.

Đồng xanh trong phố

Thứ Ba, 16/04/2013, 09:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày trước vào phố làm việc, đi ngang qua đường, tôi thường thấy có hai người tát nước gàu dây nhịp nhàng chẳng thua kém những người ở vùng quê quanh năm tay bùn chân lấm. Xunh quanh họ đồng lúa xanh mượt mà như thiếu nữ phơi phới trước nắng xuân. Tôi đã đi qua nhiều miền quê, bắt gặp nhiều cảnh tát nước trên đồng, nhưng không hiểu sao hình ảnh tát nước gàu dây giữa phố làm tôi phập phồng hoài niệm.

Phố đã đổi thay nhiều. Những con đường nhỏ lẻ loi, trống vắng của ngày xưa; nơi đôi lứa dừng chân luyến lưu những buổi đầu gặp gỡ bỗng dưng trở thành đại lộ thênh thang, hoành tráng. Nhà cao tầng mọc lên như nấm sau trận mưa rào. Phố mặc áo mới, những con đường đeo vòng kim cương mới. Không mấy ai xót thương cho cánh đồng xanh ngút ngàn, cứ thu hẹp dần, cứ ra đi, đi mãi! Thật lạ lùng! Mảnh ruộng nhỏ nhoi như tấm thảm nhung lọt thỏm giữa phố sao mà xanh đến thế?

Một chiều, hoàng hôn tím sẫm chân trời, tôi ngồi nhâm nhi tách trà nóng ở một ngôi nhà cao tầng, nhìn xuống con mương giữa phố xây bê tông vững chãi, không còn chỗ cho lũ trẻ cắm câu tung tăng mỗi độ mưa về. Dòng nước phẳng lặng, buồn hiu như hờn dỗi vì không được về với sông, với biển. Bên cạnh con mương uốn cong là khoảnh ruộng lúa đang thì con gái như thung lũng nhỏ giữa phố thị sầm uất. Trên doi đất hiếm hoi có mấy cây chuối lơ thơ mọc, in đậm dáng quê trong phố. Lúa vẫn xanh, nước vẫn ánh lên màu sáng thâm thâm tái của ráng chiều, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một tiếng ếch nhái ạ uôm. Có lẽ tiếng nhạc ầm ào, tiếng xe ồn ã của phố át đi khúc ca đồng quê gợi tình ngọt ngào, sâu lắng.

Một mai nơi ấy sẽ không còn ẩn hiện màu xanh. Ngọn gió sẽ không còn mơn man soãi dài trên đồng lúa xanh rờn và cười reo trong nắng sớm. Người nhà nông giữa phố sẽ gác câu liêm giã từ đồng áng. Ngày mùa háo hức và nhọc nhằn chỉ còn lại trong ký ức đẹp của một thời xa vắng. Trong giấc mơ, người ta sẽ thả hồn phiêu bồng về với đồng quê thẳng cánh cò bay, cánh diều lơi lả, nghe tiếng sáo dịu dặt tình quê của trẻ lũ mục đồng mà lòng xốn xang nuối tiếc.

                                                                              Trần Quốc Cưỡng