.

Kèn A-mam nhạc cụ độc đáo của người Bru-Vân Kiều

Thứ Năm, 26/12/2013, 17:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi lên xã Trường Sơn (Quảng Ninh) khi mùa đông đã bao trùm lên các bản làng và núi rừng nơi đây. Mùa đông ở Trường Sơn rét thấm hơn ở những nơi khác, trời lất phất mưa phùn càng làm cho cái lạnh tê tái hơn. Xen lẫn giữa những thung sâu điệp trùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, ẩn mình bên dòng Đại Giang hiền hòa, thấp thoáng những bóng nhà sàn của đồng bào Bru-Vân Kiều.

Ở xã Trường Sơn có 16 làng bản của đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống rải rác bên cạnh 5 thôn của đồng bào người Kinh, đây là địa bàn cư trú của đa số người Bru-Vân Kiều ở tỉnh ta, chiếm khoảng 90% dân số của xã, vốn được xem là những cư dân lâu đời nhất của chốn Trường Sơn hùng vĩ này.

Người Bru-Vân Kiều đặt tên cho các bản làng theo tên gọi của địa phương như: bản Đá Chát, bản Ploang, bản Rìn Rìn, bản Chân Trôộng, bản Cổ Tràng, bản Cây Sú, bản Khe Cát, bản Nước Đắng, bản Dốc Mây, bản Hôi Rấy... Các bản phân bố tương đối cách xa nhau, mỗi bản đều có tổ chức cộng đồng giống nhau, đứng đầu là trưởng bản, ngoài ra còn có già làng hay còn gọi là thầy cúng cùng giúp sức trong việc quản lý đời sống và sinh hoạt của người dân trong bản.

Ngoài các bản như Khe Cát, Cổ Tràng, Cây Cà... tập trung cạnh con nước lớn và gần đường quốc lộ thì các bản khác như Dốc Mây, Nước Đắng, Hôi Rấy, Ploang... lại sinh sống trên những cánh rừng lớn. Đường vào bản chỉ là những lối mòn nhỏ do người đi bộ mà thành, phải trèo qua những con dốc cao lởm chởm đá tai mèo và lội qua những con suối lớn, đi bộ ít nhất cũng gần 4 giờ mới tới nơi, những hôm trời mưa đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi.

Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, nguồn lương thực chủ yếu dựa vào gạo, muối hỗ trợ của nhà nước và săn bắt, hái lượm trong rừng. Sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với Đồn Biên phòng Làng Mô thường xuyên cử người lên giúp đỡ, hướng dẫn bà con cách làm nhà tránh lũ, cách trồng các loại rau trong vườn, chăn nuôi lợn, gà để cải thiện hay mở lớp xóa mù chữ cho con em trong bản... đã phần nào giúp cho nhận thức và đời sống của bà con nơi đây tiến bộ hơn nhưng cần có sự kiên trì và cố gắng lâu dài mới thực sự hiệu quả. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng và Hồ Thị Phi thổi kèn A-mam.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng và Hồ Thị Phi thổi kèn A-mam.

Mặc dù đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn nhưng đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn lại xây dựng cho mình đời sống tinh thần khá phong phú. Các lễ hội, các hình thức diễn xướng âm nhạc dân gian truyền thống phản ánh khá rõ nét đời sống tinh thần của người Bru-Vân Kiều trong cuộc sống giao hòa với thiên nhiên. Trong quá trình hình thành và phát triển, đời sống sinh hoạt gắn liền tập quán canh tác, văn hoá, tín ngưỡng với hàng ngàn năm sinh sống trên các thung sâu của những lèn núi đá vôi điệp trùng, người Bru-Vân Kiều đã sản sinh nhiều loại nhạc cụ, nhiều điệu hát, điệu múa mang giá trị văn hoá đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình.

Nghệ thuật dân gian của người Bru-Vân Kiều khá đa dạng, trong đó có âm nhạc, dân ca, dân vũ như: hát tà-oải, hát ru con, hát si-nớt, múa mừng lúa mới, múa đám cưới, múa đám chay... Họ đàn, hát, thổi kèn cho nhau nghe những bài hát của ông cha và những bài hát do mình tạo ra trong quá trình chọn người yêu, chọn vợ chồng, hát múa tập thể trong các sự kiện cộng đồng với những nhạc cụ truyền thống tự tạo đơn giản nhưng độc đáo, được làm bằng các nguyên vật liệu tự nhiên lấy trong rừng như gỗ, tre, đương, nứa... như: đàn A-chum, đàn Pơ-lựa, đàn tính-tùng, sáo Pi, sáo Khơ-lui, Ta-riêng... Đặc biệt là kèn A-mam, một nhạc cụ dân gian độc đáo và đặc sắc của người Bru-Vân Kiều  ở xã Trường Sơn.

Người Bru-Vân Kiều coi trọng các giá trị văn hoá và ở mỗi loại hình nghệ thuật dân gian đều có chủ thể của không gian diễn xướng. Ví dụ sáo Pi, sáo Sui, chiêng, trống... là những nhạc cụ biểu hiện tín ngưỡng thiêng nên chỉ có thể sử dụng trong các nghi thức cúng tế mà không có mặt trong các hội hè. Hát tà- oải, hát đám cưới, trình diễn sáo Khơ- lui, đàn A-chum, đàn Pơ-lựa, kèn A-mam... có xuất xứ từ cuộc sống lao động và chỉ có thể trình diễn trong không gian văn hoá giải trí, giao lưu...

