.

Thương nhớ... ngày xưa

Thứ Hai, 27/01/2014, 14:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Bạn kể chuyện tuổi thơ cực nhọc, đói cơm thiếu áo rồi kết luận, sẽ không "xin một vé đi tuổi thơ". Đọc tuổi thơ của bạn, tôi rớt nước mắt, biết là bạn nói vậy mà không phải vậy. Biết là lúc bạn viết những dòng ấy, tâm tư bạn chất ngất những thương nhớ ngày xưa...

Tuổi thơ vô ưu, có ai không nhớ? Dù tuổi thơ nhọc nhằn với những bữa cơm mang tiếng là cơm nhưng hầu như chỉ là khoai sắn, năm thì mười hoạ mới có manh áo mới, sách vở hết chị học rồi đến em rồi đến nhà hàng xóm, từng trang giấy như đẫm mùi mồ hôi của bao đứa học trò nghèo...

Nhưng có lẽ nhớ nhất là những buổi giáp tết như bây giờ. Nhớ cái áo mới mẹ chắt chiu mua từ độ mưa ngâu nồng nàn mùi long não. Mấy tháng trời lén lút mở tủ, ướm cái áo lên người, gấp vô gấp ra tưởng sờn cả áo, đếm ngược từng ngày đợi 30 Tết. Nhớ buổi chiều cuối năm rộn ràng, anh chị em từng đứa xếp hàng tắm gội. Thoang thoảng mùi bồ kết hương nhu lá sả trong nồi nước gội đầu to đùng mẹ nấu. Tóc thơm, áo mới, mắt môi rạng rỡ, cái đói cái nghèo dẫu vẫn quanh quất đâu đó nơi hiên nhà nhưng tâm trạng vô ưu lạ lùng...

Ngày xuân khoe áo mới...
Ngày xuân khoe áo mới...

Đêm giao thừa, anh chị em đứa phụ mẹ dọn mâm cúng giao thừa, đứa ngồi nơi góc sân canh chừng lứa bánh chưng cho ngày đầu năm mới. Giá rét vẫn quanh quẩn đâu đó nơi góc sân, đầu ngõ, nhưng nồi bánh chưng bập bùng ánh lửa vẫn đang toả ra hơi ấm nồng nàn xua tan giá rét. Nửa đêm cả nhà ngồi quây quần nghe thư chúc tết, người lớn gật gù bình luận, trẻ con hóng hớt dõi theo dù chả hiểu mô tê gì. Có đứa không chờ nổi giao thừa đã ngủ say trong chăn ấm, để rồi sáng mai thường gào lên bắt đền rằng sao mẹ không gọi con dậy đón giao thừa...

Sáng mồng một tết, thề là bất cứ đứa học trò nào cũng khoan khoái nghĩ, bữa nay tết, chả phải đi học nên không cần dậy từ lúc tinh sương. Trong khi lũ trẻ con như con mèo ngủ nướng, thì người lớn đã dậy từ lúc nào. Lục đục tiếng xoong nồi dưới bếp, mẹ chuẩn bị bữa sáng đầu tiên của ngày đầu năm mới trong mùi hương trầm thơm phảng phất. Ngoài hiên, ông mở rộng đôi cánh cửa gỗ còn bà hí húi quét sân. Bà hay bảo, năm mới nhà cửa phải luôn khang trang sạch sẽ để cả năm được đón điều tốt đẹp, cửa ngõ phải luôn rộng mở để đón bà con bạn hữu ghé thăm nhà. Nhà ai có người "đạp đất" sớm, chứng tỏ được bà con xóm giềng yêu quý. Bà cũng bảo, năm mới không được chào hỏi nhau qua bờ rào, mà phải trang trọng đến thăm nhau qua cổng chính mới đúng lễ nghi ngày tết. Vậy mà thi thoảng bà vẫn bắt gặp cháu gái mình thì thầm với đứa bạn qua bờ rào trong buổi sáng tinh sương của ngày đầu năm mới...

Nhớ những ngày năm mới lạnh giá, thay vì tung tăng đâu đó cùng bạn bè, trẻ con thường ngồi so vai bên bếp lửa xem người già đánh cờ tam cúc. Trẻ con còn kiêm luôn chân giã trầu, cuốn thuốc lá cho những bạn già của ông bà. Tàn cuộc, thể nào cũng được ông bà khen ngoan rồi kêu đi cất bài để sang năm chơi tiếp. Tất nhiên trẻ con sẽ được ông bà lì xì, rồi xoa đầu bảo cố gắng học giỏi để mai mốt thành kỹ sư bác sỹ cho ông bà cha mẹ cậy nhờ. Năm nào cũng được nghe những câu dặn dò tin cậy kiểu đó, nên mặc định trong lòng lũ trẻ trách nhiệm mai sau nhất định phải thành người tử tế để còn báo hiếu ông bà mẹ cha...

Năm tháng qua đi. Trẻ con lớn lên và người già già thêm mãi. Rồi đến một mùa xuân không còn bà quét sân mỗi sáng mồng một tết và ông cũng đã theo bà về trời nên trẻ con (giờ đã thôi không còn ngủ nướng) lại thay ông mở rộng đôi cánh cửa gỗ cũ kỹ để đón bà con bằng hữu ghé chơi. Mẹ thì vẫn lúi húi dưới bếp cho bữa ăn sáng đầu năm mới trong mùi hương trầm phảng phất. Nhưng bàn cờ tam cúc sáng mồng một tết giờ chẳng còn ai bởi những bạn già đã lần lượt theo nhau đi về miền cổ tích. Rồi nhiều mùa xuân nữa qua đi, trẻ con ngày xưa có đứa thành kỹ sư bác sĩ thật, có đứa lông bông nhưng không có đứa nào là không nhớ những buổi sớm mai diệu kỳ của ngày xuân lất phất mưa bay xưa cũ, nhớ mình tuổi vô ưu tóc thơm áo mới, mắt môi rạng rỡ...

Quá nhiều thương nhớ, nên tôi chẳng bao giờ tin khi bạn bảo sẽ không "xin một vé đi tuổi thơ", cho dù bạn là kỹ sư bác sĩ hay là đứa lông bông...

Diệp Đồng