Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Lắt léo" bảo hiểm tàu cá-Bài 2: Lao đao theo hầu Tòa đòi tiền bảo hiểm

  • 09:21 | Thứ Sáu, 18/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Kiện ra Tòa là con đường duy nhất để ngư dân đòi các công ty bảo hiểm (BH) bồi thường thiệt hại, đúng như các cam kết đã thỏa thuận. Thế nhưng, “đáo tụng đình” chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho ngư dân hay ngư dân vẫn phải “tự bơi”, mỗi khi xảy những biến cố bất lợi?

Thắng kiện vẫn chưa được bồi thường

Những tưởng sau phán quyết của Tòa án, quyền lợi BH của mình sẽ được công ty BH giải quyết, thế nhưng cho đến giờ đây anh Phạm Ngọc Cường ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) vẫn phải lao đao theo hầu Tòa. Ngày 8-1-2018, tàu đánh cá mang số hiệu QB-93192-TS của anh Cường đang trên đường vào bờ, cách cửa Gianh khoảng 10 hải lý thì bị tàu hàng Hùng Khánh 86 (Hải Phòng) đâm chìm.

Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng BH của anh Phạm Ngọc Cường.
Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng BH của anh Phạm Ngọc Cường.

Sau đó, tàu hàng Hùng Khánh 86 đã thỏa thuận bồi thường số tiền hơn 1,2 tỷ đồng thiệt hại về ngư lưới cụ và số hải sản trên tàu. Đồng thời, anh Cường đã báo cho Công ty BH Bảo Việt Quảng Bình (gọi tắt là Công ty Bảo Việt) để được bồi thường BH, thế nhưng Công ty Bảo Việt chỉ chấp nhận bồi thường BH thuyền viên, còn từ chối bồi thường BH thân tàu, với lý do BH thân tàu của anh đã hết hiệu lực vì tiền phí BH kỳ 2 chưa đóng.

Anh Cường cho biết, ngày 5-9-2017, anh mua lại con tàu nói trên của anh Phạm Ngọc Hoàng (anh trai của anh Cường-PV), với giá 3 tỷ đồng (có hợp đồng chuyển nhượng). Trước đó, con tàu này đã được anh Hoàng mua BH của Công ty Bảo Việt, giá trị 3 tỷ đồng. Thời hạn BH từ ngày 22-6-2017 đến ngày 22-6-2018.

Anh Hoàng đã hoàn thành việc đóng phí kỳ 1 (Phí BH được thanh toán thành 2 kỳ/năm). Sau khi con tàu được chuyển nhượng lại cho anh Cường, Chi cục Thủy sản đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá mới cho anh, nhưng vẫn giữ nguyên số hiệu tàu.

>> Bài 1: Công ty bảo hiểm có "đánh bùn sang ao?!

Ngày 20-9-2017, Công ty Bảo Việt cũng đã cấp cho anh GCNBHTC số 363. Hiệu lực BH bắt đầu từ 8 giờ ngày 21-6-2017 đến 8 giờ ngày 21-6-2018, với tổng phí BH là 93.150.000đ. Số tiền BH thân tàu là 3 tỷ đồng.

“Thế nhưng Công ty Bảo Việt đưa ra lý do BH thân tàu của tôi đã hết hiệu lực vì phí BH kỳ 2 chưa đóng là hoàn toàn vô lý. Bởi, kể từ khi nhận chuyển nhượng tàu và được Công ty Bảo Việt cấp GCNBHTC mới, tôi chưa hề nhận được thông báo thu phí BH tàu cá của công ty.

Sau này, khi tôi làm các thủ tục yêu cầu bồi thường BH, Công ty Bảo Việt mới xuất trình 2 văn bản, ký cùng một ngày, đó là thông báo số 528 ngày 11-12-2018 về việc thu phí BH kỳ 2 và thông báo số 523 ngày 11-12-2018 về việc chấm dứt hiệu lực BH tàu cá với anh Phạm Ngọc Hoàng. Điều đáng nói, 2 thông báo này được Công ty Bảo Việt ký cách thời điểm hợp đồng BH hết thời hạn đến gần 6 tháng và người nhận là anh Hoàng, chứ không phải là tôi”, Anh Cường bức xúc.

Ngược lại, Công ty Bảo Việt không chấp nhận bồi thường, với lý do anh Hoàng không đóng phí BH kỳ 2. Vì vậy, hợp đồng BH đã chấm dứt hiệu lực từ 0 giờ 00 phút ngày 23-12-2017. Về GCNBHTC số 363 ngày 20-9-2017 mà Công ty Bảo Việt cấp cho anh Cường, công ty này cho rằng, do anh Hoàng không có văn bản thông báo cho Công ty Bảo Việt Quảng Bình biết, vì vậy, việc chuyển nhượng này không có hiệu lực.