Theo truyền thống của người Bru-Vân Kiều, khi người con trai con gái Bru-Vân Kiều đến tuổi hẹn hò thì họ đi sim để tìm hiểu nhau, điệu hát tà-oải trở thành cầu nối cho người con trai con gái đến  gần nhau hơn. Trong hát tà-oải, người con trai sử dụng đàn Tính-tùng làm nhạc đệm, người con gái sử dụng kèn A-mam để đáp trả tâm tình. Cùng với tiếng hát thiết tha chân tình thì việc sử dụng khéo léo các nhạc cụ cũng góp phần giúp những chàng trai cô gái Vân Kiều “ghi điểm” trong mắt nhau. Kèn A-mam có thể dùng để độc tấu hoặc cả hai người cùng thổi, thông thường là một người nam và một người nữ, được sử dụng trong hát tà-oải để giao duyên, hẹn hò hay ngâm thơ đối đáp.

Nhìn bên ngoài thì kèn A-mam rất đơn giản, chỉ dài chừng 40cm, to bằng chiếc đũa nhưng để làm cho A-mam trở thành một nhạc cụ thì không đơn giản chút nào. Kèn A-mam được làm bằng cây đương hay còn gọi là cây giàng (theo cách gọi của bà con) lấy ở trong rừng. Loại cây này vừa dẻo dai, vừa có độ chắc, không bị héo, khi chọn phải chọn những nhánh nhỏ nhưng phải già, cứng, to bằng chiếc đũa, dài khoảng 30-40cm, không chọn những nhánh còn non vì dễ bị xốp và héo, khi lấy về thì bị khô hai đầu không thổi được.

Sau khi đã chọn được vật liệu thì tiến hành chế tác nhạc cụ, có thể để tươi hay phơi khô rồi dùng dao nhọn khéo léo đục hai lỗ nhỏ, một lỗ phía trên và một lỗ phía dưới. Vì nhánh cây rất nhỏ nên khi đục lỗ phải rất cẩn thận, lỗ không được quá nhỏ, cũng không quá to, vị trí của hai lỗ phải phù hợp và cân xứng với chiều dài của đoạn cây để khi thổi thì phát ra được nhiều âm thanh khác nhau tùy theo sự tinh tế của người sử dụng. Theo các nghệ nhân thì ở xã Trường Sơn hiện nay còn rất ít người có thể chế tác và sử dụng được loại nhạc cụ này, chỉ có mệ Phương và nghệ nhân Hồ Thị Yêm, Nguyễn Thị Hồng ở bản Khe Cát còn nắm giữ cách thức chế tác và sử dụng kèn A-mam.

Khi được nghe các nghệ nhân thổi kèn A-mam mới thấy được sự độc đáo và khác biệt của nó. Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Để thổi được kèn A-mam đòi hỏi sự kiên trì tập luyện và lòng say mê đối với loại nhạc cụ này, bởi nếu không có kĩ thuật thì không thể thổi được”.  Việc sử dụng hơi để thổi kèn một cách khéo léo tạo ra những âm thanh thanh thoát, lúc sâu lắng, lúc trầm bổng và dìu dặt thể hiện tâm trạng của người thổi kèn. Người thổi A-mam vừa thổi vừa hát tà-oải hoặc ngâm thơ. Nếu như hai người cùng thổi, một người thổi, một người hát thì cần có sự đồng điệu trong tâm hồn và thấu hiểu lẫn nhau thì mới có thể tạo nên những giai điệu đi sâu vào lòng người.

Từ những nguyên vật liệu đơn giản, gần gũi với tự nhiên, người Bru-Vân Kiều đã sản sinh ra những loại nhạc cụ truyền thống phản ánh đời sống tinh thần chất phác, hồn hậu nhưng cũng không kém phần đa dạng và phong phú, góp phần tạo nên nét độc đáo và đặc sắc cho văn hóa tộc người nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay, khi khoảng cách địa lý được nối lại bằng các phương tiện giao thông thuận lợi, khoảng cách không gian đã dần thu hẹp bằng các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì đã có những biến đổi trong cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn. Hiện tại, có nhiều bản làng người Bru-Vân Kiều đã nhiều năm không còn duy trì các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhiều nghệ nhân nắm giữ tinh hoa diễn xướng âm nhạc dân gian đã cao tuổi, nhiều lễ hội truyền thống nhiều năm không được tổ chức tại cộng đồng. Tài hoa trong chế tác các loại nhạc cụ đã bị nhạt nhòa, nhiều loại hình nhạc cụ truyền thống của người Bru-Vân Kiều bị mai một và thất truyền khi lớp trẻ ngày càng thờ ơ với chính văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Được sự ủy nhiệm của BQL Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mê Kông tỉnh Quảng Bình, trong quá trình thực hiện dự án “Phục dựng và truyền dạy âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều tại cộng đồng kết nối du lịch” tại xã Trường Sơn vào tháng 9/2012, các cán bộ dự án của Công ty TNHH Truyền thông Cát Vàng đã phối hợp với các nghệ nhân tại địa phương sưu tầm và phục dựng thành công kèn A-mam sau gần 50 năm bị mai một và vắng bóng trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Bru-Vân Kiều, đưa kèn A-mam trở lại với không gian văn hóa của người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn.

Diệu Hoài
(47, Trường Chinh, Bắc Lý, Đồng Hới)