niệm 200 ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du” do cụ Nguyễn Duật cho mượn, mới biết thêm sự xác nhận trong bài “Một phát hiện mới: Nguyễn Trãi và Nguyễn Du cùng chung một ông tổ xa đời” của một nhà nghiên cứu mà tôi không nhớ tên, hình như là Nguyễn Văn Hoàn, một chuyên gia Truyện Kiều.

Cũng từ tập tư liệu của cụ Lê Thước, tôi mới được biết nguyên văn phiên âm hai bài “Sinh tế Trường Lưu nhị nữ” (Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu) và “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu” (Thay lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu) bằng chữ Nôm của Nguyễn Du mà khi ở giảng đường đại học tôi mới chỉ nghe tên.

Bốn câu kết bài “Thác lời trai phường nón...” chứa đựng một bầu tâm sự da diết buồn của Nguyễn Du khi ẩn dật ở quê nhà:

Trông trời trời khuất tầng mây
Trông trăng trăng hẹn đến ngày ba mươi
Vô tình trăng cũng như người
Một ta ta lại ngẫm cười việc ta.

Ngẫm cười về sự đa đoan khi vượt truông Hống, truông Cài để tìm đến với ả Uy, ả Sạ ở Trường Lưu và bị trai làng Trường Lưu bao vây, nên khi về viết “Sinh tế Trường Lưu nhị nữ”? Hay cười ra nước mắt bởi nỗi buồn cho thế thái nhân tình và nỗi buồn cho sự bế tắc trong việc chọn chủ để thờ... Điều đó thật khó đoán định bởi “ý tại ngôn ngoại” của thi phẩm văn chương Nguyễn Du.

Cũng từ tài liệu đó, người đời biết thêm giai thoại tuổi học trò của ông đã phát tiết cái tài ứng tác thơ ca sớm bộc lộ cái đa tình, đa mang. Thuở thiếu thời, cha mẹ mất sớm, Nguyễn Du được anh cả Nguyễn Khản, vị quan thượng thư triều Lê – Trịnh nuôi dưỡng rèn cặp. Sống trong dinh quan Thượng thư bên bờ sông Nhuệ, một hôm đi học muộn nên đến bến thì đò ngang đã chèo. Nguyễn Du đứng trên bờ nài xin cô lái đò quay lại. Cô lái đò tinh nghịch trêu: Cậu làm mấy câu vừa ý thì em quay đón. Nguyễn Du liền đọc ngay:

Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo mà trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp nhau rồi nữa để mà quen nhau.

Mọi người trên đò nhao nhao đề nghị cô quay lại cho cậu cùng chuyến. Thế rồi qua lại, lại qua trên chuyến đò ngang, đôi trẻ, một học trò, một cô lái đò xinh xắn, vui tính và dí dỏm để ý nhau. Một hôm, đò vắng khách, đôi bạn cho thuyền ra giữa dòng, trời trong xanh, nước sông trong vắt in hình cô lái đò xuống sông, mái chèo khua động bóng hình, Nguyễn Du bâng quơ ghẹo hát:

Quen nhau rày đã nên thương
Đố ai chắp mối tơ vương chữ tình
Trời xinh xinh, nước xinh xinh
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta.

Câu ghẹo bâng quơ lại đến tai anh cả, quan Thượng thư Nguyễn Khản. Thế là Nguyễn Du bị phạt roi cho chừa tính trăng hoa để lo việc học như lời anh dạy.

*      

Một chiều tôi cùng mấy em học sinh bồi dưỡng học sinh giỏi văn đi điền dã tìm dấu tích đền thờ Đại vương cả Nguyễn Huệ, anh trai của Nguyễn Nghiễm ở gần bãi sông. Ngôi đền đã mất dấu, chỉ còn trong lời kể của các cụ. Lại cùng các em vào Khu lưu niệm, rồi sang đền thờ Đại vương hai như dân Tiên Điền vẫn gọi. Ngôi đền có cặp voi đá phục, cặp ngựa đá chầu, có hai tượng hộ pháp bằng đá đứng canh hai bên hàng hiên. Trong đền có bài vị của Tể tướng Nguyễn Nghiễm, và bài vị Nguyễn Du.

