.

Vang mãi khúc ca Quảng Bình

Thứ Sáu, 25/04/2014, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Quê hương Quảng Bình, sông nước hữu tình, “Đâu Mâu vi bút - Hạc Hải vi nghiên”, chiếc đòn gánh nối hai đầu đất nước, được giao thoa các nền văn hóa với những làn điệu dân ca uyển chuyển, trữ tình. Đó chính là mạch nguồn để Quảng Bình có những khúc ca sâu lắng làm say lòng người đi cùng năm tháng.

Ca khúc Quảng Bình từ những ngày đầu hình thành và phát triển có lẽ có từ trong những lời ca của các làn điệu dân ca được phát sinh trước phong trào tân nhạc. Điều này sử sách còn ghi qua các làn điệu dân ca lời cổ. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn nói đến ca khúc viết về Quảng Bình từ khởi đầu phong trào tân nhạc đến nay.

Để tìm được một ca khúc về Quảng Bình ra đời đầu tiên thì phải có một “hội thảo” nhỏ. Và, nếu cho tôi phát biểu đầu tiên thì tôi sẽ nêu bài “Sóng Nhật Lệ” của Nguyễn Đình Chiếu sáng tác năm 1944 (in trong cuốn “Địa chí Đồng Hới” của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú). Đây là một bản nhạc không lời nhịp 3/4 nhưng có tiết tấu và giai điệu trầm bổng, dồn dập rất độc đáo.

Những năm 45 - 50 của thế kỷ trước nhiều người biết bản nhạc này. Thời đó, bản nhạc ấy dùng cho nhạc cụ măngđôlin là rất thích hợp. Giáo sư-NGND- Nhạc sĩ Dương Viết Á ngày còn học cấp 2 thường đàn bản nhạc này mà tôi nhớ mãi cho tới bây giờ. Có thể nói đây là một tác phẩm âm nhạc mở đầu cho phong trào tân nhạc trên đất Quảng Bình từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm trường kỳ và gian khổ.

Tiếp đến là những ca khúc thời chống Pháp của các tác giả Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn, Trần Đình Hiếu, Phạm Hữu Tình,... từ những năm 1946-1947, như các bài: “Cuộc kháng chiến còn trường kỳ và gian khổ” - (sau này đổi tiêu đề “Lời người ra đi”), “Sơn nữ ca”, “Đường rừng”, “Con trâu kháng chiến”, “Buồn cười cho thằng Tây”... của Trần Hoàn; bài “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương; bài: “Chiến thắng Xuân Bồ” của Trần Đình Hiếu và bài “Cự Nẫm thôn chiến đấu” của Phạm Hữu Tình.

Cùng trong thời kỳ chống Pháp, quân dân chiến đấu bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm làng, quê hương Quảng Bình yêu dấu, có bài: “Quảng Bình chiến thắng” (hiện chưa xác định được chính xác tác giả), xuất hiện ở các xã vùng lúa huyện Quảng Ninh, sau đó lan truyền khắp cả tỉnh, ca từ bài hát rất cô đọng:

Quảng Bình dòng sông Kiến Giang lờ trôi. Mênh mông cánh đồng xanh tươi bát ngát xóm thôn khi chiều buông, vang tiếng hò. Lặng nhìn phía xa cồn cát chơi vơi. Bên phía quân thù giặc về gieo rắc điêu tàn xóm làng đầy hờn căm. Đây Ninh Châu chiến thắng bảo vệ mùa. Đây sông Gianh trôi xác giặc bập bềnh. Ai nhớ năm xưa Xuân Bồ giặc Pháp khiếp vía. Ai nhớ Sen Bàng đồn giặc bốc cháy tan hoang...

Có thể kể thêm bài “Lúa về” của Dương Viết Á sáng tác 1950, một thời lan truyền rộng rãi khắp huyện Quảng Ninh, đặc biệt là ở 5 xã vùng giữa của huyện, đã động viên nông dân sản xuất, chiến đấu giết giặc giữ làng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, miền Nam còn trong xiềng xích giặc. Quảng Bình - Vĩnh Linh nơi tuyến đầu trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam đánh giặc. Nhiều bài hát của các nhạc sĩ sáng tác về Quảng Bình được phổ biến rộng rãi khắp cả nước và thế giới qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.

