.

Rưng rưng "Mùa yêu ta gửi"

Thứ Sáu, 24/01/2014, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cầm trên tay ba tập sách "Mùa yêu ta gửi" đề tên tác giả Nguyễn Hữu Phi - Phan Thị Thoán (Cự Nẫm, Bố Trạch), tôi không khỏi ngỡ ngàng. Bộ sách là gần 200 bức thư của tác giả, cũng là vợ chồng, viết cho nhau trong suốt quãng thời gian gần 40 năm. Riêng tư đấy mà lại chẳng riêng tư khi trong mỗi lá thư là ngồn ngộn xúc cảm về cuộc sống trong từng giai đoạn thăng trầm của đất nước, quê hương...

Tập 1 của cuốn sách là 52 lá thư với đầy những hẹn hò, nhung nhớ được viết từ ngày 25-12-1964 đến 15-12-1965. Ông Nguyễn Hữu Phi (sinh năm 1941), lúc đó là một thầy giáo trẻ và bà Phan Thị Thoán, kém ông 5 tuổi cũng cũng là đồng nghiệp...

Tình yêu của họ đẹp tựa tiểu thuyết với thư đi thư về cùng bao đợi chờ, mong ngóng. Những bức thư với lời lẽ trong sáng và vô cùng giản dị "Tuy mệt vì công việc ở trường, song hình ảnh của em không lúc nào có thể quên được, nhất là ban đêm hoặc lúc nghỉ trưa, anh có rất nhiều suy nghĩ. Em đã biết tính của anh đấy, việc gì mà chưa hoàn thành, chưa tốt là day dứt khó chịu, anh phải lo như việc của anh vậy, có khi phải hơn nữa em ạ! Đấy là bổn phận của anh, bổn phận của tình yêu vì đây là bước đầu của cuộc đời chúng ta sau này...", thư ông Phi gửi bà Thoán ngày 22-3-1965.

Rồi ông kể chuyện máy bay Mỹ bắn phá quê hương "Đêm qua, lúc anh ở dưới nhà lên vừa vào nhà, mấy chiếc máy bay nó ập đến ném bom vào Đá Mài. Cũng một bữa mất ngủ. Cùng ngày, nó bắn phá tại Hoàn Lão, nó đã dội bom tại Thanh Khê đoạn lò vôi nhà cửa sập hết, nhiều người chết và bị thương...".

Bộ sách
Bộ sách "Mùa yêu ta gửi" của đôi vợ chồng nhà giáo Nguyễn Hữu Phi - Phan Thị Thoán.

Còn thư bà Thoán thì vừa nghiêm túc vừa dí dỏm "Này, anh sao bữa nay nói hắc thế, chắc có lẽ hè này đi bộ đội cũng nên. Mà nhiệm vụ Tổ quốc cần thì gian khổ mấy tất nhiên chúng ta cũng phải đi thôi. Ta thực hiện "3 khoan" đấy. Mọi bữa biết sớm mà ở thế, để khi đi không hề vướng bận thì hay anh hè? Bữa nay ta tạm thời gác nó lại, bao giờ thống nhất hãy hay. Những lúc nhớ lại cảnh thanh bình mà căm tức chiến tranh, căm tức Mỹ - ngụy quá anh ạ. Cảnh đi dạo mát, ở đâu cũng chở nhau đi chơi, chụp ảnh, xem xi nê... tất cả những cái đó giờ đây nó tan đi tất cả, biết bao giờ trở lại cảnh thanh bình hả anh? Cũng vì chiến tranh mà tình yêu ta có nhiều kỷ niệm có tính chính lịch sử anh nhỉ?".

Rồi "Yêu như anh Trỗi, chị Quyên như thế mới là yêu. Sống như anh Trỗi, chị Quyên thế mới là sống, anh nhỉ? Vừa rồi em có làm bài văn về anh Trỗi đấy, anh cố gắng trao đổi thêm cho em nhé!"...  Thư đi thư lại, toàn chuyện trường, chuyện lớp, chuyện đời thường và trong mỗi lá thư, bên cạnh tình yêu đôi lứa, là lý tưởng, hoài bão của cả một thế hệ tuổi trẻ khi đất nước mịt mùng khói lửa...

