.

Cây cọ trẻ Lê Thuận Long: Sáng tạo bằng những "ký ức phù sa"

Thứ Sáu, 24/07/2015, 14:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Xem tranh của Lê Thuận Long, nhất là dòng tranh cổ động, bao giờ cũng thấy một tinh thần lạc quan và đầy hào sảng. Nhưng gặp cây cọ trẻ, thấy anh lành và đa đoan quá, mà thỉnh thoảng kể chuyện đời, anh lại rưng rưng, tôi mới hiểu: Làm nghệ thuật, đôi khi cũng phải đánh đổi nhiều thứ. Vui trên từng tác phẩm nhưng cuộc đời thực lại chẳng thiếu những nỗi buồn mênh mang.

Chỉ mới 31 tuổi, nhưng Long đã bảo, cuộc đời anh buồn lắm! Buồn bởi bao đau đớn, đổ vỡ anh đều đã nếm trải cả. Mà lạ kỳ chưa, khi cuộc sống có những sóng gió thì Long càng có nội lực để sáng tác. Bước chân vào nghệ thuật từ năm 2003 nhưng phải đến 10 năm sau, anh mới có những tác phẩm khiến người yêu hội hoạ tỉnh nhà để ý đến mình. Năm 2013 có thể coi là "năm bản lề" như cách mà anh nói. Năm của những vấp váp, đổ vỡ. Nhưng cũng là năm của sự thăng hoa trong sáng tác nghệ thuật. Những đau đớn trong cuộc sống đời thực đều được dồn nén lại rồi biến nó thành động lực để sáng tạo. Vẽ cũng là cách để anh "tìm quên" đi những đau đớn ấy. Long say sưa vẽ, vẽ ngày vẽ đêm, vẽ như thể nếu như dừng cọ, mọi cảm xúc sẽ trôi tuột đi theo thời gian. Và như anh nói, nếu như năm 2013 là một nụ hoa đang e ấp, thì năm 2014, nụ hoa ấy bung nở và khoe sắc rực rỡ. Sau "năm bản lề" sáng tác say mê, năm 2014 được coi là năm thành công nhất của cây cọ trẻ quê xứ Lệ Lê Thuận Long với 1 giải ba, 1 giải khuyến khích cùng 3 tác phẩm vinh dự được lọt vào các cuộc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và khu vực Bắc miền Trung.

Cây cọ trẻ Lê Thuận Long
Cây cọ trẻ Lê Thuận Long

Khi phần đa các tác giả trẻ đều đi theo dòng sáng tác mang hơi thở đương đại, khuynh hướng sáng tạo mới thì Long táo bạo quyết định "lội ngược dòng" để thử sức mình với dòng tranh cổ động. Trong khi đó, giữa đời sống hiện nay, dòng tranh này chỉ còn lại khá mờ nhạt, ít có hoạ sỹ còn tâm huyết sáng tác, nhất là khi pano, áp phích đang lấn lướt dần. Nhưng Long lại khác, càng ít người theo đuổi thì anh càng muốn vẫy vùng trong biển hồ mênh mông ấy. Dù trong tạo hình và sáng tạo mỹ thuật, tranh cổ động thuộc phân mảnh thể loại đồ họa, được xếp vào loại khó nhất, đòi hỏi tư duy sáng tạo và tính nghệ thuật rất cao. Dòng tranh này thể hiện được cái nhìn tỉ mỉ đến từng chi tiết của người họa sĩ, đồng thời phải thanh thoát và phóng khoáng trong cấu trúc của hình và nét. Một không gian dày đặc nhưng không rối rắm với đủ nét dày, nét thưa, vừa có chiều sâu và chắt lọc được hình ảnh tiêu biểu của sự vật, vừa phải dễ hiểu. Cái khó của người cầm cọ là phải làm sao để mỗi tác phẩm tranh cổ động phải mang được thời sự nhưng không tách rời tính nghệ thuật. "Góp phần quan trọng trong việc cổ vũ, động viên tinh thần cho cả dân tộc trước những sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, các vấn đề cấp bách cuộc sống nhưng có vẻ như các họa sỹ rất e ngại với dòng tranh sáng tác này. Đứng trước thực trạng này, bản thân mình rất trăn trở, ngoài các mảng đề tài, chất liệu khác, đây vẫn là dòng tranh chính để mình sáng tác", Long trải lòng.

Ngày còn đi học, Lê Thuận Long thích nhất câu thơ của một nhà sư: "Bước qua chiếc bóng của mình/ Mới hay gánh nặng hư vinh cuộc đời", để rồi, suốt những năm tháng độc bước giữa cuộc hành trình đi tìm cái tôi của chính mình, câu thơ ấy cứ ám ảnh, vấn víu lấy anh. Những gánh đời với bao buồn vui, thăng trầm, mất mát cứ đè nặng lên chính tâm hồn người nghệ sỹ ấy. Anh tâm niệm, cuộc đời lên xuống như cái đồ thị hình sin mà ai cũng phải vẽ lúc phổ thông, ngưỡng chịu đau của mỗi người khác nhau, và không phải ai cũng trải qua nỗi đau giống nhau nhưng rồi vẫn phải vươn lên mà sống. Bởi cuộc sống cũng có lúc thăng, lúc trầm, có mất mát, khổ đau thì cũng sẽ có niềm vui và hạnh phúc.

