.

Nhà báo Mỹ "hất đổ" ghế Tổng thống Mỹ Richard Nixon qua đời

Thứ Năm, 23/10/2014, 16:00 [GMT+7]

Ben Bradlee, Cựu tổng biên tập huyền thoại của tờ Washington Post, người đã giám sát toàn bộ phóng sự phanh phui vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon phải rời nhiệm sở đã qua đời hôm thứ Ba vừa rồi ở tuổi 93.

Ben Bradlee, Cựu tổng biên tập huyền thoại của tờ Washington Post. (Nguồn: Getty)
Ben Bradlee, Cựu tổng biên tập huyền thoại của tờ Washington Post. (Nguồn: Getty)

Bradlee đã để lại một di sản lâu dài ở tòa báo cũng như với giới truyền thông và được ca ngợi như một thiên tài, một người có sự can đảm "của cả một đội quân." Ông cũng từng là một người bạn của cố Tổng thống John F.Kennedy.

Tổng thống Barack Obama, người trao cho Bradlee Huy chương tự do vào năm ngoái, đã gửi lời chia buồn và nói rằng với Bradlee "báo chí không chỉ đơn giản là một nghề, mà còn đóng vai trò quan trọng trong dư luận vì nền dân chủ."

Trong thời gian Bradlee giữ chức tổng biên tập Washington Post từ năm 1968-1991, ông đã truyền cảm hứng cho nhiều phóng viên để "kể những câu chuyện cần được kể, những câu chuyện giúp chúng ta hiểu thêm về thế giới và những người xung quanh."

Vợ của Bradlee, Sally Quinn, người từng là phóng viên cho tờ Washington Post cho biết tháng trước ông đã được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ.

Donald E. Graham, chủ tờ báo Washington Post và là cấp trên của Bradlee cho biết: "Ben Bradlee là biên tập viên xuất sắc nhất nước Mỹ trong thời của mình và có ảnh hưởng lớn tới mọi biên tập viên hiện đại."

Mẹ của Graham, bà Katharine Graham chính là chủ tờ Washington Post khi Bradlee giao nhiệm vụ điều tra vụ Watergate cho hai phóng viên trẻ là Bob Woodward và Carl Bernstein. Loạt phóng sự đã phanh phui hàng loạt mánh khóe bẩn thỉu, dẫn đến việc Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974 và nhiều quan chức phải ra hầu tòa.

"Ben là một người bạn tốt và là một thiên tài trong nghề báo. Quy tắc bất di bất dịch của ông là phải tìm kiếm sự thật và sự cần thiết của hành trình tìm kiếm sự thật ấy. Ông ấy có sự can đảm của cả một đội quân", Woodward và Bernstein viết trên trang web của tờ Washington Post sau khi hay tin Bradlee qua đời.

Tổng thống Barack Obama đã trao cho Bradlee Huy chương tự do. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Barack Obama đã trao cho Bradlee Huy chương tự do. (Nguồn: AFP)

Trong thời gian làm tổng biên tập, Bradlee đã giúp tờ Washington Post giành được giải Pulitzer nhờ loạt bài về vụ Watergate. Tờ báo danh tiếng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc công bố các tài liệu của Lầu Năm Góc về những thủ đoạn chính trị dẫn đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Vụ Watergate bị phanh phui đã thay đổi khái niệm về phóng sự điều tra chính trị và trở thành chủ đề của một cuốn sách bán rất chạy được chuyển thể thành phim cùng tên "All the President's Men". Dan Kennedy, một giáo sư chuyên ngành báo chí ở Đại học Northeastern nhận định Bradlee cùng nhiều người khác "đại diện cho một cá tính điển hình và đầy màu sắc của người làm báo", cũng như đã góp phần biến tờ Washington Post thành tờ báo quan trọng với quốc gia.
 
Bradlee sinh năm 1921 trong một gia đình ở Boston. Ông ngoại của ông là nghệ sĩ, nhà văn Frederic Crowninshield, một hậu duệ của vua John đệ Nhị của Pháp. Sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, Bradlee từng là một sĩ quan liên lạc làm việc cho Hải quân Mỹ trong thế chiến thứ hai. Ông làm phóng viên cho tờ Washington Post trước khi nhận nhiệm vụ ở Đại sứ quán Mỹ ở Pháp, rồi sau đó trở thành phóng viên cho tờ Newsweek.

Với vai trò phóng viên, Bradlee đã kết bạn với Tổng thống John F.Kennedy và đưa tin toàn bộ về chiến dịch tranh cử thành công của tổng thống năm 1960. Sau khi Washington Post mua lại Newsweek năm 1965, Bradlee trở thành thư ký tòa soạn, và là tổng biên tập sau đó ba năm. Ông về hưu từ năm 1991, nhưng vẫn thường xuyên đến gặp các đồng nghiệp cũ.

Trong tự truyện của mình, Bradlee thừa nhận những sự kiện không ngờ đã dẫn đến sự thành công của ông. "Sẽ thật là vô ơn nếu tôi không dừng lại một chút và thừa nhận vai trò của Richard Milhous Nixon trong việc giúp sự nghiệp của tôi thăng tiến. Mỉa mai một cách kỳ diệu, người đàn ông cực kỳ ghét và không bao giờ có thể hiểu được báo chí lại làm quá nhiều thứ để nâng cao danh tiếng của báo chí, đặc biệt là tờ Washington Post. Những giờ khắc đen tối nhất của ông ấy lại chính là thời khắc vinh quang nhất với báo chí chúng tôi."/.

Theo Mai Nguyễn (Vietnam+)