.

Chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa

.
14:30, Chủ Nhật, 17/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ mỗi khi tết đến xuân về là các cụ ông trong thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) lại đi chúc Tết các gia đình bằng những câu hát sắc bùa. Hát sắc bùa không có loa máy mà chỉ có trống, một số nhạc cụ truyền thống và những câu chúc ý nghĩa trong mỗi bài hát được lưu truyền qua nhiều thế kỷ đã làm nên một đêm giao thừa đặc biệt của một vùng quê.  

Đêm cuối năm trước, không khí Tết đã tràn ngập trên khắp các nẻo đường quê. Nhà nhà ai nấy đang tất bật sửa soạn cho ngày Tết cổ truyền và chờ đợi giây phút giao thời giữa năm cũ với năm mới.

Đêm đó, tôi quyết định tạm gác mọi công việc để vào thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) xem các cụ cao niên đi hát sắc bùa. Vừa đến cổng chào "Làng văn hóa Ba Nương", tôi đã nghe âm thanh rộn ràng của những loại nhạc cụ truyền thống và thấy một nhóm người mặc áo dài đen, quần trắng và khăn tống quấn trên đầu bước vào một nhà dân. Dừng lại hỏi chuyện, một người dân cho hay: "Đó chính là các cụ cao niên đi hát sắc bùa để chúc Tết đó". Câu chuyện có vẻ lạ này khiến tôi không khỏi tò mò.

Theo chân các cụ, chúng tôi đến nhà anh Đinh Minh Chính, một người dân trong thôn. Khoảng 10 giờ đêm, cổng nhà anh vẫn cài then, cửa đóng kín. Trong gian bếp hắt ra những ánh lửa đỏ hồng ấp áp. Có lẽ, cả nhà anh đang quây quần bên nồi bánh chưng, bánh rò ngày Tết chờ các cụ đến hát sắc bùa và đón giao thừa. Đoàn chúng tôi bước tới ngõ, 6 cụ già râu tóc bạc phơ trong đội hát bỗng dừng lại.

Chúc Tết trong nhà.
Chúc Tết trong nhà.

Rồi ba hồi trống vang lên, làn điệu hát "giáo ngọ" (dạo ngõ) bắt đầu. Đây là những khúc dạo đầu để chủ nhà ra ngõ đón khách và người đi hát nói lên mục đích đến nhà. Khúc dạo ngõ bắt đầu từ những người hát chính (trong đội hát sắc bùa thường có 2 người hát chính để bắt nhịp cho những người còn lại hát theo). "Ngọ này là ngọ kén khách vãng lai/ Đằng trong lớp ngoài, then gài chốt đóng". Sau đó, tiếng các loại nhạc cụ và tiếng hát đồng loạt vang lên: "Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ tiên"...

Dạo ngõ xong, chủ nhà bước ra mở cổng, đội hát lại nổi nhạc lên và hát khúc dạo cổng để chủ nhà mở cổng: "Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết năm mới bước qua/ Tới nhà ông bà tôi xin hát dạo cổng/....Các quan đi đánh, lấy trống cầm đầu/ Chúng tôi sắc bùa, đêm ba mươi Tết/ Cơm lòn (cơm nấu gạo tẻ) gạo nếp, bánh trái bày ra/ Và cả hương hoa, dâng lên tiên tổ"...

Xong khúc dạo cổng, anh Chính mở cổng thành tâm, thành kính mời các cụ vào. Khi chuẩn bị bước vào nhà, các cụ lại có thêm khúc dạo trống nhằm giới thiệu về trống như: lịch sử của trống, chất liệu, ý nghĩa của việc đánh trống... Qua khúc dạo này cho thấy, trống là loại nhạc cụ quan trọng nhất trong hát sắc bùa: gồm có trống con và trống trở (trống trở còn gọi là trống mẹ vì to hơn trống con nhiều lần).

Anh Chính mời khách hát vào nhà, trong nhà gia đình anh đã trải chiếu hoa đợi sẵn. Vợ anh đon đả bày ra dĩa trầu cau, thuốc lá, nước chè xanh và bánh kẹo, hoa quả. Xung quanh chiếu, cả đội hát ngồi cùng với gia đình anh, một vài người hàng xóm và mấy đứa trẻ đi theo. Trước khi hát, người nhà và "đội trưởng" lên thắp hương cho tổ tiên gia chủ. Đứng trước mặt bàn thờ, chủ nhà giới thiệu có khách đến hát sắc bùa chúc Tết, còn người đại diện cho đội hát giới thiệu về mục đích của mình đến đây. Sau những nén tâm nhang thành kính, cả đội tiếp tục cất lên những câu hát chúc mừng gia chủ.  

Hát dạo cổng.
Hát dạo cổng.

"Thơ thơ dạ da, năm cũ đã hết năm mới bước qua/ Chúng tôi chúc cho Táo quân bằng một câu trò/ Người trên cao thông thuộc trần gian/ Người đủ phép trừng trị ma quỷ"... Trong hát sắc bùa, các bài hát trong nhà là nhiều nhất như: bài chúc trò, Táo quân, tổ tiên, gia chủ, con trai, con gái, con dâu, con rể...

Những câu chúc trong bài hát đều thể hiện sự thành kính đối với những người đi trước, mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với những người còn sống và hậu thế mai sau. Ngoài ra còn có bài hát của người đi lính, hát mừng nhà mới, hát chúc cho những con vật nuôi trong nhà, hát kể tháng. Hát kể tháng nhằm đúc rút về những vấn đề thời tiết, những kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Mỗi tháng một kinh nghiệm khác nhau giúp gia chủ và tất cả mọi người tránh được những điều xấu, bất trắc, thiên tai để hướng tới những điều tốt đẹp.

Ông Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian người Nguồn cho biết: "Hát sắc bùa của người Nguồn ở Minh Hóa có từ thời Hậu Lê. Ngày mới ra đời, loại hình nghệ thuật này thường được hát trong cung đình để phục vụ cho tầng lớp vua chúa. Sau đó, được nhiều người dân biết hát và truyền ra ngoài, đến với nhiều địa phương trong cả nước. Đến mỗi nơi, sắc bùa lại có một dị bản riêng phù hợp với vùng miền, con người, phong tục tập quán. Một nét riêng biệt của hát sắc bùa ở thôn Ba Nương là chỉ có các cụ ông chứ không có cụ bà...". Hát sắc bùa chúc Tết có tất cả 32 bài. Các bài hát không có giới hạn về độ dài ngắn, không quy định số chữ trong một câu hát...".

Nhiều thế kỷ trôi qua, hát sắc bùa của người Nguồn Minh Hóa vẫn được lưu giữ và phát huy. Các cụ cao niên của thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa thường ngồi lại với nhau hát những lúc rảnh rỗi hay trong các dịp công diễn. Để lưu giữ và phát triển những làn điệu dân ca Minh Hóa, Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Minh Hóa đã mở một câu lạc bộ đàn hát dân ca Minh Hóa.

Năm 2012, Hội Di sản huyện Minh Hóa đã tổ chức hội thi hát dân ca bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của người dân Minh Hóa, các cụ thôn Ba Nương đã giành giải nhất với tiết mục hát sắc bùa. Một số trường học trên địa bàn huyện cũng đang đưa những làn điệu dân ca người Nguồn, trong đó có hát sắc bùa vào dạy. Nhờ đó mà những làn điệu dân ca người Nguồn được lưu giữ và phát triển.

                                                        Đinh Xuân Vương



 

,