.

Ấm lòng trên đất Tây Nguyên

Thứ Ba, 31/12/2013, 18:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thấy linh ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thờ tự trang trọng trong Chùa, tôi tò mò tìm hỏi cho kỳ được vị trụ trì chùa tháp Kỳ Quang (ở thôn 3, xã Đắk-Ma, huyện Đắk-Hà, tỉnh KonTum) thì được Đại đức Thích Quang Hạnh cho biết: Đó là tấm lòng của nhà chùa và đồng bào ở đây đối với một nhân thần có công lớn với dân tộc như Người.

Nhác trông, bên tả chính điện của chùa này còn thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Bên hữu thờ Quốc Tổ Hùng Vương, vị vua chính danh đầu tiên của một đất nước ngàn năm văn hiến và độc lập. Và bậc dưới Quốc Tổ là linh ảnh, hoa quả cùng khói hương đủ đầy lòng biết ơn đối với một bậc khai quốc công thần thời hiện đại vừa mới vĩnh biệt dân tộc ta: Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại đức Thích Quang Hạnh, trụ trì chùa giải thích thêm rằng: "Việc thờ tự trong chùa theo bốn trọng ân lớn đó là: ơn Tam Bảo, ơn xã hội, ơn cha mẹ và ơn Tổ quốc. Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chư tăng Phật tử tôn xưng là Đệ nhị Thích Ca. Quốc Tổ Hùng Vương là người khai sinh nên cõi nước non này. Việc thờ tự này là thể hiện đạo lý uống nước phải nhớ nguồn của dân tộc ta.

Linh ảnh Đại tướng được thờ trang trọng trong chùa Kỳ Quang.
Linh ảnh Đại tướng được thờ trang trọng trong chùa Kỳ Quang.

Tôi cũng được biết thêm rằng, kể từ khi chùa tháp Kỳ Quang được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2012, ngoài Đền Hùng ở Phú Thọ thì lễ giỗ Quốc Tổ trên mảnh đất Tây Nguyên xa xôi này cũng tổ chức không kém phần long trọng.

Câu chuyện với vị Đại đức trụ trì chùa khiến tôi lại nghĩ đến cái ngày lịch sử năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, từ "Thủ đô" Việt Bắc gió ngàn trở về Thủ đô Hà Nội, trong một lần Bác Hồ đến thăm Đền Hùng, Người đã ngồi bệt ngay dưới thềm trước cửa Đền Giếng trong khu di tích để kể chuyện các Vua Hùng dựng nước cho các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong nghe. Và trong khi một phần cơ thể của Tổ quốc vẫn còn quặn đau vì gót giày xâm lược, Người đã căn dặn cả dân tộc ta: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước thì Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Chính cái chân lý truyền đời là cội nguồn sức mạnh cho cả dân tộc này tiếp tục đứng lên bảo vệ và quyết giành non sông gấm vóc của cha ông.

Theo trọn con đường đó, tròn chục năm trước đó đã xuất hiện người lãnh binh ưu tú và tiên phong của trùng điệp những đoàn quân ấy-Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ đó, danh xưng của Đại tướng đã gắn liền với những mốc son lịch sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh.

Đại đức bảo rằng: Cây có cội, sông có nguồn. Trong nhân gian chúng ta, đạo đức đó là lòng biết ơn. Đại tướng là một nhân cách lớn, thanh liêm, chánh trực, tài lược kiệt xuất, là một nhân thần có công lớn đối với dân tộc. Vì vậy, sau khi cả nước để tang Đại tướng, nhà chùa đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương huyện Đắk-Hà lập bàn thờ Người ngay trong chùa để chúng sinh và Phật tử đến bái vọng.  

Đến mảnh đất Kon Tum sau tròn 40 ngày mất của Đại tướng, bên linh ảnh của Người, trong khói hương nghi ngút, tiếng chuông tiếng mõ trầm ngân cùng tất thảy những cung kính dâng lên Người một nén tâm nhang, chợt thấy lòng mình ấm lạ trên mảnh đất cao nguyên lộng gió này.

"Thưa thầy, tại sao lại là bình hoa ly bên cạnh linh ảnh Đại tướng, chứ không phải là loài sen cao khiết (bên cạnh Quốc Tổ Hùng Vương) kia?". Tôi hỏi. Suy tư chốc lát rồi vị Đại đức bảo: Đó là loài hoa biểu trưng cho đức hạnh vẹn tròn, thanh cao cùng lòng biết ơn!

Dương Công Hợp