.

Nơi lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống

Thứ Sáu, 25/04/2014, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm bên dòng sông Nhật Lệ huyền thoại, tọa lạc ở vị trí trung tâm thành phố Đồng Hới xinh đẹp, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến với quê hương Quảng Bình. 

Qua quá trình phát triển đi lên, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã sớm có mặt khi tỉnh nhà trở về địa  giới cũ. Tuy nhiên vào thời kỳ đó, cũng như bao cơ quan công sở khác, Bảo tàng Tổng hợp phải chung sống với cảnh thiếu thốn trăm bề: thiếu trụ sở làm việc, thiếu nhà trưng bày, còn nơi ăn chốn ở của cán bộ công nhân viên thì tạm bợ đủ điều.

Nay thì đã khác trước. Với tầm nhìn chiến lược và thấy rõ vị thế của thiết chế văn hóa này, lãnh đạo tỉnh đã ưu ái dành cho đơn vị một khuôn viên phù hợp. Nơi đây là trung điểm của nhiều công trình văn hóa quan trọng. Khuôn viên có diện tích trên 9000 m2. Nhìn công trình Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình càng thêm tự hào với công cuộc đổi mới quê hương.   

Trong những ngày cuối tháng 3 năm 2014, chúng tôi đã có dịp đến thăm Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Dù mới được đưa vào sử dụng gần 5 năm nhưng những hiện vật sưu tầm được khá phong phú, với khoảng 16.000 hiện vật và tư liệu các loại đang được lưu giữ ở các kho tư liệu. Đây quả là một tài sản văn hóa vô giá của tỉnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hệ thống hiện vật được sắp xếp kiểm kê một cách khoa học.

Công trình Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình
Công trình Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình

Hướng về cội nguồn là chủ đề lớn quán xuyến mọi hoạt động của Bảo tàng. Các kho lưu trữ hiện vật khá phong phú với nhiều thời kỳ lịch sử. Trong thời kỳ tiền sơ sử, Bảo tàng có hệ thống hiện vật mang niên đại cách ngày nay từ 3.000 năm đến 4.000 năm. Liên quan đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn (thời kỳ Hùng Vương) kho lưu trữ có các cổ vật quý như trống đồng Phù Lưu (Quảng Lưu, Quảng Trạch), thố đồng Thanh Trạch (Bố Trạch), dao găm đồng, mũi giáo đồng, đèn bằng đồng...

Một số lượng khá lớn các cổ vật gốm sứ với nhiều loại hình khác nhau mang đến cho người xem hình dung về đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của giới thượng lưu và bình dân qua bình gốm sứ, bát, đĩa, bình vôi... Ngoài ra là bộ sưu tập về vũ khí các loại qua các triều đại phong kiến, trong đó đáng quan tâm là bộ sưu tập hơn 10 khẩu súng thần công. Tiếp theo là bộ sưu tập phản ánh đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các tộc người sống trên mảnh đất Quảng Bình như BruVân Kiều, Chứt...

Gần đây nhất có những hiện vật phản ánh hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Từ đó gợi lại ký ức hào hùng của quê hương “Hai giỏi”, vùng đất lửa Quảng Bình. Biết bao cảm xúc khó tả khi nhìn lại hình ảnh,tư liệu một thời của mảnh đất con người Quảng Bình.

Đó là cảnh đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, ảnh những người anh hùng của quê hương: mẹ Suốt chèo đò qua sông Nhật Lệ, mẹ Khíu bám biển ra khơi, chị Trương Thị Diên, nữ anh hùng Y tế, chị Trần Thị Lý, người con gái của mảnh đất Đồng Hới kiên cường và rất nhiều các anh hùng liệt sĩ khác đã góp phần tô thắm cho truyền thống vẻ vang của quê hương. Đây cũng là thời kỳ có hiện vật phong phú nhất của các kho lưu trữ, có tới trên 5000 hiện vật, tư liệu các loại. Hình như những gì mà lịch sử đương đại để lại dễ được người xem nhận biết sâu sắc hơn vì lịch sử còn mới đi qua.

Những sự kiện như ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình qua những bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Phi Văn Lưu mang tính ấn tượng cao. Kế tiếp là gian ảnh tư liệu quý về vị tướng huyền thoại, người học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hệ thống ảnh tiêu biểu của các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Trần Hồng, Trần Tuấn và nhiều văn nghệ sĩ khác.

