.

Tọa đàm khoa học về Nghệ thuật Bài chòi dân gian ở Quảng Bình

Chủ Nhật, 26/10/2014, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 25-10, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh về việc lập hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi dân gian Trung bộ trình tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức tọa đàm khoa học về Nghệ thuật Bài chòi dân gian ở Quảng Bình.

Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học về Nghệ thuật Bài chòi dân gian ở Quảng Bình
Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học về Nghệ thuật Bài chòi dân gian ở Quảng Bình

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của những người làm công tác quản lý văn hóa văn nghệ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và các nghệ nhân bài chòi trong tỉnh…

Quảng Bình là 1 trong 11 tỉnh, thành phố miền Trung nằm trong phạm vi thực hiện hồ sơ quốc gia về Bài chòi, nhưng Bài chòi ở Quảng Bình có những nét độc đáo về âm nhạc, nghệ thuật độc diễn, mỹ thuật trang trí, bố cục chơi, ngôn từ…

Những ý kiến tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và nghệ nhân Bài chòi tại buổi tọa đàm đã góp phần tập trung làm rõ các vấn đề lớn, gồm: lịch sử ra đời của Bài chòi tại Quảng Bình; vai trò, vị trí của Bài chòi trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân; sự khác biệt giữa Bài chòi Quảng Bình và các tỉnh miền Trung khác…

Được biết, một bộ hồ sơ hoàn chỉnh được đệ trình lên UNESCO cần phải đảm bảo các yêu cầu, như: hồ sơ được cộng đồng văn hóa chung tay xây dựng, có sự cam kết bảo tồn di sản, có sự kiểm kê để chứng minh sự tồn tại trong cộng đồng và có hành động quốc gia để bảo tồn, phát huy di sản. Cùng với những địa phương khác, Quảng Bình đang không ngừng nỗ lực hoàn thiện các công tác xây dựng hồ sơ di sản để Nghệ thuật Bài chòi dân gian sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

                                                                                                                                         Mai Nhân