.

Mấy vấn đề về bảo tồn lễ hội

Thứ Năm, 17/09/2015, 08:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ bao đời nay, đối với người dân Quảng Bình, lễ hội đã thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng, tâm linh. Các lễ hội ở tỉnh ta vừa đa dạng, phong phú về loại hình, từ lễ hội văn hóa, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp cho đến lễ hội tưởng nhớ người có công với cộng đồng..., vừa đặc sắc trong hình thức thể hiện, thậm chí cùng một kiểu lễ hội những mỗi làng lại có cách thức tổ chức riêng, độc đáo. Theo thời gian và tác động của chiến tranh, không ít lễ hội đã bị mai một,  nhiều lễ hội vẫn được nỗ lực bảo tồn trong nỗi thấp thỏm của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và của cả cộng đồng. Vẫn còn đó không ít nguy cơ về sự biến tướng, lệch chuẩn trong bảo tồn hoặc bảo tồn, khôi phục chưa đúng phương thức, chưa phát huy hết giá trị vốn có của lễ hội.

Kỳ 1: Sức sống của lễ hội phải từ chính cộng đồng...

Đó là lời khẳng định “như đinh đóng cột” của người nhiều năm dành tâm sức cho văn hóa dân gian-nhà nghiên cứu Văn Tăng. Bởi đúng như ông lý giải, chỉ xuất phát từ cộng đồng mới hình thành nên lễ hội, và cũng chính cộng đồng, mới có thể nuôi dưỡng, phát huy, lan rộng lễ hội đó. Một khi cộng đồng thờ ơ, quay lưng hoặc các giá trị của lễ hội không còn phù hợp với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, thì sớm hay muộn, lễ hội cũng sẽ bị phôi pha, mai một. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch năm 2011, tỉnh ta có 104 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 52 lễ hội truyền thống dân gian. Bên cạnh các lễ hội vẫn còn được gìn giữ và phát huy giá trị, nhiều lễ hội đã dần biến mất khỏi không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Và trong nỗ lực phục dựng các lễ hội bắt nguồn từ chính cộng đồng, nhiều chông gai vẫn còn khó vượt qua.

Năm 2008, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch được sự tài trợ của Quỹ Đan Mạch hỗ trợ văn hóa vùng và dân tộc ít người, đã triển khai dự án nghiên cứu, phục dựng lễ hội đâm trâu của đồng bào Ma Coong xã Thượng Trạch, Bố Trạch. Mục tiêu hướng đến của dự án là nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều trước nguy cơ bị thất truyền, giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cộng đồng, đồng thời góp phần khích lệ tinh thần hăng hái tham gia lao động sản xuất, học tập, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa văn nghệ, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Phục dựng lễ hội đâm trâu cũng chính là để củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc và từng bước phát triển cộng đồng dân tộc thiểu số.

Lễ hội đâm trâu của đồng bào Ma Coong là một trong những nét văn hóa độc đáo, tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta. Lễ hội dù bị mai một nhiều qua chiến tranh, thời gian, nhưng vẫn có sức sống bền bỉ trong ký ức của những bậc cao niên, đi sâu bén rễ trong văn hóa cộng đồng người Ma Coong và có ảnh hưởng đến các cư dân thuộc nhóm tộc người khác trong vùng. Lễ hội đâm trâu là lễ hội cầu mùa, cầu may, cầu sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, tai họa, cầu ma Mót, ma rừng, ma núi, Giàng phù hộ cho dân bản. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn, giúp cộng đồng người Ma Coong đoàn kết, vượt mọi khó khăn thử thách, thể hiện ý chí, tinh thần đoàn kết, cầu mong cuộc sống yên lành và sự trường tồn của tộc người.

Sau hai tháng thực hiện, dự án nghiên cứu, phục dựng lễ hội đâm trâu của đồng bào Ma Coong đã mang lại những kết quả khả quan, từ quá trình nghiên cứu, sưu tầm hệ thống tư liệu cho đến nỗ lực phục dựng nguyên trạng lễ hội, và nhất là khơi dậy được niềm tự hào, gắn bó của người Ma Coong đối với lễ hội.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin, UBND huyện Bố Trạch cho biết, sau khi phục dựng thành công, năm nào bà con cũng mong muốn được tổ chức lễ hội đâm trâu, nhưng gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, nhất là tiền mua trâu, sắm sửa lễ vật. Hiện tại, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, hai năm một lần, lễ hội đâm trâu mới được tổ chức. Như vậy, thực tế cho thấy rõ ràng trong khi cộng đồng đã đón nhận, dung dưỡng, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố chi phối đến bảo tồn lễ hội, trong đó, nguồn kinh phí chính là vấn đề “đau đầu” nhất.

Lễ hội cướp cù phường Đồng Phú (TP.Đồng Hới) là một hoạt động thể thao mang đậm nét cổ truyền, được nỗ lực duy trì đến ngày nay.
Lễ hội cướp cù phường Đồng Phú (TP.Đồng Hới) là một hoạt động thể thao mang đậm nét cổ truyền, được nỗ lực duy trì đến ngày nay.

