.

Nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Bình: Còn nhiều trăn trở

Thứ Ba, 21/10/2014, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm qua, ảnh nghệ thuật Quảng Bình đã có những đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá du lịch và giới thiệu về quê hương, con người Quảng Bình. Bởi hình ảnh, tự thân nó, đã có sức mạnh truyền tải hơn hàng vạn ngôn từ. Thế nhưng, để nhiếp ảnh tỉnh nhà có được chỗ đứng vững chắc trong các sân chơi lớn và có những đóng góp tích cực hơn thì cần có định hướng dài hơi.
 
Lĩnh vực của đam mê

Sáng tạo nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng luôn đòi hỏi người nghệ sỹ phải có niềm đam mê, một tình yêu thực sự đối với bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi. Đó là động lực thôi thúc người cầm máy vượt qua những khó khăn của nghề để dấn thân và trải nghiệm.

Bàn về vấn đề này, nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng An, Hội viên chi hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tại Quảng Bình thẳng thắn bày tỏ, "Người ta có thể học hỏi nhau tất cả các vấn đề về kỹ thuật, chứ không bao giờ học hết cách nghĩ và những rung động tinh tế của mỗi tâm hồn. Như vậy trước tiên người cầm máy cần có một tâm hồn phong phú, một niềm đam mê thật sự, phải đi nhiều, chụp nhiều, trải nghiệm nhiều thể loại”. Một khi đã thổi được hồn của mình vào tác phẩm, người nghệ sĩ nhiếp ảnh có thể hòa hợp mọi đường nét, thể hiện những khoảnh khắc tuyệt vời, giúp đứa con tinh thần của mình sống mãi với thời gian.

Với những người NSNA tại Quảng Bình, mỗi một chuyến đi thực tế rong ruổi trên khắp những miền quê là một lần được trải nghiệm và thỏa mãn đam mê. Và mỗi tác phẩm chính là một công trình được kết tinh từ tất cả những yếu tố: sự sáng tạo, lòng đam mê, công sức và cả tiền bạc. Để cho ra đời một khuôn hình đẹp nhất, người nghệ sỹ đôi khi phải dấn thân, liều mình với nguy hiểm.

NSNA Thành Vương không quên được kỷ niệm lần anh chụp những bức ảnh toàn cảnh khu Mỹ Cảnh (Đồng Hới). Để được một bức ảnh toàn cảnh ưng ý, anh phải bay dù ở độ cao 90m. “Hôm đó, trời có gió Nam, nên dù rung lắc rất mạnh, mình lại là người say sóng nhưng dù mệt lắm cũng phải cố gắng chụp được toàn cảnh Mỹ Cảnh ở những góc độ đẹp nhất. Đến lúc xong việc, nhưng gió mạnh quá nên không thể cho dù bay vào bờ được. Vậy là phải nhảy xuống nước, chỗ gần bờ, rồi bất tỉnh. Phải 5 phút sau khi được đưa lên bờ, mình mới tỉnh lại. Đến giờ, đó có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ và cũng là lần tác nghiệp nguy hiểm nhất”, NSNA Thành Vương nhớ lại.

Hầu hết những lần đi sáng tác, những NSNA phải tự bỏ tiền túi ra, từ chi phí đi lại đến việc đầu tư máy móc hay cả những khoản không tên khác. Nhuận ảnh và tiền thưởng từ các cuộc thi đôi khi không đủ bù đắp cho những khoản chi phí ấy. Thế nhưng, một khi đã đam mê thì họ vẫn chấp nhận dấn thân. Không hiếm những NSNA phải bán tài sản chỉ để đeo đuổi cái đam mê ấy.