Tiêu biểu là các bài: “Quảng Bình quê ta ơi!” của Hoàng Vân; “Giữ biển trời Quảng Bình Vĩnh Linh” của Xuân Giao; “Bám biển quê hương”, “Quảng Bình chiến thắng” và “Đêm trên Cha Lo” của Phạm Tuyên; “Trên biển quê hương” của Đức Minh; “Em bé Bảo Ninh”  (nhạc: Trần Hữu Pháp - Lời: thơ Nguyễn Văn Dinh); “Bà mẹ trên sông Quảng Bình” của Vĩnh An; “Bài ca sông Nhật Lệ” của Nhật Lai, “Hàng em mang tới chiến hào” của Lư Nhất Vũ,...

Sau những ca khúc rất phổ biến của các nhạc sĩ Trung ương sáng tác trong đợt về thực tế tại tuyến lửa Quảng Bình những năm đầu đánh Mỹ ác liệt, là những ca khúc của các tác giả âm nhạc Quảng Bình ngày đó. Đầu tiên phải kể đến các tác phẩm nổi tiếng của Quách Mộng Lân và Hoàng Sông Hương, lúc các anh còn là diễn viên Đoàn văn công Quảng Bình. Đặc biệt là những bài: “Vinh quang thay những người chiến thắng”, “Gạo đến Trị Thiên”, “Đẹp sao năm gái quê ta” và “Chuyến phà đêm” của Quách Mộng Lân; “Tiếng hát đò đưa”, “Những con đò sông nước miền Trung” của Hoàng Sông Hương; tổ khúc “Sông Gianh chiến thắng” của Minh Phương; bài “Quảng Bình ta đánh rất hay” của Thái Quý, khi ông còn ở Đoàn văn công Quân khu IV...

Đây là những tác phẩm phản ánh tinh thần lao động sản xuất, chiến đấu anh dũng của quân và dân tỉnh nhà, được Đoàn văn công Quảng Bình biểu diễn phục vụ khắp các làng xã của tỉnh trong phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” trên quê hương “Hai giỏi”.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, nhân dân Quảng Bình sơ tán trở về xây dựng lại quê hương. Hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ cả nước sáng tác về Quảng Bình đã được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ca khúc đã ca ngợi quê hương, đất nước, con người Quảng Bình trong sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể nói, tất các các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều có những ca khúc chất lượng cao: Huyện Minh Hóa có các bài: “Đường lên Quy Đạt” của Trần Hoàn, “Vấn vương Minh Hóa quê mình” của Dương Viết Chiến, “Âm vang điệu hát quê tôi” của Thanh Chiểu,...

Huyện Tuyên Hóa có các bài: “Về Đồng Lê” của Trần Hoàn, “Đường lên huyện Tuyên” của Thái Quý, “Ngược chiều sơn cước” (nhạc: Dương Viết Chiến - Lời: thơ Mai Khoa)...

 Huyện Quảng Trạch có các bài: “Tiếng hát bên dòng sông quê hương” của Thanh Lung, “Qua Đèo Ngang” (Nhạc Thái Quý - Lời: thơ Bà Huyện Thanh Quan), “Tiếng hát gửi Hòn La” của Dương Nguyệt Ánh, “Sông Gianh chín nhịp cầu” của Phó Đức Phương;...

Huyện Bố Trạch có di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, rất nhiều ca khúc phổ biến như: “Chuyện tình Phong Nha” của Hoàng Sông Hương, “Phong Nha huyền ảo”  (Nhạc: Lê Anh - Lời: thơ Hoàng Vũ Thuật), “Cảm xúc Phong Nha” (Nhạc: Dương Viết Chiến - Lời: thơ Hà Thu), “Phong Nha trốn tìm” của Nguyễn Trọng Tạo,... và bài hát về quê hương như: “Nhớ về một miền quê” của Quách Mộng Lân, “Khúc hát Vực Nồi” của Trần Hoàn,...

