Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Dịch vụ trả thẻ căn cước công dân qua hệ thống bưu điện: Vì sao người dân phàn nàn?

  • 06:45 | Thứ Năm, 03/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, việc trả thẻ căn cước công dân (CCCD) tại nhà thông qua hệ thống bưu điện trên địa bàn tỉnh nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại nảy sinh một số vấn đề khiến dư luận thắc mắc như thời gian nhận thẻ CCCD chậm, CCCD đến không đúng địa chỉ, thậm chí đã đóng lệ phí dịch vụ chuyển phát nhưng phải tự đến cơ quan Công an để nhận.
 
Dân phàn nàn
 
Anh Hồ Văn S. (SN 1992) trú tại thôn 3, xã Phúc Trạch (Bố Trạch) phản ánh với phóng viên: “Trong quá trình làm thẻ CCCD, được sự tư vấn của nhân viên bưu điện nên tôi cùng với nhiều người dân trong thôn đăng ký dịch vụ giao nhận thẻ tại nhà với lệ phí 30.000 đồng. Địa chỉ người dân chúng tôi cung cấp đầy đủ, rõ ràng thế nhưng chờ mãi mà không thấy thẻ CCCD đâu. Qua hơn 3 tháng, tôi tìm hiểu mới biết thẻ CCCD đã được bưu điện chuyển về thôn. Sau đó trưởng thôn thông báo, bà con mới đến nhận. Điều tôi và nhiều người dân trong thôn thắc mắc là tại sao nhân viên bưu điện không làm tròn trách nhiệm giao thẻ CCCD đến đúng địa chỉ như cam kết”.
 
Chị Nghiêm Thị H. ở TDP 4, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho biết: “Khi cơ quan Công an triển khai làm thẻ CCCD tại phường, gia đình tôi có 3 người cùng làm một thời điểm gồm mẹ, chồng và tôi; cùng đăng ký dịch vụ trả thẻ CCCD qua bưu điện. Thế nhưng, khi trả thì chỉ có thẻ CCCD của mẹ và chồng còn tôi không có. Thắc mắc thì phía nhân viên bưu điện không giải thích rõ nguyên nhân. Chờ mãi không được, tôi về cơ quan Công an tìm hiểu và thấy thẻ CCCD mình đang ở đó nên tự nhận luôn”.
Người dân vẫn phàn nàn về dịch vụ trả thẻ CCCD qua hệ thống bưu điện.
Người dân vẫn phàn nàn về dịch vụ trả thẻ CCCD qua hệ thống bưu điện.
Trường hợp của anh Trần Minh V. trú tại TDP 2, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hơi) khá “hy hữu”. Khi cơ quan Công an triển khai làm thẻ CCCD tại đơn vị anh đang công tác, biết được việc trả thẻ CCCD qua dịch vụ bưu điện đem lại thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, anh và rất nhiều cán bộ, nhân viên đăng ký và nộp lệ phí dịch vụ cho nhân viên bưu điện. Chờ mãi... trong lúc những người làm thẻ CCCD cùng thời điểm đều đã nhận, riêng thẻ CCCD của mình không thấy đâu. Sau một quá trình dò hỏi, kết quả thẻ CCCD mang tên Trần Minh V. đang ở tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
 
Bưu điện nói gì?
 
Phóng viên mang những thắc mắc của người dân đến Bưu điện tỉnh, ông Nguyễn Quang Phúc, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho hay: “Quá trình triển khai làm thẻ CCCD cho người dân trong phạm vi toàn tỉnh, giữa cơ quan Công an và hệ thống bưu điện phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau nhằm tạo thuận lợi cho bà con, nhất là đồng bào ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại khó khăn. Công dân chỉ cần đến cơ quan Công an một lần duy nhất làm thủ tục, chụp ảnh, lăn tay, xác định nhận dạng,… Sau khi hoàn tất các thủ tục, mang giấy hẹn đến bàn nhân viên bưu điện ngay tại nơi cấp thẻ để đăng ký thông tin, địa chỉ thực hiện dịch vụ giao nhận thẻ CCCD tại nơi cư trú. Sau khi có thẻ CCCD từ cơ quan Công an, bưu điện có trách nhiệm chuyển phát đến tận tay người dân theo địa chỉ đăng ký. Nhờ sự tiện ích này mà quá trình triển khai làm thẻ CCCD thời gian qua có trên 60% công dân đăng ký dịch vụ giao nhận thẻ qua hệ thống bưu điện”.
 
