.

Chuyện một ca nương "mê" tiếng đàn đáy

.
18:50, Thứ Bảy, 16/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch) là một trong những vùng đất hiếm hoi của xứ Quảng Bình còn lưu giữ nguyên vẹn “vật báu gia bảo”: ca trù. Từng lời ca tiếng hát, từng tiếng phách chắc giòn và cả tiếng đàn đáy trầm bổng, réo rắt... đã in sâu trong tâm trí của người dân nơi đây từ thuở thiếu thời. Và với ca nương Dương Thị Điểm, nếu mười bốn làn điệu ca trù đã “ngấm” vào máu thịt một phần, thì “mê lực” từ cây đàn đáy cũng chiếm bảy, tám phần.

Tiếng là sinh ra và lớn lên ở vùng đất ca trù, nhưng mãi đến tận năm 2000, khi bước vào tuổi tứ tuần, chị Điểm mới thực sự “bước chân” vào “thế giới mê hoặc” của tiếng phách, tiếng đàn và lời ca liêu trai. Ngay từ tấm bé, chị không nhớ mình đã trốn nhà bao nhiêu lần để cùng chúng bạn ra đình xem hát vào những ngày hội, ngày rằm, lễ Tết.

Thời đó, giọng ca trong, vang đầy cuốn hút của cố nghệ nhân dân gian Phạm Thị Thứu đã làm mê đắm biết bao tâm hồn. Tuổi thơ của chị được nuôi dưỡng bởi cái nôi nghệ thuật dân gian đó. Chị mơ màng kể lại nghe mệ Thứu hát nhiều từ, nhiều ngữ chị không thể hiểu hay luận ra, nhưng không hiểu sao từng câu nhả chữ, từng điệu nhấn nhá và cả tiếng đàn đáy lúc réo rắt, luyến láy, thiết tha, lúc êm đềm, du dương cứ văng vẳng mãi trong tâm trí cô bé lên mười ngày nào.

Bước vào tuổi trưởng thành, nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, gánh nặng gia đình chồng chất khiến niềm đam mê ca trù tạm gác lại. Năm 2000, Câu lạc bộ ca trù Đông Dương đứng ra mở lớp truyền dạy cho thế hệ hậu bối, vẫn còn nỗi e ấp, thẹn thùng, chị không dám tham gia. Sau khi bạn bè rủ rê, lôi kéo và nhất là mạnh dạn hát thử một vài câu hát, chị mới đủ quyết tâm theo học. Và từ đó đến nay, ca trù trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị Điểm. Hơn mười năm học ca trù, chị đã nắm vững mười bốn làn điệu, từ hát nam, hát nói, hát thơ, chầu văn... cho đến hát nam bình, phú nói...

Chị Dương Thị Điểm với cây đàn đáy quen thuộc.
Chị Dương Thị Điểm với cây đàn đáy quen thuộc.

Sau khi đã trở thành một ca nương, “ám ảnh” tiếng đàn đáy ngày nào vẫn còn vương vấn mãi trong lòng chị. Cơ hội đến với chị khi nghệ nhân dân gian Hồ Xuân Thể mở lớp đào tạo đàn đáy để góp phần bảo tồn tiếng đàn đang “lo lắng” không có người nối nghiệp này. Sau nhiều buổi học miệt mài, về nhà lại tự mày mò, say mê học, chị Điểm đã có thể chơi đàn đáy và đệm một số bản như hát phú, hát mở, hát dâng hương dâng hoa, hát mùa cờ, luyện sơn trang... Tiếng đàn, theo chị, vẫn chưa hẳn tròn tiếng, nốt chuyển còn thiếu sự sắc và nhanh, nhưng gửi gắm cả tâm tư, tình cảm của chị vào từng mỗi cung bậc.

Mặc dù theo nguyên tắc ca trù truyền thống, đào nương không được làm “kép” đàn, nhưng trong nhiều trường hợp “bất khả kháng” mỗi khi “kép” chính nghệ nhân dân gian Hồ Xuân Thể không thể tham gia, thì “kép” phụ Dương Thị Điểm hoàn toàn tự tin và thoải mái vừa là “kép” vừa là ca nương. Khách đến nhà, chị tùy hứng vừa gảy đàn, vừa ca làn điệu hát phú yêu thích của mình như món quà đãi tặng khách đường xa:

“Trăm hoa nở mùa xuân nhuần nhã
Cảnh sen hường mùa hạ mới
                                         đơm bông...”

Theo nghệ nhân dân gian Hồ Xuân Thể, học hát ca trù đã khó, nhưng học cách chơi đàn đáy còn khó khăn và vất vả hơn rất nhiều. Riêng với cần đàn khá dài, dây to, gẩy bằng que tre, đòi hỏi lực đẩy mạnh và khéo cũng đã khiến người chơi bối rối, nhất là nữ nhi. Ngoài ra, học đàn đáy khó nhất phải nắm được phách và chơi đàn sao cho hòa quyện với đào nương một cách say mê, thành thục.

Ông Hồ Xuân Thể đánh giá cao tinh thần chịu thương chịu khó, học hỏi tận tâm của “cô học trò nhỏ”. Ông hết lòng tin tưởng sau này, nếu tiếp tục kiên trì tập luyện, tiếng đàn của chị Điểm sẽ ngày càng hay, có “màu” và đi vào lòng người hơn. Ông Trần Thanh Lung, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện Quảng Trạch, khen ngợi sự nỗ lực của ca nương Dương Thị Điểm trong việc học đàn đáy nhằm bảo tồn một nét văn hóa vốn quý của dân tộc và cho biết chị Điểm là một trường hợp ca nương hiếm hoi của ca trù đất Quảng Bình khi vừa biết ca, lại vừa biết gảy đàn đáy.

Cùng CLB ca trù Đông Dương tham gia nhiều hội diễn, liên hoan cấp tỉnh, cấp quốc gia, chị Điểm có cơ hội tiếp cận và học hỏi nhiều nét hay, nét đẹp của ca trù các tỉnh, thành phố bạn như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... Từ đó, những làn điệu hay, những cung đàn điêu luyện được chị sưu tầm, mày mò, làm giàu thêm làn điệu, tiếng đàn quê mình – xem như một hình thức làm phong phú thêm ca trù Đông Dương.

                                                                      Mai Nhân



 

,