Việc cấp GCNBHTC số 363 ngày 20-9-2017 cho anh Cường là do đại lý BH của Bảo Việt Quảng Bình lấy giấy chứng nhận BH có sẵn chữ ký, đóng dấu của công ty, tự ý làm mà không báo cáo xin ý kiến công ty, nên không thể coi GCNBHTC này là điều kiện để được bồi thường BH. Sau một thời gian chờ đợi, để đòi lại các quyền lợi BH chính đáng của mình, anh Cường đã khởi kiện Tổng Công ty Bảo Việt ra Tòa.

Ngày 16-4-2018, Tòa án nhân dân TP.Đồng Hới đã quyết định, buộc Tổng công ty BH Bảo Việt phải trả số tiền BH tàu cá 3 tỷ đồng và khoản tiền lãi trả chậm 360 triệu đồng kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền BH cho anh Phạm Ngọc Cường. Tuy nhiên, Công ty Bảo Việt không chấp nhận quyết định của bản án sơ thẩm, mà kháng cáo lên tòa phúc thẩm với nội dung không chấp nhận bồi thường thiệt hại cho anh Cường.

Nhiều ngư dân chịu thiệt thòi

Qua sự việc trên, câu hỏi đặt ra ở đây là: Ai sẽ điều chỉnh, giám sát hoạt động kinh doanh và thẩm định nội dung các hợp đồng BH, để bảo vệ quyền lợi cho ngư dân? Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, qua những thông tin chúng tôi nắm bắt được, trong những năm gần đây, có rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân bị tai nạn, rủi ro, bị các công ty BH từ chối chi trả bồi thường.

Trong số đó, mặc dù có nhiều trường hợp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cam kết với công ty BH, nhưng sau khi xảy ra sự cố, ngư dân vẫn bị các công ty BH từ chối. Có một thực tế là dường như, các công ty BH chỉ tập trung vào việc làm thế nào để khai thác được thật nhiều hợp đồng BH, nhưng họ chưa thật sự làm hết nghĩa vụ và trách nhiệm với khách hàng của mình.

Những bản hợp đồng với những quy định “lắt léo”, cùng sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh BH và sự thiếu hiểu biết của ngư dân đã “làm khó” ngư dân.
Những bản hợp đồng với những quy định “lắt léo”, cùng sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh BH và sự thiếu hiểu biết của ngư dân đã “làm khó” ngư dân.

Ông Linh còn cho rằng, nội dung các hợp đồng BH do các công ty BH đưa ra hiện nay còn rất chung chung, mông lung, không rõ ràng, gây khó hiểu cho người dân. Và người gánh chịu thiệt thòi, thậm chí trắng tay sau các rủi ro không ai khác chính là ngư dân. Ông Lê Ngọc Linh cho biết: “Chi cục Thủy sản không có chức năng kiểm soát hoạt động này và không có thẩm quyền để thẩm định các nội dung trong các hợp đồng BH”.  

Rõ ràng, chính vì thiếu công khai, minh bạch, chính những quy định “lắt léo” trong các hợp đồng, cùng sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh BH đã “làm khó” và đẩy ngư dân bị nạn vào cảnh “tay trắng”. Dĩ nhiên, đặt ra những điều kiện ràng buộc nhằm vạch ra những giới hạn BH, để tránh những rủi ro trong kinh doanh BH là điều cần thiết, nhưng nó không phải là cái cớ để “đánh bùn sang ao” và bội tín trong kinh doanh.

Liệu rằng, rồi đây ngư dân có còn thực sự tin tưởng vào những chiếc “phao cứu sinh” này, trong khi chủ trương của Chính phủ khuyến khích, vận động ngư dân mua BH tàu cá? Thêm một câu hỏi đặt ra ở đây nữa là, ai sẽ điều chỉnh và chấn chỉnh các mối quan hệ dân sự này để bảo vệ ngư dân? Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan như thế nào hay ngư dân vẫn phải tiếp tục “tự bơi”? Đó là những câu hỏi khẩn thiết cần được các cơ quan chức năng hướng dẫn cho ngư dân.

Liên hệ và phản ánh vấn đề nêu trên với một lãnh đạo của Hiệp hội Thủy sản tỉnh, chúng tôi được vị lãnh đạo này trả lời, Hiệp hội chưa nhận được thông tin phản ánh nào và sẽ cho kiểm tra lại, để có biện pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.

Dương Công Hợp