.

Gió đảo

Thứ Bảy, 18/10/2014, 20:27 [GMT+7]

(QBĐT) -  Con tên Thy. Chú mới ra đảo lần đầu?

Miệng con bé hỏi nhưng mắt nó nhìn mãi ra biển xa. Biển ở đây trong lắm. Đã đi nhiều nơi, tắm nhiều bãi biển, tôi chưa thấy ở đâu nước biển trong như ở đây. Mắt con bé biếc xanh màu nước biển. Trong hơn cả nước biển. Ven vịnh có dăm bãi tắm, bãi tắm nào cũng đẹp. Cát không trắng lắm nhưng mịn. Những hạt cát quyện chặt lấy nhau, tạo nên mặt bằng rắn chắc, như đổ bê tông. Bàn chân đi trên mặt cát mát dịu mà không lún, không để lại dấu chân như ở nơi khác.

- Con có thích tắm biển không?

Tôi hỏi và chờ sự phản ứng của con bé, kiểu: Chú hỏi thế nào ấy, ở đảo mà lại không tắm biển à? Tuy nhiên tôi không nhận được câu trả lời như vậy, mà cũng chẳng có câu trả lời nào cả. Con bé vẫn nhìn rất xa ra biển. Mãi lâu con bé mới nói, chứ không phải là trả lời câu hỏi của tôi:

- Con chỉ tắm gió thôi chú à!

Câu nói vừa rồi của con bé lập tức bám chặt vào tai tôi như con hà bám vào vỏ tàu thủy. Như có cái gì cứa vào da thịt. Tôi nôn nao...

- Con sợ nước à?

- Đâu có.

- Chứ con không phải người ở đảo?

Trước đó, tôi cứ ngỡ con bé sinh ra và lớn lên ở đảo.

- Con mới ra đảo vài tháng nay thôi.

- Thế con không đi học nữa à?

- Con học xong lớp 12 rồi chú ạ.

Đứng trước tôi là một con bé còn... rất bé, ngỡ như đang học lớp 7, lớp 8 gì thôi, chưa có nét gì của lứa tuổi thiếu nữ mười tám, đôi mươi. Mái tóc buộc túm, còn lỏng lẻo... Riêng đôi mắt ánh nhìn vời vợi. Những lúc nhìn thẳng vào người đối thoại, ánh mắt ấy không dừng lại mà xuyên thẳng qua. Tôi cảm nhận như vậy. Ánh mắt ấy vẫn hồn nhiên lắm, trong sáng lắm, mà sao thỉnh thoảng lại thoáng qua vài tia khắc khổ thường không thấy ở lứa tuổi của nó.

- Con ra đây với ngoại và các dì của con. Ở đảo thích lắm chú à!

Gió biển phóng khoáng, miên man. Sóng biển dào dạt, cũng miên man vỗ bờ. Mọi tiếng động khác, ngay cả lá trên những cây bàng cổ thụ nơi chú cháu tôi ngồi xào xạc là thế cũng bị sóng gió nuốt chửng. Riêng còn đọng lại là giọng kể chuyện của con bé, cái giọng thủ thỉ, mỏng tang...

Học hết lớp 12 con chuẩn bị thi vào trường Sư phạm, con ước thành cô giáo từ nhỏ kia. Nhìn ánh mắt con bé, tôi biết nó đang nói cái điều tự đáy lòng. Nhưng rồi ba má nói con không nên học lên nữa, vì não con có bệnh, bệnh ra sao thì ba má không nói.

Sao lại trớ trêu đến vậy, một sự trớ trêu khó tưởng tượng nổi!

- Không khí ở đảo rất tốt cho con. Mấy tháng rồi con thấy khỏe hẳn lên...

Gió vờn mái tóc con bé làm những sợi tóc vương đầy trên làn da mặt hơi tái của nó. Con bé khoác chiếc áo mỏng bên ngoài chiếc sơ mi. Nó ngước nhìn lên cây bàng, một cặp mắt đẹp.

- Chú thấy không, những cây bàng rất cao và to, nghe nói nhiều cây trên trăm tuổi. Mấy chú Hà Nội, như chú ấy, ngắm nghía hoài, hỏi con cây gì, con nói cây bàng thì ngạc nhiên lắm. Tức cười chú ạ, các chú bảo, rõ ràng rất giống bàng mà không thể tin là bàng, vì cây to cao quá, chưa từng thấy. Có chú bảo bàng ở đây không ra tán như bàng ở Hà Nội. Có thiệt vậy không hả chú? Con nghĩ, cây bàng ở đảo khác cây bàng ở đất liền là do chúng phải đương đầu với gió biển. Gió liền liền như vầy mà chú!

Lúc này, con bé mới lấy ngón tay út gẩy những sợi tóc bám trên đôi môi, cử chỉ đậm giới tính.

