.

Để trẻ hóa đội ngũ văn học nghệ thuật tỉnh nhà

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vừa đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong chặng đường hoạt động của mình qua Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Qua những gì thực tiễn đã chứng minh, một trong những vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay để xây dựng diện mạo mới cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà chính là yếu tố con người. Trong bối cảnh, số hội viên trên dưới 70 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 30% và số hội viên từ dưới 50 đến 60 tuổi chiếm hơn 50%, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ còn rất nhiều việc phải làm để trẻ hóa hơn nữa đội ngũ của mình.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết, trong thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sỹ Quảng Bình không ngừng phát triển và bổ sung, tạo nên diện mạo khá hùng hậu của một vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có 253 hội viên, tăng 45 hội viên so với đầu nhiệm kỳ.

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay trong phát triển đội ngũ hội viên chính là nguồn nhân lực trẻ. Trong khi lớp văn nghệ sĩ trên 45 tuổi đã chiếm hơn 80% tổng số hội viên, thì lớp tác giả dưới 45 tuổi mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng số hội viên. Đặc điểm chung của lực lượng trẻ là được đào tạo cơ bản và khá chuyên sâu. Một số tác giả bước đầu đã định hình phong cách sáng tác và đạt được những kết quả đáng trân trọng. Lực lượng này mặc dù còn thưa mỏng nhưng có sự bứt phát rõ rệt, một số tác giả trẻ đã xuất hiện với nhiều hứa hẹn mới. Tuy nhiên, về lâu về dài, vẫn rất cần nhiều bước đột phá trong công tác xây dựng nguồn nhân lực để văn học nghệ thuật tỉnh có lớp kế cận xứng tầm thay thế trong bối cảnh đội ngũ hội viên trẻ ngày càng ít đi.

Những trại sáng tác dành cho các tác giả trẻ cần được tổ chức thường xuyên hơn.
Những trại sáng tác dành cho các tác giả trẻ cần được tổ chức thường xuyên hơn.

Với 19 công trình sưu tầm nghiên cứu, đoạt 6 giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, UBND tỉnh trao tặng, ngành văn hóa-văn nghệ dân gian xứng đáng là hạt nhân tập hợp lực lượng những người làm công việc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa, văn nghệ truyền thống của quê hương. Các tác phẩm nghiên cứu của tác giả Đỗ Duy Văn, Đinh Thanh Dự, Văn Tăng, Đặng Thị Kim Liên... đều được đánh giá cao, góp phần bảo tồn những giá trị độc đáo của nghệ thuật cổ truyền. Tuy nhiên, việc thiếu lớp trẻ kế cận đang là vấn đề “đau đầu” của cả Phân hội Văn hóa Văn nghệ dân gian (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) và Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình. Các nhà nghiên cứu đều đã ở lứa tuổi trên 60, như: tác giả Phạm Ngọc Hiên đã bước sang tuổi 75, tác giả Đặng Thị Kim Liên đã hơn 65 tuổi... Lớp trẻ say mê với nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian đã hiếm và tham gia vào các hội liên quan lại càng hiếm hơn.

Không còn xa xôi nữa, khi các bậc đàn anh, đàn chị không đủ sức khỏe để dấn thân trong công tác nghiên cứu, thì sự thiếu hụt lớn nhân lực về mảng này là điều rất dễ xảy ra. Tình trạng của ngành văn hóa văn nghệ dân gian cũng là thực tế chung của nhiều ngành khác, như: văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc...

Để góp phần gỡ nút thắt về nguồn nhân lực, thời gian qua, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã nỗ lực chú trọng công tác tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ, kết nạp hội viên trẻ, đồng thời đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, phòng Giáo dục các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là ở miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa, nhằm tìm kiếm các tài năng sáng tạo trẻ.

Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định, trong nhiệm kỳ tới, công tác xây dựng đội ngũ tác giả trẻ, bồi dưỡng lớp tài năng kế cận cho Hội chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bức thiết hàng đầu. Mục tiêu hướng đến là hàng năm, kết nạp vào Hội từ 3 đến 7 hội viên, trong đó có hơn 70% hội viên tuổi đời dưới 50.

Một trong những giải pháp đáng chú ý của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chính là xây dựng Đề án phát triển tài năng Văn học nghệ thuật, tổ chức các cuộc thi sáng tác để phát hiện tài năng trẻ, phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và các phòng Giáo dục các huyện, thành phố, thị xã, hàng năm tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng cho những tác giả trong trường học. Ban sáng tác trẻ phải đề xuất được các giải pháp tập hợp lực lượng sáng tác trẻ, có kế hoạch hoạt động thường niên và tiếp tục tổ chức hội nghị những người viết văn trẻ Quảng Bình.

Mai Nhân