.

Đưa thông tin đến với đồng bào dân tộc thiểu số

.
14:44, Thứ Ba, 06/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp, ngành ở Quảng Bình triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực. Một trong những chính sách đang được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực là Chương trình giảm nghèo thông tin, đưa thông tin đến với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
 
Xóa đói giảm nghèo, thông tin đi trước

Trước đây, gia đình anh Hồ Văn Thiết (SN 1982), người Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều khác ở xã Trường Sơn, cuộc sống của gia đình anh Thiết chủ yếu dựa vào việc khai thác rừng trái phép để đắp đổi qua ngày. Cái khó, cái nghèo cứ thế bám riết lấy gia đình anh.

Gia đình anh Thiết nghèo bởi nhiều nguyên nhân nhưng chung quy lại cũng vì anh chưa biết cách làm ăn, không biết cách trồng cây, không biết cách nuôi con bò, con heo đúng cách để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thế nhưng, những năm gần đây, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, qua sách, báo và các phương tiện thông tin truyền thông khác, anh Thiết đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích từ các mô hình kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Từ đó, gia đình anh đã áp dụng vào sản xuất, cải thiện cuộc sống, từng bước thoát khỏi cái nghèo đeo bám lâu nay. 

“Ngày xưa chỉ biết phát nương làm rẫy, chăn nuôi theo kinh nghiệm, giờ học được con chữ, lại có sách, báo, tivi để đọc, để xem và tìm hiểu, gia đình miềng đã biết trồng cái rừng, chăn nuôi con bò, con lợn làm sao cho năng suất, chất lượng và còn biết nhiều cái hay khác để áp dụng vào cuộc sống”, anh Thiết chia sẻ.

Hầu hết các bản làng ..
Hầu hết các bản làng vùng đồng bào DTTS trong toàn tỉnh đã được xem truyền hình
Cũng như gia đình anh Thiết, nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều khác ở xã Trường Sơn bây giờ đã không còn đi phá rừng trái phép nữa mà đã biết trồng rừng kinh tế, làm giàu vốn rừng và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất các cây, con phù hợp. Nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu như gia đình ông Trần Văn Phúc ở bản Khe Cát, bà Hồ Thị Con ở bản Bến Đường, ông Hồ Râng ở bản Hôi Rấy…
 
Ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận xã Trường Sơn (Quảng Ninh) cho biết, để đạt được những kết quả như trên, thời gian qua, ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, việc đưa thông tin về với đồng bào DTTS đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhờ những kênh thông tin qua sách báo, tivi, đài truyền thanh, thông tin lưu động... mà bà con đã tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm làm ăn, gương người tốt việc tốt và đặc biệt là những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước…
 
Từ đó, đồng bào DTTS ở xã Trường Sơn đã hăng hái nhận đất khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng, nuôi trồng những cây con phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Với cương vị là Chủ tịch Mặt trận xã, thường xuyên tiếp xúc với bà con, vì vậy, ngoài việc trực tiếp vận động bà con lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, bản thân tôi cũng thường xuyên cập nhật, nắm bắt tin tức, kinh nghiệm làm ăn từ báo, đài, mạng Internet… để chia sẻ với bà con ở các bản trong xã. Tôi vẫn thường nói với bà con rằng, muốn xóa đói giảm nghèo, phải nắm bắt được thông tin, thông tin phải đi trước một bước!”, ông Tráng chia sẻ.
 
Nỗ lực “giảm nghèo thông tin”
 
Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương ở Quảng Bình luôn xác định công tác đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo.
 
Thực hiện Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, mỗi năm, tỉnh Quảng Bình đã cấp phát trên 20 đầu báo, tạp chí đến đối tượng thụ hưởng theo quy định. Công tác cấp phát báo, tạp chí được tổ chức thực hiện có hiệu quả, đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như nhiều thông tin chính thống, quan trọng khác đến với người dân kịp thời, chính xác nhất. 

Bưu điện Quảng Bình cho biết, mỗi ngày, bưu điện thực hiện việc chuyển phát trên 1.000 tờ báo, tạp chí đến tay các đối tượng thụ hưởng. Các đầu báo như Báo Quảng Bình, Báo Nhân Dân, Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), Báo Dân tộc và phát triển, Báo Đại đoàn kết, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Nông Nghiệp Việt Nam, Báo Sức khỏe & Đời sống, Báo Phụ nữ…được chuyển đến ngay trong ngày với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, gần gũi với cuộc sống của bà con.

Từ các ấn phẩm báo chí, người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đã tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích, nhiều kinh nghiệm áp dụng vào cuộc sống, sản xuất, nâng cao hiểu biết, cùng thi đua thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gia đình văn hóa…

Nhờ
Nhờ các kênh thông tin, sách báo, đồng bào các DTTS ở tỉnh ta đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, phát triển kinh tế

Ngoài các ấn phẩm báo chí, những kênh thông tin khác như: các hội nghị, nói chuyện trực tiếp, loa truyền thanh cơ sở, tivi, panô, áp phích, tờ rơi, v.v… cũng được các cấp, các ngành và địa phương ở Quảng Bình chú trọng triển khai thực hiện, góp phần đưa thông tin kịp thời, chính xác và hiệu quả nhất về cơ sở, vùng đồng bào DTTS.

Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về mặt thông tin truyền thông, trong thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Quảng Bình đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng trong việc “giảm nghèo thông tin”, đưa thông tin về cơ sở. 
 
Trong thời gian qua, Sở TT-TT đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình triển khai có hiệu quả công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới, vùng biển giai đoạn 2011-2016. Hai cơ quan đã thực hiện hàng nghìn tin, bài, phóng sự tuyên truyền về biên giới, vùng biển, phổ biến kiến thức về sản xuất nông nghiệp đăng trên mục “An ninh - Quốc phòng” của Báo Quảng Bình và phát trên sóng của Đài PT-TH tỉnh; in trên 200 đĩa tuyên truyền phát cho các Đồn Biên phòng tuyến núi, xã biên giới để phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Trên 3.000 tờ gấp tuyên truyền phổ biến về Luật Biên giới quốc gia và một số Nghị định của Chính phủ liên quan đến biên giới quốc gia trên đất liền cũng đã được sản xuất và phát hành. Nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại cho cán bộ, chiến sỹ BĐBP trên 2 tuyến biên giới được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân ở khu vực biên giới, vùng biển về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015, Sở TT-TT đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho 253 cán bộ Thông tin và Truyền thông cơ sở; thiết lập mới 19 Đài truyền thanh không dây cho 14 xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp nhận, sản xuất hàng ngàn ấn phẩm báo chí, tài liệu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới quốc gia và phục vụ đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… 
 
Hiện nay, Sở TT-TT đang tích cực triển khai thực dự án truyền thông về “Giảm nghèo thông tin” theo Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoan 2016-2020. Ðến thời điểm này, những thông tin như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hợp lý, những gương điển hình về giảm nghèo thành công, hướng dẫn ứng dụng khoa học tiến bộ trong sản xuất kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững… vẫn đều đặn được chuyển tải đến người dân trong tỉnh, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững; vươn lên làm giàu và bảo tồn văn hóa truyền thống…
Phan Phương
,