Nhiếp ảnh nghệ thuật góp phần giới thiệu về quê hương, đất nước và con người Quảng Bình. Trong ảnh: Tác phẩm “Thiên Đường” của NSNA Hoàng An
Nhiếp ảnh nghệ thuật góp phần giới thiệu về quê hương, đất nước và con người Quảng Bình. Trong ảnh: Tác phẩm “Thiên Đường” của NSNA Hoàng An

Đến giờ, thì nhiếp ảnh nghệ thuật của một vùng quê còn nhiều nghèo khó như Quảng Bình vẫn có thể tự hào bởi những năm trở lại đây, nhiếp ảnh tỉnh ta đã và đang dần tạo cho mình một vị thế vững chắc. Nhiều tay máy cùng nhiều tác phẩm đã gặt hái được không ít những giải thưởng lớn tại các sân chơi chuyên nghiệp trong và ngoài nước, góp phần mang hình ảnh quê hương, đất nước và con người Quảng Bình đến với cộng đồng quốc tế, như: tác phẩm “Hoa lúa” của NSNA Hoàng An đã đạt giải đặc biệt tại cuộc thi ảnh quốc tế do Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP và Liên đoàn nhiếp ảnh Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức vào tháng 4/2014.   

Đau đầu chuyện tác quyền ảnh

Trong sáng tạo nghệ thuật, vấn đề tác quyền không còn là chuyện mới mẻ. Thế nhưng, câu chuyện tác quyền ở thời điểm nào, lĩnh vực nghệ thuật nào cũng luôn luôn là vấn đề nóng hổi. Mặc dù ở Quảng Bình, đến nay vẫn chưa xảy ra một vụ kiện tụng, tranh chấp nào có liên quan đến tác quyền ảnh thế nhưng, việc vi phạm tác quyền vẫn âm thầm diễn ra và làm đau đầu nhiều NSNA. Nỗi trăn trở ấy càng đau đáu hơn khi đầu tháng 9 vừa qua, vụ một khách sạn in ấn lậu hơn 100 bức ảnh của Hội viên CLB Nhiếp ảnh Hội An (Quảng Nam) bị bắt quả tang. Vụ việc ấy đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh rằng nếu các cơ quan quản lý văn hóa và bản thân người nghệ sỹ không có nỗ lực để nhanh chóng chấn chỉnh những hoạt động trái phép đó thì việc vi phạm bản quyền vô tội vạ sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Một thực tế đáng buồn là ở tỉnh ta, dường như tác quyền trong nhiếp ảnh vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ quan, tổ chức vẫn vô tư sao chép, sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh mà không biết rằng họ đang sử dụng công trình sáng tạo của người khác trái pháp luật. Nhiều NSNA tỏ ra khá bức xúc khi trong một số sự kiện cấp thành phố, cấp tỉnh, khi dùng ảnh của tác giả thường không ghi tên và cũng chưa xin phép tác giả.

Cụ thể nhất là cuốn “Khám phá Quảng Bình” và “Quảng Bình quê tôi” có sử dụng hàng chục tác phẩm của rất nhiều tác giả là Hội viên phân hội nhiếp ảnh Quảng Bình, được sử dụng quảng bá rộng rãi nhưng đến nay vẫn không thực hiện việc chi trả nhuận ảnh cho các tác giả. Đã có không ít cuộc trao đổi thẳng thắn giữa hai bên, thế nhưng, như NSNA Thành Vương chia sẻ thì “mọi nỗ lực vẫn chỉ như muối bỏ bể mà thôi. Hình như họ cho rằng việc tác phẩm được đưa lên sách, báo là vinh dự lắm rồi. Chúng tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong công sức của mình được trả công xứng đáng và thực hiện theo đúng luật”.