Theo lời kể của các cụ trong làng thì đầu những năm 30 của thế kỷ XX, hội Khai trí tiến đức ở Hà Nội vào xây dựng khu lưu niệm, có nhà thờ Nguyễn Du. Nhưng do bị bom Pháp ném xuống sập, đên thời cải cách thì bỏ phế, nên trong họ rước bài vị của Nguyễn Du vào thờ phụ trong đền thờ của cha. Sau này hội nhà văn chụp ảnh đền thờ và ghi là đền thờ Nguyễn Du. Vượt qua mấy thửa ruộng phía tây, là vào đền thờ Đại vương ba Nguyễn Trọng, em của Nguyễn Nghiễm. Đền thờ nhỏ hơn, có cặp voi con bằng đá quỳ phục phía trước và cặp ngựa con bằng đá đang  chầu. Trong hiên có hai tượng gỗ hộ pháp đứng canh.

Qua mấy vườn bỏ trống là khu vườn không nhà cửa nhưng có mấy cây sứ cổ thụ, quanh thân bị bóc vỏ trơ thân.
Như duyên hội ngộ, thầy trò gặp cụ già người cao, lưng hơi khòng, mặc bộ đồ bà ba nâu đi tới. Dáng đi khoan thai, hai tay dài đến gối. Chúng tôi chào cụ. Cụ cũng chào đáp:

- Dạ! chào thầy và các cháu!

 Tôi ngạc nhiên hỏi cụ:

- Sao cụ biết con là thầy giáo ạ!

- Thì nhìn các cháu đi theo nên biết là thầy mà! – Cụ cười vui đáp lại và hỏi - Thế thầy và các cháu tìm gì đây?

- Dạ thưa! Chúng cháu nghe nói xưa có vườn cụ Nguyễn Du nên đi tìm.

Cụ cười và nói:

- Phải rồi! đây là vườn của cụ Nguyễn, nhưng chỉ còn mấy cây sứ cổ mà cụ Nguyễn đi sứ đem về đó thôi.
Hỏi cụ mới biết tên cụ là Nguyễn Duật, con trai cụ Nghè Mai. Cụ có nhã ý mời về nhà chơi, nhưng tiếc là trời đã sắp tối nên thầy trò hẹn cụ dịp khác.

Học kỳ một năm học 1975 - 1976, đoàn sinh viên Trường đại học sư phạm Vinh sang thực tập. Trưởng đoàn là thầy giáo dạy Giáo học pháp Đỗ Đức Huyến. Mấy hôm sau khi gặp thầy giáo cũ, tôi mời thầy Đỗ Đức Huyến vào gặp cụ Nguyễn Duật - con trai cụ Nghè Mai, vị tiến sĩ cuối cùng của họ Nguyễn Tiên Điền đã mất năm 1954 – cùng đàm đạo.

Trong câu chuyện, cụ Nguyễn Duật như thuộc làu làu kể cho chúng tôi về quê hương, dòng họ và về Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ đọc câu ca:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ này hết quan

Cụ còn nói, người xưa ví 99 chóp Hồng Lĩnh là ứng với các vị đại khoa dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Tôi cũng mạn phép cụ và thầy đàm luận về cơ sở địa lịch sử phong tục của “Nghi Xuân tứ vật” (Bốn điều chớ làm ở Nghi Xuân):

Vật kết Công Khánh hữu;
Vật giáo Mỹ Dương nho;
Vật hành Cương Gián lộ;
Vật thú Tả Ao thê.

Nghe tôi luận giải một cách chăm chú, cụ cười khen: thầy còn trẻ, lại dân từ Quảng Bình mới đến mà có ý thức sưu tầm, quan sát như thếlà quý lắm; luận giải của thầy quả là mới mẻ và am tường.

Cuộc đàm luận đến canh khuya thì cụ bất chợt nói:

- Nói cụ Nguyễn là bậc tiên tri thời thế các thầy có tin không? Thì đây, tôi xin hiến cho các thầy mấy lời tiên tri của cụ Nguyễn.

