.

Lê Đình Ty tuyển tập-nước mắt một đời thơ

Thứ Ba, 17/06/2014, 07:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 6-2014 vừa qua, Nhà xuất bản Thuận Hóa đã ấn hành sách Lê Đình Ty tuyển tập. Và ở Đồng Hới, Hội VHNT Quảng Bình đã tổ chức lễ ra mắt Lê Đình Ty tuyển tập một cách long trọng. Tuyển tập dày 614 trang, khổ 14,3 x 20,3 cm. Nội dung sách chia làm 4 phần: 1. Tác phẩm của Lê Đình Ty (thơ trữ tình, thơ thiếu nhi, nghiên cứu văn hóa, ảnh nghệ thuật); 2. Lê Đình Ty trong lòng bè bạn; 3.Ca khúc phổ thơ Lê Đình Ty; 4. Một số hình ảnh về Lê Đình Ty.  Bìa sách do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ ủng hộ, rất đẹp.

Trong Lời thưa trước, những người biên soạn sách đã viết: “Một tai nạn giao thông thương tâm đã cướp đi người thơ đa tình, tài hoa đang thời kỳ sáng tạo sung sức. Vào buổi chiều 13-6-2013 định mệnh ấy, Lê Đình Ty ra đi mãi mãi”. Ngay sau đám tang người thơ xấu số, hai người bạn tri kỷ của Ty là nhà văn Hữu Phương và nhà thơ Ngô Minh đã lên kế hoạch in tuyển tập cho Lê Đình Ty, cố gắng in xong vào dịp giỗ đầu.

Gia đình Lê Đình Ty rất nghèo. Lúc sống anh hưởng lương hưu non chỉ vài triệu tháng. Vợ chồng phải bươn chải  trồng rau, nuôi gà. Nên vấn đề kinh phí để in tuyển tập là rất nan giải. Để in tuyển tập phải có ít nhất vài ba chục triệu. Lê Đình Ty lúc sống là người của mọi người. Anh là thợ ảnh có tay nghề cao, thế mà càng chụp ảnh càng nghèo đi, vì ảnh chụp để cho là chính. Giỏi nghề ảnh như thế dễ làm giàu lắm, nhưng Lê Đình Ty thì: Nợ cơm áo níu còng lưng bóng xế / Bao nỗi niềm gửi dấu trang thơ...

Bởi mỗi lần gặp bạn bè, gặp người đẹp thì có bao nhiêu phim anh bấm bằng hết, rồi thức suốt đêm, cui cui tráng ảnh để kịp sáng mai đem tặng người đẹp, cùng với những bài thơ nóng hổi ở túi ngực bên  trái ! Có lần, hồi Ty đang quản lý hiệu ảnh nhà nước  trên đường Trần Hưng Đạo, Huế.

Một đêm mưa, tôi, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng, Mai Văn Hoan đến phòng ảnh của Ty (cũng là chỗ trọ) đọc thơ  với nhiều người đẹp sinh viên. Ty bốc lên đẩy giàn máy ảnh của hiệu ra chụp. Khi mọi người đã lui rồi, tôi và Ty ở lại  để  rửa ảnh cho đến 2 giờ sáng, cho kịp sáng mai  tặng các nàng. Hồi đó làm gì có máy in hiện đại  như bây giờ. Muốn in ảnh phải pha thuốc, rồi nhúng từng  cái phim vào. Chờ ảnh hiện lên, tráng qua tráng về, khi rõ nét mới đưa ra sấy dưới ngọn đèn điện 500 oát.

Khổ thế mà say lắm, chăm chỉ lắm! Vì thế nên người ta chụp ảnh ai cũng giàu, xây nhà mua xe con, chỉ riêng Lê Đình Ty càng chụp ảnh càng nghèo rớt mùng tơi! Vợ chồng đã sắm đủ loại máy ảnh xịn của Nhật, rồi sắm cả buồng tối để in sang ảnh ở nhà mình. Nhưng, do chụp ảnh ba phần tặng một phần lấy tiền nên sinh lỗ lã. Thế là  anh bán dần máy móc, chỉ còn giữ lại cái máy ảnh  để chụp chơi.

Lê Đình Ty và các bạn thơ.
Lê Đình Ty và các bạn thơ.

Bởi thế mà một trong những tài sản lớn nhất của Lê Đình Ty là bạn bè. Anh sống hồn nhiên vì bạn bè và nhờ bạn bè. Cho nên khi chúng tôi phát lời kêu gọi “Hãy giúp chút lòng cho Lê Đình Ty tuyển tập” trong blog Qùa tặng xứ mưa, đã được các nhà văn, nhà thơ, bạn bè và người yêu văn chương trong cả nước từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới, cả nhà văn Việt ở Mỹ... gửi về. UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã ủng hộ Lê Đình Ty tuyển tập 15 triệu đồng. Có thể nói, Lê Đình Ty tuyển tập là kết tinh tình cảm của bạn bè cao quý đối với thi sĩ một đời xơ xác vì thơ.

