.

Họa sĩ và người chơi tranh

.
19:06, Thứ Bảy, 16/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách đây vài năm, bên một đường phố Đồng Hới xuất hiện một xưởng vẽ và bán tranh. Khi đi ngang qua và lần đầu tiên phát hiện ra, tôi đã thực sự ngỡ ngàng. Một chút hồ nghi, một chút mừng rỡ, bởi với những thành phố tỉnh lẻ, lâu nay với nhiều người, bán tranh và chơi tranh có lẽ là điều... quá xa xỉ.

Những "Gallery" đầu tiên trên phố Đồng Hới

Gọi là Gallery, nhưng thực ra là mấy nơi vừa là xưởng vẽ vừa là nơi bán tranh chỉ rộng chừng chục mét vuông, nên gọi là Gallery, xưởng vẽ hay cửa hàng tranh đều được.

Nơi tôi bất ngờ gặp đầu tiên là cửa hàng tranh của họa sĩ Trương Đình Mười ở số 62- Hai Bà Trưng. Tôi cũng là người thích tranh, nên khi thấy xuất hiện trên phố Đồng Hới một điểm vẽ và bán tranh, tôi liền ghé vào xem.

Hai gian nhà chật hẹp vừa là xưởng vẽ vừa là cửa hàng bán tranh của Đình  Mười. “Cửa hàng” cũng khá nhiều tranh (có lẽ đây là nơi nhiều tranh nhất trong số mấy cửa hàng tại Đồng Hới mà tôi đã ghé xem), nhưng vì chật hẹp nên chỉ có một số bức được treo trưng bày, còn lại xếp theo chồng ở dưới đất. Phần lớn là tranh phong cảnh, một số ít tranh vẽ hoa, người và tranh tĩnh vật. Toàn bộ tranh ở cửa hàng của Đình Mười là tranh chép.

Tranh tĩnh vật của họa sĩ Xuân Mạnh.
Tranh tĩnh vật của họa sĩ Xuân Mạnh.

Gallery thứ hai mà tôi ghé vào xem tranh là của họa sĩ Trần Công Thông, “tọa lạc” ở 132 - Lý Thường Kiệt, một trong mấy con đường lớn nhất ở thành phố Đồng Hới. Nằm trên đường lớn, nhưng cửa hàng tranh này cũng rất chật hẹp, vừa là xưởng vẽ vừa là nơi trưng bày để bán tranh. Cũng như cửa hàng tranh của họa sĩ Đình Mười, của hàng tranh của họa sĩ Công Thông đa phần là tranh chép phong cảnh, một ít tranh chép của các danh họa cổ điển, tranh tĩnh vật, tranh hoa...

Một họa sĩ nữa tôi biết và đã thưởng thức các bức tranh của anh vẽ, nhưng Gallery của anh lại mở tại... gia. Đó là họa sĩ Trần Xuân Mạnh. Quê Mạnh ở làng cát Bảo Ninh, bên kia cầu Nhật Lệ. Khác với Đình Mười và Công Thông, Xuân Mạnh không chép tranh mà chuyên vẽ tranh tĩnh vật. Tôi đã được xem một số bức tranh tĩnh vật của Xuân Mạnh. Tôi không am hiểu nhiều về tranh, nhưng xem tranh của Mạnh không hiểu sao tôi cứ bị thu hút bởi độ sâu, hình khối sáng tối của các đồ vật trong tranh Mạnh. Xuân Mạnh vẽ và bán tranh chủ yếu qua khách quen đặt hàng.

Cũng như bao họa sĩ khác, Mạnh ước ao có một không gian trên phố, đủ điều kiện để vẽ, treo trưng bày và bán tranh. Nhưng tiền thuê nhà trên phố quá đắt đỏ, tranh bán được tại thị trường Đồng Hới cũng chưa nhiều, sợ thu không đủ bù chi nên cuối cùng Mạnh vẫn cứ phải vẽ tại... gia và tiếp tục chờ cơ may đến.

Họa sĩ-muôn nẻo đường nghề

Tôi bất ngờ và ngạc nhiên khi biết Đình Mười quê ở xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), là em trai của họa sĩ Đình Nô và lúc nhỏ đã từng phụ vẽ cho họa sĩ Lê Duy Ứng (họa sĩ Lê Duy Ứng cũng quê ở Hiền Ninh. Đình Mười thi đỗ vào đại học mỹ thuật năm 1983 nhưng sau đó lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ra quân, vì gia cảnh khó khăn, Đình Mười không thể theo đuổi được ước mơ vào giảng đường mỹ thuật mà phải bôn ba để mưu sinh.