Vừa nói, cụ vừa vào chuyện ngay. Bây giờ thế giới hiện đại lấy ngày mồng 8 tháng 3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng cụ Nguyễn đã nói lên lời kêu gọi bênh vực phụ nữ  trong câu Kiều thứ 83 cách đã hai thế kỷ: “Đau đớn thay phận đàn bà” thì đã là lời tiên luận, vì câu kiều 83 đã ứng với mồng 8 tháng 3 còn gì? Năm 1954, đất nước chia làm 2 miền, đau xót đến đứt ruột đi chứ. Điều này, Nguyễn Du đã tiên đoán trong câu Kiều 1954 là “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai”. Đến như việc năm 1973, thực hiện Hiệp định Pa ri, tù binh trao trả hai bên thì câu kiều 1973 cụ Nguyễn lại viết: “Bây giờ kẻ ngược người xuôi”, không phải là tiên tri thì là gì?

Thế đó, quả là bất ngờ trong những phát hiện dẫu còn khiên cưỡng của cụ Nguyễn Duật. Nhưng qua đó cho thấy dân ta yêu Nguyễn Du và Truyện Kiều nên đã nghiền ngẫm sâu sắc làm sao. Mặt khác, tính điển hình của hình tượng, độ kết tinh, tính đa nghĩa của ngôn ngữ truyện Kiều làm cho ý ở ngoài lời thăng hoa bất tận.

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Bảo tàng Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Ảnh: T.H
Tượng Đại thi hào Nguyễn Du tại Bảo tàng Nguyễn Du (Hà Tĩnh). Ảnh: T.H

Ở An Tiên, xã Xuân Giang, thầy Nguyễn Phạm Dĩnh, dạy cấp 2 từ Cách mạng tháng Tám là anh rể thầy Lê Kinh Khiên, phó chủ nhiệm khoa Văn trường Vinh. Thầy và mẹ thương tôi như con đẻ và từ đó đến nay, tôi luôn coi thầy mẹ là nghĩa phụ, nghĩa mẫu. Gia đình luôn xem tôi là thành viên trong nhà nên thường xuyên liên lạc vào ra. Từ Trường cấp 3 Nguyễn Du ngược về hướng Bến Thủy 4km, thủa mới ra trường, không có xe đạp, tôi thường cuốc bộ lên thầy mẹ như về nhà. Điều lý thú là mẹ rất thông thuộc Truyện Kiều. Mẹ ăn trầu, nhuộm răng, tháo vát việc cày bừa và đảm đang việc nhà. Tôi thường hỏi mẹ Truyện Kiều. Một hôm Lương Đoan, con gái mẹ, dạy Văn ở cấp ba Trần Phú ở Đức Thọ về, thầy cho mời tôi lên cùng ăn cơm. Sau bữa cơm, bất ngờ mẹ bày chuyện đố Kiều và bói Kiều. Mẹ nói:

- Hai con dạy Văn cấp 3 có biết hát Kiều để dạo trâu cày không?

Tôi tò mò giục mẹ kể. Mẹ vừa nhai trầu vừa khoan thai kể. Cả nhà cùng xúm bên cái mươn tre (bàn ăn cơm) nghe chuyện.  Những bát nước chè xanh hãm từ om đất chắt bằng gáo dừa sóng sánh màu mật ong, đang bốc khói thơm lừng. Mẹ kể rằng:

Ngày trước, mấy chàng thư sinh đi ngang bờ ruộng, thấy o thôn nữ đang cày, liền buông lời cợt nhả đòi bắt chuyện. O thôn nữ cũng rất bạo dạn thách đố:

- Em đang cày, ai hát Kiều cho trâu em nghe mà dừng được thì ta bắt chuyện!

Một cậu lém lỉnh cất giọng ngâm Kiều, hát:

Chọc trời khuấy nước ở đời
Họ... họ... họ Từ  tên Hải vốn người Viễn đông.

Quả nhiên trâu dừng, o thợ cày buộc phải bắt chuyện. Thấy các trò tự đắc, nghịch ngợm, suồng sã, o lại ra đòn
-Chừ thì em trễ buổi cày, đứng lâu thì trâu sĩa đậm, nên ai hát Kiều cho trâu em kéo cày thì em khen khá.
Các trò đành hội ý lại, không dám cất lời ngay. Mãi một lúc mới có anh chàng cất lên:

Phận em con gái chữ tòng
Chàng đi(!) thiếp cũng một lòng xin đi (!)