Cổ vật trống đồng văn hóa Đông Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Cổ vật trống đồng văn hóa Đông Sơn đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Để có được nhiều hiện vật tư liệu đó, đội ngũ cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp đã luôn vượt khó nhiệt tình say mê bám dân, bám địa bàn để làm công tác sưu tầm. Họ đã vượt qua bao chặng đường gian khó, nhiều dốc cao suối sâu để đến với bản làng xa xôi hẻo lánh, nơi có đồng bào Rục, Mã Liềng, Ma Coong, Vân Kiều. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia lễ hội của bà con để sưu tầm tư liệu liên quan đến văn hóa dân tộc. Họ lặn lội lên vùng rẻo cao săn tìm được thuyền độc mộc dài tới 5-6m rồi nhờ phương tiện xe tải chở về tận đơn vị. Họ kết nối nhiều nguồn thông tin, từ hệ thống cộng tác viên, từ những người dân để có được các thông tin cần thiết phục vụ cho công việc.

Ngoài  tri thức khoa học chuyên ngành, những cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng còn có niềm say mê rất đáng trân trọng. Chị Trần Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh kể lại: “Kỷ niệm về sưu tầm cổ vật thì nhiều,nhớ nhất là chuyến sưu tầm hiện vật khảo cổ học tại xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tại đây chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ hết sức quý của những cộng tác viên như thầy Tường, giáo viên sử Trường THCS Phú Định. Vào năm 2013 đã hiến tặng cho bảo tàng 28 hiện vật quý gồm rìu đá, cuốc đá, bôn đá có niên đại khoảng trên 3000 năm. Hoặc chuyến sưu tầm cổ vật tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, đoàn công tác đã phát hiện cổ vật gốm sứ thời kỳ Lý Trần; tại Mỹ Đức phát hiện mới hiện vật của nền văn hóa ChămPa...”.

Được biết, tuy chưa tổ chức trưng bày hiện vật nhưng nhiều năm qua, nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã đến thăm quan Bảo tàng. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã tìm hiểu tư liệu để xây dựng các bộ phim về lịch sử văn hóa của mảnh đất con người Quảng Bình. Bên cạnh đó khách du lịch, các nghiên cứu sinh, sinh viên nhiều trường đại học đã đến Bảo tàng khai thác tư liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa độc đáo này. Hầu hết họ cảm nhận, đây là nơi lưu giữ khá đầy đủ và trung thực các tài liệu lịch sử liên quan đến truyền thống mảnh đất con người quê hương Quảng Bình.

Trao đổi với chúng tôi về định hướng phát triển của đơn vị, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cho biết: Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành, năm 2013, chúng tôi đã bắt đầu triển khai thi công lắp đặt hệ thống trưng bày cố định bảo tàng với dự án ban đầu là 17 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu người xem muốn tìm hiểu thưởng ngoạn giá trị hiện có của truyền thống văn hóa Quảng Bình...”.

Bảo tàng cũng đang triển khai các hoạt động nghiên cứu sưu tầm, kiểm kê bảo quản hiện vật, tổ chức nhiều cuộc điền dã, khảo cổ học các di tích thời tiền sử và các thời kỳ khác trên đất Quảng Bình. Mở rộng các mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khoa học trung ương, địa phương bạn nhằm không ngừng bổ sung nguồn tư liệu mới cho Bảo tàng. Đội ngũ cán bộ bảo tàng không ngừng trau dồi nghiệp vụ, giới thiệu quảng bá rộng rãi để du khách trong ngoài nước hiểu hơn về bảo tàng.

Trong những ngày tháng 3 và đầu tháng 4 lịch sử này, tập thể CBCNV Bảo tàng đang bận rộn với hoạt động phục vụ cho đợt kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình. Đề cương trưng bày của đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, diện tích trưng bày 230 m2; đơn vị sẽ huy động gần 200 bức ảnh và trên 200 hiện vật được chọn lọc; 1 bản đồ Quảng Bình; và 10 bảng trích dẫn trong đó giới thiệu về điều kiện địa lý, tự nhiên xã hội Quảng Bình trong đại gia đình Việt Nam. Gian trưng bày theo các chủ đề: Giới thiệu về truyền thống lịch sử văn hóa xã hội tỉnh Quảng Bình; Truyền thống đấu tranh xây dựng bảo vệ quê hương; Quảng Bình 10 năm cải tạo và xây dựng CNXH; Quảng Bình trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; Quảng Bình 25 năm đổi mới và phát triển.

Hy vọng, gian trưng bày về kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình sẽ là điểm nhấn của hoạt động văn hóa, là điểm đến hấp dẫn cho nhân dân tỉnh nhà, du khách trong nước và quốc tế.

Phan Hòa