Năm 1987, Đình Mười mở xưởng vẽ ở Huế, nhưng việc bán tranh gần như là một giấc mơ. Không trụ nổi ở đất cố đô, năm 2002 Đình Mười khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh mở xưởng chép và bán tranh. Nhưng “miền đất hứa” này, Gallery mọc lên như cỏ gặp mưa và đương nhiên tính cạnh tranh bắt đầu khốc liệt.

Niềm đam mê vẽ tranh cộng với sự trăn trở, quyết tâm sống bằng nghề vẽ lại thôi thúc Mười quay về quê hương Quảng Bình vào năm 2005, bởi Mười nghĩ rằng lúc này đời sống của người dân đã khá lên và Đồng Hới đang xây dựng lại sau 13 năm nhập tỉnh Bình Trị Thiên chắc sẽ có nhu cầu lớn về tranh trang trí. Thế nhưng niềm hy vọng đó đã sớm vụt tắt. Đình Mười lại vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi ra Huế, lại vào lại thành phố Hồ Chí Minh và đến tháng 6-2010 mới quay về Đồng Hới mở xưởng chép và bán tranh.

Tranh phong cảnh (chép) của họa sĩ Đình Mười.
Tranh phong cảnh (chép) của họa sĩ Đình Mười.

“Bây giờ thì thị trường tranh ở Đồng Hới-Quảng Bình đã khá hơn trước, tuy nhiên để sống bằng nghề cũng muôn vàn khó khăn. Trót yêu nghề vẽ nên đành bôn ba chứ mỗi tháng thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng thì lấy gì để sống ở thời buổi này hả anh?” – Đình Mười chia sẻ. Con số thu nhập mà Mười nói ra khiến tôi quá nhạc nhiên.

Cũng như Đình Mười, Công Thông cũng bôn ba với nghề chẳng kém. Thông cũng quê ở huyện Quảng Ninh. Xong THPT, Thông thi đỗ và vào học hệ trung cấp chuyên ngành hội họa của Đại học Nghệ thuật Huế. Sau đó, Thông vào thành phố Hồ Chí Minh học đại học kiến trúc và đồng thời học luôn chuyên ngành trang trí nội thất, tạo dáng công nghiệp ở Đại học Văn Lang.

Ra trường, Thông đầu quân cho một công ty tư nhân về thiết kế nội thất. Ba năm làm nghề, thấy vẫn không có gì sáng sủa cho tương lai, trong khi niềm đam mê vẽ tranh vẫn đang cháy bỏng trong lòng, Thông thử mở phòng tranh ở đất Sài thành, hy vọng vừa nâng cao tay nghề vừa nuôi sống được bản thân. Nhưng ở “hòn ngọc viễn đông”, chi phí để mở một cửa hàng tranh nào phải giản đơn, trong khi đó Gallery mọc lên như nấm, tính cạnh tranh khốc liệt, cuối cùng, Thông đành phải rời chốn phồn hoa, về lại quê hương Quảng Bình vào năm 2009. Nhưng việc mở cửa hàng tranh trên phố thật không đơn giản...

Vậy là để lấy ngắn nuôi dài, Thông phải đồng thời bán thêm các thứ vật liệu ngành vẽ, nhận trang trí ở các trường học, nhận dạy vẽ cho học sinh... Làm đủ việc như vậy nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng của Thông cũng chỉ được 3 triệu đồng.

Xuân Mạnh cũng có niềm đam mê hội họa từ nhỏ. Tốt nghiệp THPT, Mạnh thi đỗ vào Trường đại học nghệ thuật Huế, chuyên ngành hội họa. Sau khi tốt nghiệp (năm 2003), Mạnh có 3 năm làm ở thành phố Huế. Có lúc thì làm cho hiệu tranh, có lúc tự liên hệ tìm mối vẽ cho khách hàng, đó là những cách mà Mạnh thực hiện để nâng cao tay nghề, thỏa mãn niềm đam mê vẽ và... mưu sinh. Nhưng người ta không thể sống bằng niềm đam mê nếu không có tiền. Vậy là Mạnh đầu quân về  khu Reshort Thiên Đàng ở Quảng Ngãi làm nhân viên trang trí mỹ thuật nơi đây và... hưởng lương.