Bà Phạm Thị Ngọc Hương, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết thêm: “Đến thời điểm này, hệ thống bưu điện đã cấp phát trên 300.000 thẻ CCCD mà người dân đăng ký chuyển phát qua hệ thống bưu điện, chiếm tỷ lệ  hơn 80%, chỉ còn khoảng 4.000 thẻ CCCD người dân đăng ký dịch vụ nhưng chưa về đến tại bưu điện”.
 
Về những nội dung mà người dân phàn nàn, bà Phạm Thị Ngọc Hương thừa nhận: “Chủ trương tổ chức dịch vụ chuyển phát thẻ CCCD đến tận tay công dân được đại đa số người dân đồng tình. Và thực tế, toàn hệ thống bưu điện vào cuộc rất rốt ráo, tỷ lệ phát đạt hơn 80% cho thấy điều này. Tuy nhiên ở cơ sở, một vài địa phương có cách thức triển khai chưa thực sự phù hợp, còn thiếu sót dẫn đến việc người dân chưa hài lòng, chúng tôi sẽ tiếp thu và chấn chỉnh. Trường hợp thẻ CCCD giao cho trưởng thôn, tiểu khu trưởng hay chính quyền cấp xã nhờ phát hộ, có thể vào thời điểm đó toàn tỉnh đang thực hiện quyết liệt giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 nên việc đi lại bị hạn chế. Trưởng thôn, tiểu khu trưởng được giao phát thẻ CCCD là cộng tác viên của bưu điện”.
 
Sẽ trả lại tiền cho người dân
 
Bà Phạm Thị Ngọc Hương khẳng định “Bưu điện sẽ trả lại số tiền mà người dân đóng lệ phí đăng ký chuyển phát thẻ CCCD nhưng vì nguyên nhân nào đó mà không thực hiện được. Để được trả lại tiền, người dân mang theo biên lai đóng lệ phí đến gặp nhân viên bưu điện, bưu cục gần nhất. Nhân viên bưu điện sẽ tiến hành đối chiếu với phía công an, sau khi khớp danh sách sẽ tiến hành hoàn trả tiền"
Thanh Long

tin liên quan

"Bỗng dưng" mất đất!

(QBĐT) - Vợ chồng ông Lê Bá Tuấn (đã mất), Từ Thị Choài (SN 1964) sinh sống tại thôn Phước Vinh, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) trên mảnh đất tự tay mình khai hoang năm 1985, được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) một phần diện tích. Phần còn lại ông bà (và các con sau này) canh tác ổn định, không có tranh chấp, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm đầy đủ. Tháng 4-2021, bà Choài và các con phát hiện ra phần diện tích đang canh tác ổn định này đã bị cấp cho người khác… từ năm 1996!

Tự ý chặt phá cây trồng khi chủ nhà đi vắng?

(QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của ông Trần Tiến Hiệp, thôn 11, xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) phản ánh về việc hơn 800m2 đất của gia đình ông trồng cây hoa màu phục vụ chăn nuôi bị người khác tự ý chặt phá, xâm hại.

Quảng Ninh: Chấn chỉnh yếu kém trong quản lý đất đai tại xã Gia Ninh

(QBĐT) - Xã Gia Ninh (Quảng Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.851ha. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai tại địa bàn xã có nhiều chuyển biến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, quá trình quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.