Nghe chữ “đi” hai lần giật giọng trong câu hát, con trâu đang quai hàm nhai lại đến sủi bọt, giật mình bước đi. Mấy cậu học trò càng tự đắc, ngặt nghẽo cười trêu. O thợ cày cũng không chịu lún, vừa giật dây thúc trâu vừa cao giọng thách đố tiếp:

- Vì các chàng cười mà trâu em đi vội, đi vàng, sá cày xiêu vẹo. Em đố ai hát câu Kiều cho trâu đi thẳng thì mới thiệt là tài.

Các trò lại túm tụm, kẻ đoán này, người cãi nọ, đến khi cô gái cày về đến nơi thì các anh học trò thẹn bỏ đi. Cô gái cất giọng hát rằng:

Một vùng cỏ mọc xanh rì!... rì, rì!
Nước ngâm trong vắt!...vắt, vắt! thấy gì nữa đâu?!

Rì là dạo “rì” bên phải; vắt là dạo “tắc” bên trái. Cả nhà cùng tán thưởng mẹ. Mẹ bỗng hỏi:

- Rứa đã nghe bói Kiều và giải câu Kiều khi bói chưa?

Chúng tôi đồng thanh giục mẹ. Mẹ vui vẻ kể tiếp:

Nhà nọ sinh một bề 8 con gái nên cố rán kiếm con trai. Đến kỳ sinh nở lại gặp khó. Thấy con dâu rên la và bà mụ loay hoay cả buổi toát mồ hôi, bà liền giục con trai cầm cút rượu cơi trầu sang thầy đồ trong làng nhờ thầy xin một quẻ cho biết lành dữ ra sao. Anh chồng cuống cuồng theo lời mẹ chạy sang nhà thầy xin bói Kiều. Thầy khấn lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều... và bắt được câu:

Ơi Kim lang! hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Nghe thầy đọc câu Kiều, anh chồng mặt trắng toát, chân tay bủn rủn. Thầy đồ cười giục anh về mau bắt gà ăn mừng, hai thằng cu sinh rồi, về mau đi! Nghe thầy nói vậy, anh nghĩ chắc thầy động viên thôi, chứ đã xảy chuyện chẳng lành rồi. Nghĩ vậy, nhưng mặc dù thần hồn nát thần tính, anh cũng vội về  nhà. Đến cửa ngọ, anh đã nghe các con reo lên vui sướng: Cha ơi! Mẹ sinh hai em cu rồi! Anh mừng mà như muốn ngã quỵ, nhưng cũng cố hổn hển vào nhà xem thiệt hư cho biết. Nghe tiếng cả hai trẻ sơ sinh cùng đồng thanh: “ Ái hạ, ái hạ” và mẹ chạy ra khoe: “Hai thằng con ạ!” thì anh mới hoàn hồn.

Kể đến đây, mẹ giỗ quét trầu hỏi cả nhà ai giải được câu Kiều đó?

Mỗi người một ý, nhưng ai cũng lo chị vợ chết nên mới có câu “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Mẹ cười hồn hậu bảo rằng chưa ai đoán ra. Mẹ lại ngậm tiếp miếng trầu kẹp vỏ rễ chay cùng nhúm thuốc lá vê tròn dắt bên khóe miệng và bắt đầu kể tiếp: Người chồng cầm chai rượu sang cảm ơn thầy và xin thầy giảng rõ cho. Thầy cười, nét mặt đôn hậu, giảng giải:

 -Là thế này, câu lục là chàng Kim gọi chàng Kim thì rõ là 2 thằng cu còn gì nữa. Câu bát có ý nói hết sinh đẻ.

Chị nhà anh quá thì sinh con nên không còn đẻ nữa là “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” chứ còn gì!...

Thế mà đã ngót 40 năm. Tình người Nghi Xuân và những kỷ niệm về Nguyễn Du đọng mãi trong tâm khảm của tôi!.

Trần Văn Chường