.

"Người dân đang chấp nhận sống chung với tham nhũng"

Thứ Năm, 14/04/2016, 10:36 [GMT+7]

Theo ông Đặng Ngọc Dĩnh, một hiện tượng đáng lo ngại từ kết quả PAPI năm nay là người dân đang có xu hướng chấp nhận và sống chung với tham nhũng.


Nếu nhìn thẳng vào mối quan hệ giữa chính quyền và người dân thì người dân là những người đóng thuế để nuôi chính quyền, còn chính quyền được lập ra để cung cấp các dịch vụ công cho người dân. Nếu nhìn từ góc độ dịch vụ thị trường công, người mua có quyền chấm điểm cho người bán dù họ không hoàn toàn có quyền được chọn người bán. Đó cũng chính là ý nghĩa của chỉ số PAPI đo lường chất lượng dịch vụ công của chính quyền, trên cơ sở thăm dò ý kiến của 14.000 người dân tại 63 tỉnh, thành phố. Người dân được hỏi ý kiến ở 6 lĩnh vực gồm: Công khai, minh bạch; Kiểm soát tham nhũng; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình, Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công.

Theo đó, kết quả của PAPI 2015 cho thấy Hà Tĩnh, Nam Định, Đà Nẵng nằm trong nhóm tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI cao nhất. Nhóm cuối bảng vẫn là những cái tên thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên như Hà Giang, Lai Châu, Đắc Lắc... Bên cạnh đó, kết quả PAPI năm 2015 còn cho thấy có sự suy giảm ở 5 trong 6 chỉ số nội dung PAPI đo lường đó là: Công khai, minh bạch; Kiểm soát tham nhũng; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Trách nhiệm giải trình và Thủ tục hành chính công. Chỉ số nội dung duy nhất có dấu hiệu tích cực là Cung ứng dịch vụ công, nhưng với số điểm tăng không đáng kể.

Theo ông Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, khó lý giải được nguyên nhân dẫn tới các chỉ số nội dung PAPI năm nay giảm. Tuy nhiên, một hiện tượng rất đáng lo ngại là người dân đang có xu hướng chấp nhận và sống chung với tham nhũng. Kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy người dân sẽ lên tiếng phản đối nếu như đòi lót tay từ 3 – 5 triệu đồng, nhưng năm nay, những người khảo sát sẽ chỉ lên tiếng nếu bị đòi lót tay từ 25 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, một nửa người dân được hỏi trong cuộc khảo sát năm nay đã trả lời phải đưa lót tay để xin vào cơ quan Nhà nước. Tình trạng lót tay, bồi dưỡng ngoài quy định của Nhà nước cũng xảy ra khi người dân khám chữa bệnh, xin giấy phép xây dựng, xin cấp sổ đỏ hay xin học...

"Người dân đang chấp nhận tham nhũng giống như chấp nhận rác thải, kẹt đường... vậy" - ông Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng nhận định.

Theo VTV