.

Làng cát Bảo Ninh với phim truyện "Chung một dòng sông" và hai diễn viên nhí

Chủ Nhật, 25/10/2015, 14:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã lâu lắm không được xem lại bộ phim "Chung một dòng sông". Tình cờ một lần lang thang trên mạng, tôi bắt gặp tên phim và cứ thế, tôi chăm chú xem lại trọn vẹn bộ phim với bao nhiêu cảm xúc trào dâng. Những kỷ niệm ngày ấy liên quan đến đoàn làm phim trên quê tôi ùa về như mới ngày hôm qua...

"Chung một dòng sông" là bộ phim truyện (đen trắng) đầu tiên, là niềm tự hào của nền điện ảnh Việt Nam. Ban đầu, kịch bản của phim có tên "Tình yêu không biên giới" của hai tác giả Cao Đình Báu và Đào Xuân Tùng. Sau khi được chỉnh sửa bổ sung đổi tên thành "Chung một dòng sông".

Nội dung kịch bản phim xoay quanh mối tình trắc trở của Hoài (NSƯT Phi Nga) và Vận (NSƯT Mạnh Linh) bị ngăn cách bởi dòng sông Bến Hải, vĩ tuyến quân sự tạm thời và cuộc đấu tranh của đồng bào hai miền đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện Hiệp định Giơ nevơ về Việt Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Bộ phim được khởi quay vào đầu năm 1959. Do bối cảnh chuyện phim diễn ra phần lớn ở bờ Nam sông Bến Hải nên đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân cố tìm một địa điểm sao cho phù hợp với không gian của thôn Cát Sơn (thuộc xã Trung Giang-huyện Gio Linh).

Chính vì thế mà đoạn bờ sông Nhật Lệ của làng Trung Bính và xóm chài Mỹ Cảnh (thuộc xã Bảo Ninh - Đồng Hới) đã lọt vào tầm ngắm của hai vị đạo diễn. Hai địa điểm này đã hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng vốn có của thôn Cát Sơn. Đó là bờ cát trắng ven sông, có những gốc phi lao cổ thụ, có rừng dừa xanh ngã bóng bên sông, có hàng cây tra xum xuê mọc sát bờ nước mặn và những động cát chạy dài...

Từ ngày có đoàn làm phim về, không khí cả xã Bảo Ninh rộn ràng hẳn lên. Lần đầu tiên sau 5 năm giải phóng Đồng Hới (1954), mọi người dân, nhất là lũ trẻ con chúng tôi vô cùng lạ lẫm với những chiếc máy quay phim, những hệ thống đèn chiếu sáng, rồi nào là sắc phục cảnh sát, lính ngụy Sài Gòn cùng những loại đạo cụ, trang phục khác phục vụ cho vai diễn...

Cu Kỉm - Diễn viên “nhí” trong phim “Chung một dòng sông” năm 1959.
Cu Kỉm - Diễn viên “nhí” trong phim “Chung một dòng sông” năm 1959.

Những phân đoạn của phim như cảnh đồng bào bờ Nam đấu tranh, giằng co, xô đẩy với cảnh sát lính ngụy trên bến đò ngang, cảnh thuyền nhà trai ở bờ Bắc sang cập bến bờ Nam đi đón dâu... đều diễn ra tại bến sông nhà ông Giồng, bà Lượng (làng Trung Bính). Cảnh lính ngụy vây ráp, lùng bắt cán bộ, cảnh những ông già trang phục khăn đóng, áo lương đi guốc mộc... của nhà gái đang tất bật chuẩn bị đám cưới cho đôi trẻ (Hoài-Vận), hoặc cảnh tên cảnh sát ngụy đang tán tỉnh, cưỡng hiếp cô  Hoài (Phi Nga đóng)... được diễn ra tại làng chài và trên động cát Mỹ Cảnh (Bảo Ninh).

Để có được những đoạn phim trên, đoàn làm phim đã thông qua lãnh đạo xã, huy động hàng chục người đủ mọi lứa tuổi tham gia đóng phim. Dưới sự chỉ huy của hai nhà đạo diễn, bà con hai thôn Trung Bính, Mỹ Cảnh đã vào vai quần chúng trong các phân cảnh biểu tình, đấu tranh với chính quyền ngụy hoặc các cảnh quay khác như: ngư dân trên đoàn thuyền đánh cá, lễ đón dâu bên bờ Nam...

Mỗi một người tham gia đóng phim lúc đó đều được đoàn làm phim chấm công và trả tiền bồi dưỡng một đồng hai hào năm xu/ngày tương đương mức lương một ngày của cán bộ nhà nước. (Thời đó gạo ngon mậu dịch bán là bốn hào hai xu một kg).

Tụi trẻ con chúng tôi tuy không có trong "danh sách diễn viên", nhưng với tính hiếu kỳ cũng rủ nhau theo chân người lớn có mặt trong các tiểu cảnh, xô đẩy, níu kéo, đứa nào cũng đen nhẻm dưới nắng hè, với  nước mặn, cát buị làm cho tóc tai, áo quần ướt sũng...

Cũng chính từ thực tế đó mà trong phim "Chung một dòng sông" đã xuất hiện hai diễn viên "nhí". Đây là trường hợp đặc biệt: diễn viên không qua đào tạo chuyên môn, không có trong biên chế của đoàn làm phim mà bị "bắt cóc" nhưng đã để lại dấu ấn cho người xem mặc dù thời gian xuất hiện trên màn ảnh chỉ tính bằng giây.

