.

Để tiếp sức cho Bài chòi trong dân gian

Thứ Tư, 08/07/2015, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Bài chòi dân gian Trung bộ đang đứng trước cơ hội lịch sử nếu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Cùng với các tỉnh trong khu vực, Quảng Bình tự hào khi là chiếc nôi nuôi dưỡng nghệ thuật Bài chòi suốt mấy thế kỷ qua, đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức để đưa Bài chòi tìm lại được vị trí trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và giữ được nét độc đáo, hấp dẫn của bản thân loại hình này. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, chỉ còn khoảng trên dưới 10 xã, phường là còn duy trì Bài chòi, đáng lo ngại là không ít thôn, xã, trước đây, Bài chòi được hưởng ứng khá rầm rộ, nay đành lui vào “dĩ vãng”.

Thôn 3 (làng Lộc Đại), Lộc Ninh, TP.Đồng Hới là 1 trong 7 xã, phường của TP.Đồng Hới vẫn còn duy trì hình thức sinh hoạt nghệ thuật Bài chòi. Ông Nguyễn Trí Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, truyền thống văn hóa dân gian Bài chòi đã xuất hiện từ lâu đời ở Lộc Ninh và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con. Sau một thời gian dài bị mai một do chiến tranh, năm 2007, 2008, Bài chòi được khôi phục và tiếp tục đến tận ngày nay, được tổ chức hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán ở thôn 3, kéo dài từ mồng 1 đến mồng 4 Tết.

Sân chơi Bài chòi mang một ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa là đợt sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tình cảm bà con trong xã, vừa là dịp để giáo dục cho lớp trẻ đi sau về một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của cha ông để lại, tránh nguy cơ bị mai một, tàn lụi trong tương lai. Chính quyền xã cũng tích cực có sự hỗ trợ về nguồn kinh phí và huy động các tổ chức, đoàn thể cùng chung tay tổ chức Bài chòi nhằm mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Nghệ nhân Thái Mai Hoa, thôn 4, Lộc Ninh chia sẻ, Bài chòi còn mang một ý nghĩa tâm linh trong những ngày đầu năm, đó là cầu may mắn, lộc biếc về nhà, do đó, luôn thu hút đông đảo bà con tham gia. Khó khăn lớn nhất trong quá trình tổ chức Bài chòi chính là vấn đề kinh phí. Nhiều dụng cụ cần thiết cho sân chơi, như các loại cờ, trang phục... không có điều kiện để đầu tư. Nguồn kinh phí từ bán vé thì cũng chỉ mang tính chất vui vẻ, tượng trưng, chưa thấm là bao so với công sức bỏ ra. Nghệ nhân Thái Mai Hoa đượm buồn cho biết, Tết Nguyên Đán năm 2015, do thiếu kinh phí, sân chơi Bài chòi đã không thể tổ chức, tạo sự tiếc nuối cho bà con Lộc Ninh. Thiếu kinh phí cũng khiến cho nỗ lực trao truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa của Bài chòi gặp nhiều gian nan. Lớp nghệ nhân cao niên đang ngày càng gần đất, xa trời, trong khi giới trẻ ngày càng bị thu hút bởi nhiều cám dỗ bên ngoài, thiếu mặn mà với văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Để Bài chòi có thể “sống” trong cộng đồng, cần nhiều giải pháp nhanh chóng và kịp thời trước khi quá muộn.
Để Bài chòi có thể “sống” trong cộng đồng, cần nhiều giải pháp nhanh chóng và kịp thời trước khi quá muộn.

Theo báo cáo của Phòng Văn hóa-Thông tin, UBND TP. Đồng Hới, Bài chòi, hiện nay, chỉ còn được lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng, cơ bản không còn di tích hay hiện vật nào liên quan. Các địa phương chủ yếu tự làm chòi, tự làm thẻ chơi cho phù hợp với điều kiện kinh tế. Lớp nghệ nhân hát Bài chòi cổ trên địa bàn ngày càng hiếm, do tuổi cao, sức yếu. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi xã, phường còn tổ chức Bài chòi chỉ có từ 1-2 nghệ nhân biết hát Bài chòi cổ, mà đều đã ở độ tuổi cao, việc khai thác và đề nghị biểu diễn gặp nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí để sưu tầm những bài hát cổ còn thiếu thốn, chưa có chính sách hỗ trợ động viên các nghệ sĩ, nghệ nhân còn sống để bảo tồn, phát huy nội dung hát Bài chòi ở địa phương.

Không chỉ riêng TP.Đồng Hới, đây là khó khăn chung trong nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Bài chòi ở tỉnh ta. Lệ Thủy có 3 xã trước đây từng tổ chức Bài chòi nhưng nay đã mai một, gồm: Lộc Thủy, Phú Thủy, An Thủy. Huyện Quảng Trạch trước đây có 3 xã có hình thức sinh hoạt nghệ thuật Bài chòi, như: Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu. Nếu không kịp thời có những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, tin chắc rằng danh sách “buồn” trên sẽ còn kéo dài mãi.

Trăn trở nhiều với loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo này, nhà nghiên cứu Văn Tăng cho rằng, việc cần làm đầu tiên chính là phải tiếp tục công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi một cách bài bản, khoa học trước khi quá muộn. Đó là thời điểm các nghệ nhân Bài chòi tuổi cao, sức yếu, nguồn tư liệu bị hư hao theo thời gian.

Công tác này đòi hỏi sự vào cuộc gắt gao, kịp thời của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành, địa phương liên quan với một kế hoạch bài bản, chỉnh chu, từng bước điều tra, sưu tầm, tổng kiểm kê, thống kê, hệ thống hóa dự liệu bằng kỹ thuật... Tiếp đó, để Bài chòi có sức sống lâu bền trong dân gian, thực sự tồn tại trong cộng đồng dung dưỡng, khâu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, đưa Bài chòi vào giáo dục văn hóa-tinh thần cho lớp trẻ, đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, tổ chức những sân chơi có quy mô, đúng tầm với Bài chòi phải được đặt lên hàng đầu.

Quan trọng hơn, nguồn kinh phí của nỗ lực bảo tồn Bài chòi phải đến từ nhiều phía, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, mà cần sự đóng góp của xã hội hóa, từ các tổ chức, cá nhân tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Và cuối cùng, những nghệ nhân Bài chòi cũng rất mong muốn có một cơ chế, chính sách đãi ngộ, tôn vinh để động viên, khích lệ họ trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị.

Có như vậy, Bài chòi mới thực sự có chỗ đứng trong cộng đồng và trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Quảng Bình. Về lâu về dài, Bài chòi cũng sẽ là một động lực mới để hấp dẫn, phát triển du lịch bên cạnh các thế mạnh khác.

Mai Nhân