Rồi thấy không “lạc nghiệp” nên không thể “an cư” nơi này, Mạnh lại bôn ba ra thành phố Vinh thử tay nghề, để rồi cuối cùng “ta về ta tắm ao ta” tại mảnh đất nơi đầu sóng Bảo Ninh-thành phố Đồng Hới quê nhà vào năm 2010. Khác với Mười và Thông, Mạnh không chép tranh mà chỉ chuyên vẽ tranh tĩnh vật-niềm đam mê của Mạnh. Khách hàng đặt tranh cho Mạnh chủ yếu là khách quen trong tỉnh và từ những mối quan hệ ở các nơi trước đây Mạnh từng bôn ba như  Vinh, Hội An, Quảng Ngãi...

Tranh phong cảnh (chép) của họa sĩ Công Thông.
Tranh phong cảnh (chép) của họa sĩ Công Thông.

Điều tôi thấy mừng cho Mạnh là, tuy không mở được cửa hàng trên phố, chỉ vẽ tranh tại nhà theo mối, nhưng Mạnh vẫn có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng, một con số tương đối cao so với hai họa sĩ kia. Và Mạnh vẫn đang ao ước một ngày nào đó được mở cửa hàng trên phố.

Người chơi tranh-đa bề sở thích

Có thể nói, chơi tranh, mua chữ là những thú chơi tao nhã của nhiều người, đặc biệt là dân thành phố. Khách chơi tranh cũng đa dạng thành phần, từ bình dân cho đến cao cấp. Có người thì thích những bức tranh đơn thuần vì sự cảm thụ nghệ thuật (hay mục đích trang trí) của họ, nhưng cũng có người thích chơi những bức tranh đẹp, nổi tiếng của những danh họa, thông qua công nghệ sao chép của các họa sĩ. Vì thế, tranh chép rất đa dạng, có tranh thời kỳ Phục hưng, tranh đồng quê, tranh của các danh hoạ theo trường phái ấn tượng, trừu tượng...

Nói thì nói vậy cho có vẻ phong phú, nhưng thực chất, theo các họa sĩ nói trên, những người chơi tranh (trên thị thường tỉnh nhà) có hiểu biết về tranh không nhiều, đa số vẫn là mua tranh với mục đích trang trí nhà cửa, nên tranh phong cảnh có màu sắc tươi sáng, bắt mắt thường được ưa chuộng nhất. Cũng là lẽ đương nhiên, bởi để hiểu được giá trị một bức tranh, người xem (mua) tranh phải có phông văn hoá và nền tảng tri thức nhất định.

Với mỗi bức tranh, ẩn sau mỗi đường nét, màu sắc là tâm trạng, là nỗi đau, niềm vui, là thông điệp của chính người sáng tạo ra nó gửi gắm. Vì số lượng khách hàng am tường nghệ thuật không nhiều nên tranh chép hướng về thị hiếu số đông, hướng đến những gì dễ cảm nhận, đại chúng. Điều đó lý giải vì sao ở các cửa hàng tranh của Đình Mười, Công Thông đa số là tranh phong cảnh đồng quê, núi non, thác nước, sông suối, làng, phố..., thi thoảng mới có vài bức chép tranh của các danh họa cổ điển. Và cũng vì thế, Xuân Mạnh chưa thể sống được bằng tranh tĩnh vật tự sáng tác của mình trên thị trường quê hương mà phần nhiều sáng tác của anh phải “xuất ngoại”.

Cũng vì số đông khách hàng chưa coi trọng cảm thụ nghệ thuật hội họa là chính nên các họa sĩ cũng không thể chuyên tâm để vẽ (chép) tranh thật chất lượng. Họ chỉ “dừng lại ở mức độ tương đối, vì nếu đầu tư đúng nghĩa công sức trí tuệ, thì giá tranh phải cao và như thế thì lại không có khách hàng”. Và họ mừng như... nhặt được vàng khi có khách hàng hiểu biết về hội họa. Cả Đình Mười, Công Thông và Xuân Mạnh đều cho biết, đã có những khách hàng sẵn sàng bỏ ra 10 đến 15 triệu đồng đặt vẽ (chép) một bức tranh với yêu cầu “thật chất lượng chứ không như tranh thị trường phổ biến”.

Và các họa sĩ, cũng như tôi, thật sự vui mừng bởi điều đó không chỉ mang lại thu nhập cao cho các họa sĩ, mà đó là dấu hiệu của sự cảm thụ nghệ thuật hội họa, hay nói cách khác là phông văn hóa, tri thức của người dân Đồng Hới-Quảng Bình đang dần được nâng cao.

                                                                  Hữu Thái








 

,