- Cả ngày con ở đây phụ việc cho quán giải khát này. Chú thấy không, căn nhà này xây từ thời Pháp, giờ làm nhà lưu niệm một nhạc sĩ. Trên tường có gắn biển đó, một biển ghi chữ Việt, còn biển kia ghi chữ Pháp. Ông ta tên là Camille Saint Saens.

Tôi nhìn về hướng con bé đưa ánh mắt tới. Tôi đã đọc hai tấm biển đó. Nó tiếp tục.

- Con không hiểu nhạc sĩ này danh tiếng tới đâu, nhưng con đọc trong nhà lưu niệm biết là ông ta đến đảo đã lâu lâu mà không viết được gì. Tới một đêm, ông ta nghe lẫn trong tiếng gió và sóng biển ầm ào, từ cầu tàu vang lên tiếng xích xiềng va vào nhau và va vào đá, rồi cả tiếng roi quất, tiếng la đau đớn của những người tù khổ sai vọng vào. Thế rồi người nhạc sĩ đã hoàn thành tác phẩm với lời tựa: “Ở nơi đâu tồn tại cái đẹp, thì nơi đó không cần luật pháp”.

Tôi chưa được đọc lời tựa đó, nhưng tôi biết Camille Saint Saens đã soạn vở nhạc kịch mang tên Brunehinda vào năm 1895 khi ông đến Côn Đảo.

- Cầu tàu đó chú. 914 người tù khổ sai đã lần lượt bị thiệt mạng ở đó, nên người ta gọi là Cầu tàu 914.

Điều này tôi cũng đã biết vì đọc ở tấm bia lưu niệm, nhưng qua giọng kể của con bé tôi thấy thông tin đó vẫn mới, có lẽ gió đang xoáy vào tâm hồn tôi cái âm điệu cọ xát đến rợn người của chất kim loại dưới dạng gông cùm. Con bé không hề để ý đến tâm trạng rối bời của tôi. Nó vẫn tiếp tục giọng kể thủ thỉ, mỏng tang.

- Cái lời tựa của ông nhạc sĩ con nói lúc trước, con không hiểu hết nghĩa, nhưng con thấy cuộc sống trên đảo này lạ lắm, chẳng giống ở quê con. Cái gì không phải của mình thì chẳng ai đụng tới. Ngày lẫn đêm, không nhà nào khóa cổng. Tất cả mọi thứ, kể cả xe máy, người ta lỡ quên để đâu thì vẫn còn đó. Hay thiệt chú nhỉ?

Một làn gió mới từ biển thổi vào, đưa tôi trở lại thực tại. Đúng rồi, có một cái gì đó rất khác ở đây.

- Ngoại con bảo, cô Sáu, tức bà Võ Thị Sáu ấy, thiêng lắm. Cứ đêm đêm, cô Sáu lại hiện ra, cùng gió bay khắp đảo. Cô giúp người ở hiền. Cô trừng trị kẻ làm bậy. Từ ngày ra đây, lỡ bữa nào có việc phải về khuya con cũng không thấy sợ chú à.

À, con bé chưa hết tuổi sợ ma. Mà tôi cũng thế. Mấy buổi rồi, một mình lang thang trên các con đường vắng vẻ, khuya khoắt của thị trấn Côn Đảo, tôi hoàn toàn yên tâm, hơn thế tôi còn chứng kiến hiện tượng, ít khi thấy ở các đô thị đã đến, người đi xe máy vẫn đội mũ bảo hiểm, nghiêm chỉnh dừng xe trước vạch giao thông mỗi khi đèn đỏ bật lên. Chẳng có bất cứ bóng một người cảnh sát nào. Chẳng có gì ngăn cản nếu họ cố tình vượt qua các ngã tư. Chuyện của con bé lẫn trong tiếng sóng biển rào rạt. Giọng của nó vẫn như ghim vào tai tôi trong khi gió cứ thế rung mạnh những tán cây bàng cổ thụ.

- Chú à, có khách tới, con phải ra phục vụ.

Tôi lấy làm tiếc khi câu chuyện của con bé phải dừng lại. Con bé bước nhanh tới chiếc bàn có hai mẹ con người ngoại quốc vừa ngồi xuống. Nó giao tiếp với khách bằng tiếng Anh khá lưu loát. Rồi nó quay vào quầy. Dáng bé nhỏ của con bé mất hút.

Trời nắng to. Ngồi giữa nắng nhưng không khó chịu chút nào. Nhờ có gió. Gió biển như những đợt sóng vỗ về da thịt. Gió có vị mặn, ngửi thấy và nếm được. Chẳng khác gì đang ngụp mình dưới làn nước biển dưới kia. Tắm gió là thế đấy. Con bé cả ngày ở đây. Nó tắm gió suốt ngày. Có lẽ nó không thích tắm nước biển vì sợ mất đi cái cảm giác vỗ về của gió. Ánh mắt xa xăm của nó, hình như vậy, luôn luôn nhìn vào gió, nơi nó muốn tìm ở đó sự linh thiêng, sự chở che.