Lê Đình Ty làm thơ từ lúc học cấp hai. Lên cấp 3 trường huyện anh học cùng các bạn bè như Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Đỗ Hoàng... Anh đã in 7 tập thơ trữ tình, trong đó tập thơ Khoảng vắng (1995) của Lê Đình Ty được Giải thưởng Lưu Trọng Lư (Quảng Bình) lần thứ nhất (1991-1995), một tập thơ thiếu nhi và tập cổ tích “Huyền thoại Bàu Tró”. Anh chụp nhiều ảnh nghệ thuật, trong đó bức ảnh Hồn rừng đã được giải thưởng của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 1996, bức Thanh thản được giải nhất ảnh nghệ thuật Quảng Bình năm 1996 và Huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc Miền Trung lần thứ V-1996.

Nhưng thơ mới là bản mệnh của Lê Đình Ty. Trong  bài “Lê Đình Ty và những cánh đồng không được gặt” (thay lời tựa tuyển tập), nhà văn Hữu Phương viết: “Vừa lọt lòng mẹ được 3 tháng tuổi, Lê Đình Ty đã mất cha. Nhà chỉ có hai chị em. Nỗi đau, nỗi cô đơn này càng về sau càng đau nhức, nó tỷ lệ thuận với thời gian. Khi người mẹ thay cha nuôi dạy hai chị em Lê Đình Ty từ tấm bé, nhưng người mẹ cũng như mặt trời vội tắt, ngoảnh lại anh thấm thía nỗi cô lạnh của đời mình: Ôi chiều nay dưới mái lạnh đơn cô/ Con trống trải một ngày vắng Mẹ (Lạy Mẹ)...

Đặc biệt, khi anh gặp cơn vận hạn, (vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi cả nước phân phối bo bo và sắn lát), một nỗi đau đớn và khốn khó cả thể xác lẫn tinh thần vây bủa anh. Gặp hoạn nạn như thế, không ai không nghĩ đến, và nhờ vả từ phía bà con họ hàng thân thích. Nhưng với Lê Đình Ty, anh cũng rơi vào hoàn cảnh éo le: Tôi ốm đau nghèo khó cả tiền nong/ Tôi ít ỏi bà con thân thuộc  (Ghi ở bệnh viện).

Không hiểu sao một lần yêu là một lần vận hạn đến với thi sĩ. Năm 1982, ở hiệu ảnh chợ Tréo, Lệ Thủy, thơ đã đưa anh đến vận hạn: Tôi trở về tàn tạ thân trai/ Đau đớn tâm tư, thay đổi hình hài/ Tôi đứng khóc nhớ câu thơ của bạn/ Trên đồng hoang chẳng bóng một ai/ Mai bạn về nhớ ghé thăm tôi!/ Cửa chẳng đóng đâu đồng xanh đã gặt/ Ta đã có những gì không để mất/ Đem câu thơ tình bạn đính lên trời. Rồi năm 2013, anh đang yêu say mê trên Facebook: Giờ mong có phép nhiệm màu / Góp gom ta gió tình đau dưới trời/ Gửi về phương ấy xa xôi/ xin thành cơn bão giữa đời đa đoan (Tâm sự cùng gió đêm).

Những ngày tháng 5-2013 ấy, Lê Đình Ty không đêm nào ngủ. Buổi tối thì chát mạng với em, đêm thì thức làm thơ, rồi  post lên  facebook. Xong việc nhìn đồng hồ thì đã 5 giờ sáng. Rồi lại nôn nóng đi khoe thơ với bạn bè. Đang nồng nàn thế anh bỗng ra đi: Giờ tôi ở xứ biệt tăm...

Thơ Lê Đình Ty nhiều trăn trở, phát hiện: Anh không là nhà thơ nhà nước / Anh chỉ là thi sĩ của riêng em ! (Không đề 24). Hay: Tôi là kẻ ăn xin từ ngữ ! / Mỗi ngày thêm một chữ là vui... Tôi đi mòn các lối đường/ Văn chương bèo bọt còn thương nỗi đời (Lời người ăn xin). Hay: Tôi đi ngày lụn tháng trôi/ Túi thơ nghèo nhớ bóng người đã xa (Ngày mai bên sông)... Năm  2007, Lê Đình Ty cho ra mắt tập thơ Gửi cùng ngọn gió, với  chất  thi sĩ tang bồng: Ngồi buồn bấm chữ mà chơi / Gửi người người có ngậm ngùi cùng ta...

Đối với Lê Đình Ty thơ chính nghiệp chướng, là định mệnh không thể chối bỏ: Đây, câu thơ/ Giọt máu/ Câu thơ đẫm đầy nước mắt... Riêng đối với tôi, mỗi bài  thơ của Lê Đình Ty là sự trổ bông của một trái tim đau đớn một đời đập vì yêu, vì sự tốt lành của cuộc sống!

Ngô Minh