Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Công nhân khốn đốn vì bị công ty "treo" bảo hiểm

  • 09:31 | Thứ Tư, 20/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều năm liền không được đóng bảo hiểm, hàng trăm cán bộ, công nhân đang bị tước đoạt quyền lợi của người lao động và lâm vào cảnh khốn khó. Đó là thực trạng đáng lo ngại tại Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch) thuộc Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1. Điều đáng nói, dù không được hưởng các quyền lợi theo quy định nhưng người lao động vẫn bị trừ tiền lương đều đặn hàng tháng từ năm 2014 đến nay.
 
Công nhân khốn đốn 
 
Theo phản ánh của các công nhân Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11, suốt nhiều năm liền, họ bị Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 "treo" bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)... và lâm vào cảnh khốn đốn vì không được hưởng các quyền lợi hợp pháp của người lao động về các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí... 
Công nhân Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco11 trình bày bức xúc trước tình trạng bị công ty
Công nhân Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco11 trình bày bức xúc trước tình trạng bị công ty
Năm 2015, chị Đoàn Thị Kim Tiền, công nhân nhà máy nghỉ sinh theo quy định. Đến nay, con đã 5 tuổi nhưng chị vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản cũng chỉ vì tiền bảo hiểm mới được đóng đến cuối năm 2014. Sau khi hết thời gian nghỉ sinh, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên số tiền bảo hiểm hưởng theo quy định rất cần thiết nhưng mãi đến nay vẫn chưa nhận được.
 
Tình trạng bị nợ bảo hiểm trong thời gian dài khiến người lao động tại Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 rất bức xúc. Nhiều người lâm vào cảnh "đi không được, ở không xong". Anh Nguyễn Ngọc Tranh (SN 1972), công nhân xưởng cơ điện tại chi nhánh nhà máy từ năm 1997 đến năm 2000 được tham gia đóng bảo hiểm. Đầu năm nay, anh ốm nặng đi khám tại bệnh viện nhưng toàn bộ chi phí phải bỏ tiền túi thay vì được hỗ trợ bảo hiểm. 
  
Tin nhắn của cơ quan bảo hiểm qua điện thoại của công nhân thể hiện bị chậm nộp bảo hiểm từ năm 2014.
Tin nhắn của cơ quan bảo hiểm qua điện thoại của công nhân thể hiện bị chậm nộp bảo hiểm từ năm 2014.

Anh Tranh chia sẻ, công ty nợ tiền bảo hiểm của người lao động, cực chẳng đã mà phải tiếp tục gắn bó, bởi nếu nghỉ việc ở đây để tìm việc mới thì số tiền bảo hiểm từ năm 2014 đến nay ai trả để mình tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Cũng đồng cảnh ngộ như anh Tranh, anh Đinh Trung Sơn, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 cho biết, năm 2015 anh nghỉ việc nhưng đến nay vẫn chưa "chốt" được sổ bảo hiểm để làm thủ tục chuyển bảo hiểm ở chỗ làm mới. 

Không chỉ những công nhân đang làm việc, nhiều người đã chuyển công tác, nghỉ mất sức, nghỉ hưu hơn 5 năm nay vẫn mòn mỏi chờ từng ngày được "chốt" sổ bảo hiểm...
 
Đầu tháng 2-2020, ông Ngô Duy Bình (SN 1960), sau hơn 20 năm làm việc tại Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 đến tuổi nghỉ hưu. Thế nhưng, quyết định nghỉ hưu thì có nhưng sổ bảo hiểm vẫn chưa "chốt" được vì còn nợ tiền phí từ năm 2014 đến nay. Sau nhiều lần lên xuống thắc mắc với giám đốc chi nhánh, ông Bình cũng chỉ nhận được câu trả lời "chờ công ty xử lý".
 
Ông Bình tâm sự: "Làm công nhân trên 20 năm, bây giờ sức khỏe ngày càng đi xuống chỉ trông nhờ vào cái sổ bảo hiểm để lo tuổi già, nhưng không biết phải chờ đến lúc nào mới có"...
 
Công ty "quỵt" tiền bảo hiểm?
 
Ông Hoàng Thái Tôn, Chủ tịch công đoàn Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 cho biết, nhà máy hiện có hơn 100 công nhân. Từ tháng 4-2014 đến nay, hầu hết công nhân trong nhà máy đều không được đóng tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, hàng tháng đều bị khấu trừ 10,5% vào tiền lương theo quy định để đóng bảo hiểm.
 
Theo phản ánh của những công nhân đang làm việc ở nhà máy, tháng 2-2018, khi được phát sổ bảo hiểm để giữ và theo dõi quá trình tham gia bảo hiểm của cá nhân thì họ mới" tá hỏa" khi phát hiện công ty không đóng bảo hiểm từ tháng 4-2014. Từ đó đến nay, tập thể công nhân của nhà máy đã 3 lần gửi đơn khiếu nại lên lãnh đạo công ty và các cơ quan chức năng liên quan. 
 
Theo số liệu trong quyết định giải quyết khiếu nại ngày 21-11-2019 của BHXH tỉnh, từ tháng 1 đến tháng 9-2019, Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 đã nộp đủ số tiền bảo hiểm theo quy định. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 4-2014 đến tháng 12-2018, Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 đã trích của người lao động tại Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11 với số tiền gần 3 tỷ đồng, nhưng con số thực nộp cho cơ quan bảo hiểm chỉ là hơn 2,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền bảo hiểm mà đơn vị này phải nộp là hơn 9,1 tỷ đồng. Như vậy, chưa kể số tiền của chủ sử dụng lao động phải nộp theo luật định, chỉ tính riêng số tiền trích từ tiền lương hàng tháng của công nhân đã lớn hơn con số thực nộp của công ty này cho cơ quan bảo hiểm.
Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11, nơi có rất nhiều công nhân bị nợ bảo hiểm kéo dài.
Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11, nơi có rất nhiều công nhân bị nợ bảo hiểm kéo dài.
Cũng theo phản ánh của công nhân Chi nhánh Nhà máy xi măng Cosevco 11, giai đoạn 2013-2018, báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị này luôn rất khả quan nhưng không hiểu sao việc chậm nộp tiền bảo hiểm của công nhân lại kéo dài suốt nhiều năm? 
 
Liên quan đến sự việc, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, năm 2015, Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 đã bị thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xử phạt vì chậm nộp tiền bảo hiểm. Sau đó, cơ quan BHXH tỉnh đã khởi kiện công ty này nhưng hầu hết tài sản, vật tư đều đang thế chấp ở ngân hàng nên chưa thể thi hành án. Những lần làm việc sau đó, đại diện phía công ty này đều cam kết sẽ trả nợ tiền bảo hiểm và các khoản phát sinh phải đóng hàng tháng đầy đủ, đúng thời gian quy định.
 
Tuy nhiên, trên thực tế số tiền nợ bảo hiểm của Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 (của công nhân Chi nhánh Nhà máy xi măng) càng lớn dần theo thời gian. Nếu như cuối năm 2014, số nợ khoảng 2,5 tỷ đồng thì đến hết năm 2019, con số này đã lên đến hơn 11,7 tỷ đồng...
X.Phú