Chiều hôm đó tôi không đi tắm biển như mấy hôm vừa rồi. Tôi lang thang đi dọc bờ vịnh như thể để cố gắng cảm nhận sâu hơn làn gió biển. Tôi ra ngồi ở mép Cầu tàu 914. Sóng biển tới tấp đập vào bờ đá. Những tảng đá rất to, bất chấp sức mạnh của những đợt sóng. Hình như cả trăm năm nay vẫn thế. Mặt biển dập dềnh thì cầu tàu vẫn vậy, im phăng phắc một vệt dài, phía dưới là những tảng đá đen ngòm, trên mặt là lớp bê tông dày cũng ngả màu đen. Lắng nghe. Sóng biển như sắc lẹm, dữ dội hơn ngày thường.  Gió vẫn miên man, vỗ về...

Hôm sau, tôi ra quán cafe trước nhà lưu niệm nhạc sĩ người Pháp từ sớm. Con bé tên Thy thấy tôi, nó đi nhanh từ quầy ra chào tôi. Nó quay vào và lát sau bưng ra cho tôi một phin cafe.

- Chú ngủ được không?

Tôi trả lời ngủ được. Không thật. Trường hợp này nói dối không phương hại. Đêm mất ngủ không phải vì ly cafe uống trước khi lên giường mà do tôi nhớ lại cảm giác sắc lẹm của sóng biển đập vào những tảng đá ở Cầu tàu 914 lúc sẩm tối. Cảm giác ấy khó tả, có kể lại cho con bé chắc nó khó hình dung.

- Đêm qua chú ạ, ngoại con kể, qua mười hai giờ rồi mà có vợ chồng cô chú ở đất liền ra thắp hương lễ tạ ở mộ cô Sáu. Cô chú này lấy nhau hơn chục năm mà không sinh được con. Hơn một năm trước hai vợ chồng ra xin cô Sáu, về là cô ấy có bầu, sau sinh được đứa bé trai. Cô Sáu thiêng thật chú ạ!

Ánh mắt con bé xuyên qua tôi nhìn vào gió. Nó đang hy vọng. Nó ước một ngày nào đó tiếp tục được ba má cho học để thi vào trường Sư phạm. Nó thật sự muốn trở thành một cô giáo. Cầu sao ước mơ của con bé thành hiện thực. Thấy tôi nói sắp rời đảo để trở về đất liền, con bé thoáng chút ngỡ ngàng:

- Không biết lúc nào con mới có dịp ra thăm Hà Nội... Hà Nội đẹp lắm phải không chú?

Trước tình cảm của con bé, tôi không nỡ nói lời an ủi rằng: Sẽ có ngày đó! Nó cần phải tắm gió nhiều nhiều nữa. Gió Côn Đảo sẽ tăng sức khỏe cho nó, sẽ chữa cái căn bệnh gì đó trong não của nó. Con bé sẽ tìm thấy trong gió đảo những an ủi cần thiết mà hằng ngày nó vẫn dõi tìm sự che chở trong đó.

- Chú có ra Côn Đảo nữa không?

- Có chứ. Chỉ không biết  khi nào thôi...

Rồi tôi nói thêm:

- Không biết đợt sau ra đảo chú có gặp lại con không. Có khi con trở về Cần Thơ rồi.

Không ngờ câu nói của tôi làm con bé vui hẳn lên. Nó cười rất tươi, phô hàm răng đều và trắng, hai gò má ửng hồng:

- Nếu vậy, chú có đi công tác Cần Thơ thì ghé thăm con nghen!

Trước giờ ra sân bay tôi tạt qua quán cafe đối diện Cầu tàu 914 chào con bé. Nó đưa cho tôi mảnh giấy gấp tư vuông vắn:

- Con gửi chú địa chỉ nhà con ở Cần Thơ.

Đón mảnh giấy từ tay con bé, tim tôi thắt lại, người như vừa có dòng điện chạy dọc sống lưng. Tôi rất hiểu mong muốn của Thy. Tôi rất mong một ngày không xa sẽ gặp lại Thy.

Rời Côn Đảo, hình ảnh con bé tắm trong gió đảo miên man cứ hiển hiện mãi trong tôi. Và gió đảo nữa. Gió ở đây như có hình hài cụ thể. Nó mềm mại nhưng cũng không kém phần sắc ngọt. Nó không vồn vã mà liên tục vỗ về. Nó không mơn trớn mà ghim vào nỗi nhớ những gì không thể quên. Nó ghim lại những gì không thể mất. Nó bứt đi những gì không cần giữ lại. Tôi thò cánh tay trần ra ngoài ô cửa xe ô tô. Gió đảo níu tôi ở lại. Tôi thèm nếm vị đầm đậm của gió đảo thêm một lần nữa...

Truyện ngắn của Cao Ngọc Thăng