Dạo một vòng quanh các nhà hàng, khách sạn ở thành phố Đồng Hới, có không ít những tác phẩm về danh thắng Quảng Bình, trong đó, hầu hết là tác phẩm của hội viên Phân hội nhiếp ảnh, thuộc Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình được trưng bày khá trang trọng. Nhiều tác phẩm chẳng đề tên tác giả. Nhiều quản lý nhà hàng, quán ăn cho biết, họ không rõ nguồn gốc của những tấm ảnh này và tỏ ra thờ ơ với bản quyền của tác giả. Nhiều chủ khách sạn thì trả lời đơn giản: “thấy đẹp thì mang về treo thôi”. Thực tế vẫn diễn ra với ngồn ngộn các vụ việc liên quan đến vi phạm tác quyền ảnh nhưng ở tỉnh ta, vấn đề kiện tụng, tranh chấp vẫn khá im ắng. Bởi “trước đây chưa có tiền lệ” hoặc vì nhiều mối quan hệ, không muốn làm rùm beng vụ việc nên không ai muốn đi tới cùng với câu chuyện.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một phần lý do dẫn đến việc sao chép vô tư của nhiều cá nhân, đơn vị là bởi tự thân nhiều NSNA chưa có cách để bảo vệ, giữ lấy sản phẩm sáng tạo của mình. Trao đổi về vấn đề này, anh Đức Thành, một tay máy trẻ của nhiếp ảnh Quảng Bình cho biết: “Thời buổi mà công nghệ sao chép quá đơn giản như hiện nay, cách tốt nhất là nghệ sỹ phải biết tự quản lý tác phẩm của mình. Với những tác phẩm bản thân cảm thấy đạt đến một trình độ nhất định thì tác giả nên đăng ký bản quyền. Hiện nay, việc đăng ký này khá đơn giản và không mất nhiều thời gian”.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, không nhiều NSNA chủ động đăng ký bản quyền cho đứa con tinh thần của mình. Mà cửa nhà mở thì khách tự nhiên bước vào. Một khi nghệ sỹ không tự giữ lấy những sản phẩm sáng tạo của mình thì càng tạo một thói quen xấu cho những người “lách” luật, “lơ” luật ngang nhiên sử dụng đứa con tinh thần của người khác.

Để nhiếp ảnh Quảng Bình “cất cánh”

Với những người nghệ sỹ nhiếp ảnh Quảng Bình, mảnh đất và con người quê hương luôn là đề tài phong phú, khơi gợi nhiều khám phá, chất chứa nhiều xúc cảm. Nói như NSNA Thành Vương, chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tại Quảng Bình thì “Quảng Bình là mảnh đất của di tích lịch sử, nhiều danh thắng, có di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Đối với người nghệ sỹ nhiếp ảnh như chúng tôi, đó là một may mắn lớn, nên chẳng cần ai đi đâu xa, ở ngay quê hương mình đã có phong phú đề tài cho mình sáng tạo”.

Thế nhưng, nhiều NSNA Quảng Bình tỏ ra khá bức xúc khi trong các sự kiện lớn của tỉnh nhà, họ lại không được tạo điều kiện để tác nghiệp. Như sự kiện lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình diễn ra vào tháng 4 vừa qua, rất ít các NSNA được vào trong tác nghiệp. NSNA Hoàng An mong muốn: “Chúng tôi chỉ mong sao, những sự kiện lớn của tỉnh, chúng tôi cũng được tạo điều kiện như các anh em phóng viên. Chỉ cần có cơ hội, tin chắc sẽ có những tác phẩm có giá trị”. Bàn về điều này, một số NSNA cho ý kiến: “Nên chăng cũng cần tạo điều kiện cho anh em nhiếp ảnh bằng cách cũng cung cấp thẻ cho chúng tôi tương tự như thẻ phóng viên trong các sự kiện. Đó như một “giấy thông hành” để anh em tham gia tác nghiệp dễ dàng hơn. Tất nhiên là chỉ với một số người, có chọn lọc chứ không phải là cấp thẻ tràn lan”.

Quảng Bình có lợi thế về cảnh quan và bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa nên không thiếu đề tài sáng tạo, lại có lực lượng sáng tác đầy đam mê và đã ít nhiều được khẳng định qua nhiều sân chơi nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Thế nhưng, để nhiếp ảnh tỉnh nhà thực sự “cất cánh”, xứng tầm với tiềm năng sẵn có, cần có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về kinh phí, về điều kiện tác nghiệp để người NSNA có nguồn động viên, khích lệ. Nói như một nhiếp ảnh trẻ ở Đồng Hới thì:  “Tỉnh ta cũng nên thường xuyên tổ chức các cuộc thi nhiếp ảnh trong tỉnh, có như thế, NSNA và cả những tay máy không chuyên tỉnh nhà vừa được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, vừa là để tạo kho dữ liệu ảnh phong phú phục vụ cho việc quảng bá du lịch, giới thiệu về quê hương, con người Quảng Bình”.

Ngọc Minh