Năm 2015 là năm đầu tiên lễ hội cướp cù của phường Đồng Phú, TP.Đồng Hới (làng Trấn Ninh xưa) được phục dựng, kể từ lần cuối vào năm 1990. Ông Phạm Bá Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Phú cho biết, lễ hội là một hoạt động thể thao mang đậm nét cổ truyền, được các bậc cao niên lưu giữ và truyền lại cho con cháu, được tổ chức thường niên 5 năm một lần vào các dịp lễ, hội làng hoặc các dịp chào mừng kỷ niệm các sự kiện trọng đại của quê hương đất nước. T

ương truyền, lễ hội này là hình thức chơi thể thao, luyện quân có từ thời nhà Trần, do tướng quân Phạm Ngũ Lão bày ra cho quân lính vui chơi, luyện quân. Theo một thuyết khác, có thể, lễ hội cướp cù làng Trấn Ninh xưa được đưa đến mảnh đất Đồng Hới là từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Nhà Nguyễn muốn vừa rèn luyện sức khỏe cho binh lính, vừa tạo không khí gắn bó, thân thiết, môi trường quân sự vui vẻ, đã tổ chức lễ hội cướp cù đặc trưng này. Việc tổ chức lễ hội cướp cù còn để nhằm tăng cường sức khỏe cho trai tráng và là dịp để các cụ bô lão, nhân dân trong vùng thể hiện ước nguyện cầu mùa màng bội thu, cầu cho con cháu học hành đỗ đạt, may mắn hạnh phúc trong cuộc sống, cầu cho quê hương đất nước ngày càng thịnh vượng phát triển.

Lễ hội cướp cù năm nay được tổ chức đúng dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, kỷ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 - 30-4-2015, Quốc tế lao động 1-5 và giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 Âm lịch và gắn với hoạt động Tuần văn hóa-du lịch Đồng Hới năm 2015.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở tỉnh ta từ năm 2011 đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Số liệu kiểm kê vì thế cũng phải cập nhật từ cách đây... 5 năm!?

Lễ hội được phục dựng sau nhiều năm gián đoạn đã đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của bà con phường Đồng Phú nói riêng, người dân Đồng Hới nói chung. Khâu tổ chức lễ hội được chính quyền địa phương quan tâm triển khai hiệu quả, chu đáo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể, tổ dân phố, cá nhân được phân công nhiệm vụ và nhất là sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Khâu tuyên truyền cũng được Ban tổ chức lễ hội coi trọng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: qua hệ thống truyền thanh phường, pano, áp phích, hội nghị triển khai kế hoạch lễ hội, tuyên truyền vận động các tổ dân phố treo cờ, băng rôn tại nhà văn hóa... Đúng ngày diễn ra lễ hội, không chỉ bà con trong phường và thành phố mà đông đảo du khách đã tập trung rất đông tại Sân vận động tỉnh để cổ vũ, hòa mình vào không khí tươi vui, phấn khởi, đoàn kết của lễ hội.

Ông Phạm Bá Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Phú khẳng định, lễ hội dân gian truyền thống này chính là một “món ăn tinh thần” quý báu, vừa khơi gợi nét văn hóa của Đồng Hới xưa cho lớp trẻ, vừa thắt chặt tính cộng đồng, đoàn kết trong dân cư. Tuy nhiên, nan giải nhất vẫn là huy động nguồn kinh phí đóng góp từ nguồn xã hội hóa. Một mặt bởi sự quan tâm của người dân với lễ hội dân gian truyền thống không còn như xưa, nhất là từ phía các đơn vị, doanh nghiệp, mặt khác, do mới phục dựng cho nên ban tổ chức còn gặp nhiều lúng túng trong khâu tuyên truyền và huy động kinh phí.

Rõ ràng, dù hình thành, phát triển và phục dựng ở miền núi hay ở thành thị, trong cộng đồng dân tộc thiểu số hay trong người Kinh, khó khăn lớn nhất của việc phát huy các giá trị lễ hội hiện nay vẫn chính là khẳng định được sức sống trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, trừ các lễ hội đã phổ biến, có tiếng vang, duy trì được nguồn tài trợ trong quá trình tổ chức, thì không ít lễ hội dù được cộng đồng quan tâm, bà con hưởng ứng, mong ngóng, nhưng nguồn kinh phí từ xã hội hóa vẫn còn quá eo hẹp, chưa đủ để duy trì lễ hội.

Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, với vai trò quản lý nhà nước, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch luôn khuyến khích mỗi địa phương tích cực tham gia vào nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn mình, không riêng gì các lễ hội truyền thống dân gian. Trong đó, việc huy động sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong hoạt động của lễ hội, từ khâu triển khai, tổ chức cho đến đóng góp kinh phí luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng, dẫu biết rằng tự thân lễ hội muốn được bền vững phải duy trì sức sống từ chính cộng đồng, nhưng tỉnh ta hiện nay vẫn chưa có một chính sách cụ thể, quy hoạch chi tiết nào về bảo tồn lễ hội, chủ yếu là các địa phương, nơi nào có thực lực, thì mạnh dạn đứng ra tổ chức, duy trì. Chính điều này góp phần dẫn đến không ít biến tướng trong lễ hội mà chúng ta còn đang mắc phải, như: mê tín dị đoan, thương mại hóa...

Mai Nhân

Kỳ 2: Phát huy tính liên kết trong lễ hội từ góc nhìn văn hóa biển