.

Người mang nặng câu hò...

Thứ Năm, 02/10/2014, 13:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Có ai đó đã từng nói rằng, nếu một lần được lắng nghe điệu hò khoan Lệ Thủy thì chắc chắn dư âm của từng câu hò, điệu hát sẽ còn vang vọng mãi với một sức sống lâu bền. Và đối với nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (59 tuổi, Phong Thủy, Lệ Thủy), nghệ danh Hải Lý, người đã dành quá nửa cuộc đời mình để gắn bó với loại hình văn hóa văn nghệ dân gian độc đáo này của quê hương, hò khoan Lệ Thủy không chỉ đơn thuần là tình yêu, là đam mê, mà còn là trách nhiệm, là sứ mệnh gắn bó với tình cảm sâu nặng nhất.

Hò khoan Lệ Thuỷ bắt đầu đi vào những giấc mơ của bà khi còn là một cô bé 12 tuổi theo cha và cô đi tập, diễn văn nghệ mỗi đêm. Trong ký ức của bà, sự đắm chìm trong từng câu hò, điệu hát của cha, nghệ nhân Hò khoan Lệ Thủy nức tiếng Nguyễn Hữu Sào, đã tạo nên sự hối thúc đến một cách tự nhiên, để từ đó bà thêm yêu, thêm nhung nhớ các làn điệu hò khoan.

Bà chia sẻ, có lẽ “cái nghiệp” với hò khoan cũng bắt nguồn từ đây. Năm 1973, bà được tập huấn, trau dồi về hò khoan Lệ Thủy và hoạt động tại Đội Văn nghệ xã Thanh Thủy, dần dần bà được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Lệ Thủy mời đi truyền dạy cho các đội văn nghệ địa phương. Đây cũng là khoảng thời gian vô cùng quý báu khi bà được nhiều nghệ nhân tài năng lớp trước truyền dạy, chỉ bảo tận tình về hò khoan Lệ Thủy và cả dân ca Bình Trị Thiên, như: nghệ nhân Nam Kỷ, Mộng Điệp, Châu Dinh...

Và đặc biệt là sự dìu dắt tận tâm của người thầy Hoàng Đình Luyện. Thầy không chỉ dìu dắt cho bà trong những bước đầu bỡ ngỡ, mà còn nỗ lực sưu tầm, soạn lời, sáng tác để làm phong phú hơn vốn quý văn hóa dân tộc.

Giai đoạn năm 1981-1985, bà Nguyễn Thị Lý bắt đầu cộng tác với phòng Văn hóa-Thông tin huyện và tích cực tham gia truyền dạy hò khoan Lệ Thủy, cùng dân ca Bình Trị Thiên cho các đội văn nghệ cơ sở ở các xã, như: Hưng Thủy, Ngư Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Cam Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy...

Tham gia các liên hoan, hội diễn luôn là động lực để nghệ nhân Nguyễn Thị Lý không ngừng trau dồi, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy.
Tham gia các liên hoan, hội diễn luôn là động lực để nghệ nhân Nguyễn Thị Lý không ngừng trau dồi, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy.

Những năm tháng ban đầu vô cùng vất vả, khó khăn, nhưng cũng đọng lại trong bà nhiều kỷ niệm đẹp và là động lực mạnh mẽ để bà tiếp tục gắn kết với văn hóa văn nghệ dân gian. Bà kể, hồi đó, để di chuyển từ xã này sang xã khác, anh chị em trong đoàn phải đi xe đạp, thậm chí có buổi phải đạp xe trong đêm mưa gió, lạnh buốt, vất vả, cực nhọc vô cùng.

Hoặc tại nhiều điểm diễn, anh chị em phải đi ghe, đi thuyền và món quà bồi dưỡng của đêm diễn mặc dù chỉ là gói kẹo chanh nhỏ bé, đơn sơ, nhưng gói ghém bao tình cảm của bà con, và là nguồn động viên rất lớn lao với anh chị em.

Gần 50 năm gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, bà thường xuyên được tin tưởng tham gia nhiều hội diễn, liên hoan và đạt được những thành tích nổi bật, như: Huy chương vàng tại hội diễn đàn và hát dân ca tại Kẻ Gỗ, Hà Tĩnh vào năm 1980, huy chương bạc tại hội diễn “Hát ru khu vực miền Trung” tại TP Huế vào năm 1992, huy chương sự nghiệp văn hóa quần chúng của Bộ Văn hóa-Thông tin (cũ) trao tặng năm 1994, diễn viên xuất sắc Liên hoan thông tin lưu động lần thứ nhất tỉnh Quảng Bình năm 1995, giải A tại Liên hoan Đàn và hát dân ca tỉnh Quảng Bình năm 2007, các giấy khen của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Văn hóa-Thông tin (cũ), UBND huyện Lệ Thủy vì những thành tích đóng góp trong xây dựng văn hóa cơ sở...

Song hành với đó là số lượng không nhỏ các lứa học viên đã được bà truyền dạy hò khoan Lệ Thủy, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. Hầu như cứ sân khấu nào có hò khoan Lệ Thủy là không thể thiếu được giọng hò của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý.

Sắp bước sang tuổi 60, điều canh cánh nhất trong lòng bà chính là nỗi lo lắng về sự mai một của hò khoan Lệ Thủy, nhất là những cách tân chưa phù hợp vẫn tồn tại và không ít nghệ nhân truyền dạy còn ít kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm thực tế. Vì lẽ đó, Câu lạc bộ Hò khoan Lệ Thủy được thành lập năm 2013 chính là cầu nối thiết thực, gần gũi giữa những người yêu hò khoan Lệ Thủy và đây cũng được xem như một cách thức bảo tồn thiết thực loại hình văn hóa nghệ thuật giá trị này trong cộng đồng.

Với 15 thành viên luyện tập thường xuyên 3 buổi/tuần và nguồn kinh phí tự đóng góp, Câu lạc bộ là điểm nhấn ấn tượng trong các chương trình văn hóa, văn nghệ của địa phương. Mong muốn của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý và hầu hết các anh chị em đam mê hò khoan Lệ Thủy là công tác xã hội hóa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như hò khoan Lệ Thủy cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa, góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hò khoan. Bên cạnh đó, việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích để anh chị em được trao dồi, trao đổi, học hỏi và truyền dạy cho nhau cũng đóng một vai trò rất quan trọng.

Trăn trở và dốc lòng về hò khoan Lệ Thủy hơn nửa cuộc đời, nhưng bà luôn cảm thấy mình cần phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn nữa, bởi đó chính là máu thịt, là cuộc sống của bà bấy lâu nay. Một đời theo hò khoan, đến lượt các con bà, dòng nhiệt huyết đó vẫn âm ỉ thôi thúc. Các con trai, con gái của bà, dù bôn ba nhiều nghề để kiếm sống, nhưng chưa bao giờ từ bỏ “cái nghiệp” với điệu hò quê hương và vẫn thường xuyên gắn bó, tham gia các hoạt động liên quan đến hò khoan Lệ Thủy.

Ngoài việc truyền dạy, hiện nay, một đam mê lớn nữa của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý là soạn lời mới của hò khoan để việc giảng dạy trong nhà trường được linh hoạt, sâu sát, giúp học sinh tiếp cận gần hơn với hò khoan. Bà chia sẻ, suốt cuộc đời, hò khoan Lệ Thủy sẽ luôn là động lực để bà vượt qua mọi khó khăn và nỗ lực đưa hò khoan vươn xa, "phủ sóng" rộng khắp hơn nữa.

Mai Nhân