Trong phim có phân cảnh Hoài (NSƯT Phi Nga) một cô gái ở bờ Nam đang chơi đùa với một bé trai hơn 4 tuổi giữa động cát trắng bên rừng phi lao xanh ngắt, hình ảnh bé trai mập mạp tròn trĩnh đen láng, không mặc quần áo, trên tay cầm chiếc chong chóng bằng lá dừa đang chạy lon ton trên động cát... Đó là "anh" cu Kỉm, con của một ngư dân thôn Mỹ Cảnh.

Cũng như bao đứa trẻ khác. Ngày đó cu Kỉm cũng thường chạy theo bạn đi xem các ông các bác đóng phim. Một hôm tình cờ đạo diễn Hồng Nghi bắt gặp cậu bé có dáng chắc đậm, hai mắt tròn xoe ngộ nghĩnh... ông chấm ngay. Thế là cu Kỉm đương nhiên trở thành "diễn viên", rồi cứ mỗi buổi sáng nhận từ bác Huy Công (NSƯT) nắm xôi, cu Kỉm lại lon ton theo chân bác cùng đoàn làm phim ra hiện trường tập dượt trong vai một đứa trẻ với chiếc chong chóng lá dừa đang đùa với cô Hoài (NSƯT Phi Nga) trên động cát.

Cu Kỉm sau này từng là chiến sĩ Đội cảm tử rà phá bom mìn của Đồng Hới trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay ông là một lão ngư ở tuổi 63 với màu da đen sạm của người dân vùng biển và sinh sống cùng con cháu ngay trên mảnh đất cát trắng mà gần 60 năm trước ông từng là diễn viên "nhí".

Nhân vật thứ hai trong phim là Phạm Thành Chính ở làng Trung Bính (Bảo Ninh).

Trong phim có trường cảnh thể hiện đồng bào bờ Nam sông Bến Hải kéo nhau ra sông hướng về bờ Bắc để chào lá cờ đỏ sao vàng. Bọn trẻ con cũng được đạo diễn bố trí cho tụ tập trên động cát cao có cây phi lao cổ thụ (gọi là động Mụ Khóa Xước). Chúng tôi, đứa leo lên cành cây, đứa ngồi bệt xuống cát... hướng mắt nhìn theo chỉ dẫn của đạo diễn. Bỗng ông đạo diễn hỏi: "Trong số các cháu, cháu nào hát được bài Quốc ca?" Cả bọn trẻ con im re vì ngượng và... sợ.

Nhìn khắp lượt, bỗng ông chỉ tay vào Phạm Thành Chính và bảo: "Cháu nhé". Thật bất ngờ, quyết định của ông hoàn toàn chính xác. Tại thời điểm đó Phạm Thành Chính gần 14 tuổi, học trên tôi 1 lớp. Chính có dáng người dong dỏng, thư sinh và khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng.

Diễn viên “nhí” Phạm Thành Chính đang hát Quốc ca trong phim Chung một dòng sông năm 1959.
Diễn viên “nhí” Phạm Thành Chính đang hát Quốc ca trong phim Chung một dòng sông năm 1959.

Hôm đó, Chính cũng như chúng tôi theo bà con đi làm phim, nhưng để xem là chính, không ngờ lại được đạo diễn chỉ định. Theo kịch bản Chính vào vai một em bé nghèo ở dưới chế độ miền Nam đang ngóng về lá cờ Tổ quốc trên cột cờ phía Bắc sông Bến Hải.

Đạo diễn phim bố trí Chính ngồi bên gốc phi lao, chung quanh có bạn bè cùng lứa, mắt nhìn xa xăm, miệng mấp máy lẩm nhẩm hát bài Quốc ca. Dù thời lượng xuất hiện trước ống kính chỉ khoảng 4 đến 5 giây nhưng Phạm Thành Chính đã vào vai rất đạt, đầy nội tâm vì thực ra lúc đó bản thân Chính cũng chưa thuộc hết lời và giai điệu của bài hát nhưng chỉ sau hai lần bấm máy đã đạt kết quả, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi hết lời khen ngợi.

Phạm Thành Chính đến năm 1967 nhập ngũ vào bộ đội địa phương của thị xã Đồng Hới (C300) và anh hy sinh năm 1968. Bố anh, một đội viên trong Đội thuyền vận tải của Bảo Ninh cũng là liệt sĩ. Sau này mẹ anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Phim "Chung một dòng sông" bấm máy quay vào đầu năm 1959, sau 4 tháng đã hoàn thành và được công chiếu vào ngày 20-7-1959 nhân kỷ niệm 5 năm ngày ký Hiệp định đình chiến tại Việt Nam (20-7-1954 - 20-7-1959).

Đây là bộ phim nhựa đen trắng, đứa con đầu lòng của nền điện ảnh Việt Nam. Vinh dự cho quê hương, làng cát Bảo Ninh là nơi được chọn lựa phần lớn những trường đoạn thể hiện về cảnh và người dân miền Nam để đưa vào chuyện phim.

Từ một làng quê nghèo lúc bấy giờ, với: "chang chang cồn cát, gió lào" nay Bảo Ninh đã trở thành một khu du lịch lớn, khang trang với điện đường, trường trạm, với cầu bắc qua sông Nhật Lệ...

Hai diễn viên "nhí" ông Phạm Thành Chính là liệt sĩ chống Mỹ, ông Nguyễn Kỉm nay là tổ trưởng dân phố, một CCB gương mẫu...

Xem lại những thước phim, những hình ảnh quê hương và con người ngày ấy, càng thêm tự hào về sự đi lên của nền điện ảnh Việt Nam cũng như sự đổi thay của Bảo Ninh trên đà phát triển.

Bảo Ninh xứng đáng là điểm nhấn mời gọi du khách bên bờ biển Đông của thành phố Đồng Hới.

Đoàn Thị