Huyện Quảng Ninh có các ca khúc: “Xôn xao Quán Hàu” của Xuân Đồng, “Về Quảng Ninh anh ơi”, “Quảng Ninh quê mình” của Dương Viết Chiến và Lý Hoài Xuân, “Quảng Ninh một khúc ca” của Đặng Minh Tiến,...

Huyện Lệ Thủy có các bài: “Quê hương Lệ Thủy kiên cường” của Hoàng Đình Luyện, “Lời cô gái Lệ Ninh” của Trần Hoàn, “Mùa lúa bên bờ Kiến Giang” của Trần Chung, “Bên bờ Kiến Giang” của Lê Quang Nghệ, “Đưa em về Kiến Giang” của Lê Xuân Đồng, “Suối Bang” của Lê Anh và Hoàng Vũ Thuật, “Sông nước Kiến Giang“ của Dương Viết Chiến và Trần Dzụ,...

Đặc biệt, thành phố Đồng Hới được rất nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác nhiều ca khúc được công chúng mến mộ. Có thể kể ra các bài: “Tình ta biển bạc đồng xanh” và “Phố biển tình anh” của Hoàng Sông Hương, “Nhớ Nhật Lệ” của Trần Hoàn, “Tình sông Nhật Lệ” của Dương Viết Chiến và Đặng Thị Kim Liên, “Chia tay đầu phố nhỏ” của Thái Quý và Xuân Hoàng, “Đồng Hới vào xuân” của Trung An, “Nhớ về mẹ Suốt” và “Ngày về Đồng Hới yêu thương” của An Thuyên, “Chiều Nhật Lệ” của Hà Quốc Phong, “Đồng Hới và em” và “Ánh đèn gọi cá” của Quách Mộng Lân, “Thành phố tuổi thơ” của Thân Trọng Phúc, “Đồng Hới ngày tôi về” của Tân Huyền,...

Những năm đổi mới, nhiều ca khúc của các nhạc sĩ sáng tác kịp thời phản ánh sự đổi thay mạnh mẽ và toàn diện trên quê hương Quảng Bình, viết cho tốp ca, hợp ca hát múa gây ấn tương tốt đẹp cho công chúng, phổ biến là các bài: “Về với Quảng Bình” và “Quảng Bình hôm nay, ngày mai” của Hoàng Thành, “Quảng Bình mãi là niềm tin” của Trần Viết Thân, “Yêu biết mấy Quảng Bình ơi” của Xuân Thủy, “Thành phố bình minh” của Hoàng Sông Hương và Xuân Hoàng, “Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người” và “Quảng Bình đi tới” của Dương Viết Chiến, “Huyền thoại trăng Nhật Lệ” của Hoàng Sông Hương và Lý Hoài Xuân, “Ánh sáng Bác Hồ” và “Quảng Bình cất cánh” của Quách Mộng Lân,...

Ngoài những ca khúc kể trên, huyện Tuyên Hóa, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới còn ấn hành tập ca khúc riêng của quê hương mình, đó là các tập “Tuyên Hóa quê tôi”, “Đưa em về Kiến giang” và “Đồng Hới vào xuân”. Tỉnh ta cũng đã mấy lần tổ chức xuất bản CD và VCD ca khúc chọn lọc để quảng bá rộng rãi trong công chúng, chưa kể đến các CD, VCD, DVD của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương và Dương Viết Chiến đã phát hành hàng nghìn đĩa trong những năm qua. Đặc biệt, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã ấn hành Tuyển tập ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” - Năm 2004, gồm 105 ca khúc của 58 tác giả âm nhạc trên cả nước viết về Quảng Bình.

Có thể nói rằng Quảng Bình là một tỉnh có nhiều ca khúc được cả nước biết đến qua các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Quảng Bình xứng đáng để có “một bộ biên niên sử bằng âm thanh của cả nước thu gọn vào một dải đất hẹp miền Trung mà lưng là dãy Giăng Màn và ngực là biển Đông rỡn sóng” như lời giới thiệu của Giáo sư - NGND - Nhạc sĩ Dương Viết Á trong tuyển tập ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi”, là tập hợp khá đầy đủ và đa dạng những ca khúc phổ biến về Quảng Bình, được công chúng yêu mến âm nhạc trong tỉnh và cả nước biết đến.

NS. Dương Viết Chiến