Tâm niệm thế nên anh luôn ám ảnh bởi hình tượng con sóng, hình tượng biển trong mỗi tác phẩm của mình. Anh yêu biển, yêu sóng, nên dù vẽ bằng chất liệu gì, anh cũng muốn gắn với đề tài về biển, về sóng, về những con thuyền chênh chao trên sóng dữ. Tác phẩm "Ấm áp nơi đảo xa" đạt giải 3 tại Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam do Tổng cục Chính trị tổ chức cũng xuất phát bởi chính tình yêu từ trong sâu thẳm tiềm thức ấy. Hay tác phẩm điêu khắc sắt hàn "Hoa sóng" cũng lấy cảm hứng từ chính hình sin ngọn sóng ấy. Sẽ không sai khi nói về Long rằng mỗi mao mạch trên cơ thể anh đã mặn mòi vị biển bởi biển đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, vào tâm hồn anh. Anh đặt tên cho không gian bé nhỏ để trưng bày những tác phẩm hội họa, điêu khắc của mình là "Quán sóng" cũng vì lẽ đó. Anh bảo, đó là nơi những người bạn nghệ sỹ có thể đàm đạo về thơ, về tranh và về cuộc đời. Đó cũng là nơi anh lắng lòng mình lại sau những xô bồ của cuộc sống áo cơm, những nứt vỡ của tâm hồn để tĩnh tâm vẽ. Chỉ có khi vẽ, anh mới thấy tâm hồm mình thanh thản nhất.

Tác phẩm
Tác phẩm "Ấm áp nơi đảo xa" - giải 3 Cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Lê Thuận Long hiện là giáo viên Mỹ thuật của Trường tiểu học Hưng Thuỷ (Lệ Thuỷ). Yêu vẽ tranh và cũng đã có những thành công vững vàng trên con đường ấy nhưng anh vẫn quyết gắn bó đời mình với nghề giáo. Anh bảo, anh vẫn sẽ đi dạy cho đến hết đời mình, đi dạy để lấy nghề nuôi nghiệp, để mang những giá trị nghệ thuật, chân - thiện - mỹ ươm mầm cho thế hệ trẻ. Và khi anh nhìn sâu vào những đôi mắt đen to tròn, hồn nhiên của học trò, cuộc sống dường lắng dịu đi những u ám trong chính tâm hồn đã nhiều trầy trụa, từ đó, tạo cảm giác tươi mới về màu sắc và tạo hình cho chính những bức tranh anh vẽ.  

Với Lê Thuận Long, mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần được thai nghén và sinh ra từ chính những cảm xúc, tâm huyết của một con người yêu tranh đến từng hơi thở. Anh bảo, người cầm cọ vẽ ngoài tài năng, tâm huyết, lòng kiên nhẫn thì cần lắm niềm tin vào cuộc đời, vào con người và vào chính tác phẩm của mình. Long luôn sống với hoài niệm về tuổi thơ, về những ngày tháng sinh viên đẹp đẽ, đó cũng là cách để anh lấy lại những niềm tin với cuộc đời, dù có lúc tưởng chừng như đã nát vụn. Với Long, những ngày đã qua dù là buồn vui hay đau khổ thì cũng là những "ký ức phù sa", là chất men say nồng để anh mặc sức vẫy vùng trong sáng tạo.

Sau những ngày chập chững bước chân vào nghiệp vẽ, Lê Thuận Long hôm nay vững vàng, cứng cỏi hơn cả trong hội họa và trong cuộc sống. Thành tích anh đạt được cũng đang dần dày lên. Long bảo, anh đang hoàn thiện hồ sơ để cuối năm 2015 có thể được xét kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đó là niềm tự hào mà không phải cây cọ trẻ nào cũng may mắn có được!

Lê Thuận Long hiện là hội viên Phân hội Mỹ thuật Quảng Bình. Anh đã đạt được các giải thưởng lớn tại các cuộc thi như:

- Giải Ba tranh cổ động chào mừng Festival Huế 2008
- Giải Khuyến khích toàn quốc tranh cổ động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2010)
- Giải Ba toàn quốc tranh cổ động chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng (2011)
- Giải Khuyến khích toàn quốc tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (1946- 2011)
- Giải Khuyến khích toàn quốc tranh cổ động kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014)
- Giải Ba toàn quốc tranh cổ động chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2015).
- Giải Ba toàn quốc tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2014).

Anh cũng tham gia hơn 30 triển lãm khu vực Bắc miền Trung, trong nước và quốc tế.

Diệu Hương