Nếu tập 1 của cuốn sách là những bức thư hẹn hò, nhung nhớ, thì tập 2 với trên 40 lá thư viết trong giai đoạn từ tháng 9-1967 đến 1968 là những lời tâm sự của đôi vợ chồng trẻ về con cái, công việc và nhà cửa. Cuộc sống lúc này chồng chất những khó khăn, họ luôn cố gắng động viên nhau "Lúc này đây, anh và em và cả con ta phải chịu đựng bao nhiêu khổ sở, đó là cái tạm bợ mà thôi. Mỗi một giai đoạn chúng ta phải lớn lên và tất nhiên chúng ta có nhiều hứa hẹn, vợ chồng chúng ta phải bàn. Nghĩ đến lúc chúng ta có căn nhà nhỏ đẹp, chúng ta có Hồng (con trai đầu - PV), em đi dạy về, anh và em và các con ngồi quây quần bên bàn ăn, còn gì hơn em nhỉ?".

Ở quê, bà Thoán vừa chăm sóc con nhỏ, vừa công tác nhưng không quên chăm lo, động viên chồng đang theo học trung cấp sư phạm ở Cao Mại (Tuyên Hóa): "Anh phải chịu khó để cho qua ngày, mong sao học hành chu đáo có kết quả tốt đem về cho mạ con em là tốt rồi. Còn mè, muối đã ăn hết rồi à, hay là tiết kiệm? Anh cứ ăn cho thoải mái, không được để dành, nếu hết thì em sẽ làm thêm và gửi ra sau...". Thư đi thư lại, chỉ những câu chuyện đời thường nhưng chất chứa cái tình, cái nghĩa của vợ chồng, cả những lý tưởng và hoài bão của thế hệ những người sinh ra và được tôi luyện, trưởng thành trong chiến tranh, trong sáng và đẹp đẽ vô cùng!

Tập 3 của bộ sách là trên 90 bức thư gồm vợ chồng gửi cho nhau, con trai gửi bố, anh trai, bạn hữu... viết thư thăm nhau. Những bức thư viết từ năm 1977 đến những năm sau này, khi ông Phi, bà Thoán, thay vì xưng hô anh - em, giờ đã chuyển sang gọi nhau là "ông nội (bà nội) Minh - Hoàng" (tên các cháu trai). Trong tập này còn có thư của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký cùng bài thơ "Một trời an nhiên" dành tặng thầy giáo Nguyễn Hữu Phi và những đồng nghiệp một đời gắn bó với sự nghiệp "trồng người". Tâm sự của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trong đôi câu thơ "Trọn đời bán cái sáng trong/Mua về bát ngát mênh mông cây đời", có lẽ cũng chính là "gia tài" mà vợ chồng nhà giáo Nguyễn Hữu Phi - Phan Thị Thoán có được sau hơn ba mươi năm đứng trên bục giảng và gần nửa thế kỷ là vợ chồng. Tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái với đại gia đình gồm 5 người con đều thành đạt, trong đó có 3 sĩ quan quân đội, 1 người theo nghề giáo viên và 1 người nữa là cán bộ huyện...

Và sau gần nửa thế kỷ gìn giữ những lá thư như bảo vật, với mong muốn để lại cho cháu con chút kỷ niệm, họ đã biên soạn thành ba tập sách, dày trên 1.000 trang do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2013. Đọc gần hai trăm lá thư trong 3 tập sách, ngỡ như gặp lại cả một chặng đường gian khổ của quê hương, gặp lại những ông bà, mẹ cha ta thuở đất nước chìm trong lửa đạn và những năm tháng gian khổ với hành trình dựng xây và tái thiết quê hương. Và song hành cùng những tháng năm đó, là tình yêu trong sáng và đẹp đẽ vô ngần...

"Mùa yêu ta gửi", nồng nàn, chân chất mà rưng rưng...

Ngọc Mai