.

Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của nhà xe Hưng Long có hợp pháp?!

.
08:53, Thứ Hai, 22/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Báo Quảng Bình liên tiếp nhận được nhiều đơn thư, ý kiến phản ánh về việc nhiều nhà xe giường nằm chạy tuyến Quảng Bình-Hà Nội xảy ra sai phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, có dấu hiệu của hành vi trốn thuế, gây mất trật tự an toàn giao thông và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách hợp pháp trên địa bàn. Điển hình cho hàng loạt sai phạm gây bức xúc trong dư luận thời gian vừa qua là Chi nhánh Công ty Cổ phần vận tải (CPVT) du lịch Hưng Long tại Quảng Bình (còn gọi là nhà xe Hưng Long) thuộc Công ty CPVT du lịch Hưng Long (trụ sở tại Hà Nội).

* Bài 1: Có hay không việc trá hình xe khách, né thuế?

Được biết, nhà xe Hưng Long được Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô số 138/GPKDVT-L3, ngày 9-2-2018, với 3 loại hình kinh doanh: Vận chuyển hành khách theo hợp đồng; vận chuyển hành khách du lịch và vận chuyển hành khách theo tuyến cố định.

Công văn xác nhận việc nhà xe Hưng Long không đăng ký khai thác tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhưng vẫn có hoạt động bán vé.
Công văn xác nhận việc nhà xe Hưng Long không đăng ký khai thác tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhưng vẫn có hoạt động bán vé.

Riêng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định mặc dù được cấp phép, nhưng nhà xe Hưng Long không đăng ký khai thác loại hình kinh doanh này (tại công văn trả lời đơn kiến nghị số 1884/SGTVT-QLVT, ngày 30-7-2018, của Sở GTVT Quảng Bình khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại (tháng 7-2018) Công ty CPVT du lịch Hưng Long và Chi nhánh Công ty CPVT du lịch Hưng Long tại Quảng Bình không đăng ký khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nào có điểm đi hoặc đến tại các bến xe trên địa bàn tỉnh Quảng Bình).

Điều này đồng nghĩa với việc nhà xe Hưng Long không được tổ chức bán vé và không được hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà xe Hưng Long thành lập và kết hợp với Công ty TNHH Du lịch 388 (trụ sở tại Hà Nội) để xin giấy phép hoạt động vận tải theo hợp đồng, du lịch. Sau khi đón khách tại văn phòng hoặc một số bến bãi tự phát, nhân viên nhà xe sẽ lập danh sách và thực hiện một số giấy tờ để ứng phó với lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Tại các văn phòng như: số 19A Lý Thường Kiệt, phường Đồng Mỹ và số 04 Xuân Diệu, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới; thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy; tại 23 Hùng Vương, thị xã Ba Đồn và thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, nhà xe Hưng Long tổ chức hoạt động bán vé xe tuyến Quảng Bình - Hà Nội và biến thành các điểm để đón trả khách trái với các quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Đáng nói, nhà xe Hưng Long lập luôn văn phòng bán vé và cho xe đậu đỗ gần khu vực cổng Đồn Công an Lệ Ninh (Lệ Thủy) !?.

Văn phòng được nhà xe Hưng Long lập gần cổng Đồn Công an Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy để bán vé, dừng đỗ đón khách sai quy định.
Văn phòng được nhà xe Hưng Long lập gần cổng Đồn Công an Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy để bán vé, dừng đỗ đón khách sai quy định.

Để rõ hơn về hoạt động bán vé của những văn phòng này, ngày 18-8-2018, chúng tôi đã trực tiếp đến mua vé tại Văn phòng thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy). Nội dung vé này thể hiện việc lách luật dưới dạng phiếu thu, nội dung là khách ghép đoàn và nơi đi là tại số 19A Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới.

Phiếu thu ghi rõ có số giường nhưng lại không có số xe vận chuyển hành khách. Như vậy, khách hàng mua vé tại Lệ Thủy, chở khách xuất phát tại huyện Lệ Thủy, nhưng tờ phiếu thu lại ghi rõ nơi đi là số 19A Lý Thường Kiệt.

Tại Văn phòng số 19A Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới, ngày 5-9-2018, chúng tôi dễ dàng mua được vé và được nhân viên tại đây hướng dẫn chi tiết về số giường, giờ chạy cùng một số lý do khác thể hiện việc mua, bán vé công khai như dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định.

Rõ ràng, nhà xe Hưng Long tìm cách lách luật để bán vé dưới dạng phiếu thu rồi ghép thành danh sách đoàn, sau đó lập danh sách hành khách phù hợp với hành khách đã đăng ký vé để đối phó với cơ quan chức năng khi có sự kiểm tra. Điều rất đáng nói, nhà xe Hưng Long ngang nhiên biến văn phòng này thành một điểm “bến cóc” trá hình để đón, trả khách.

Vé đi xe của nhà xe Hưng Long được mua tại văn phòng Lệ Thủy vào ngày 18-8-2018 thể hiện dưới dạng phiếu thu, đây là cách để nhà xe Hưng Long có hoạt động nghi vấn trốn thuế.
Vé đi xe của nhà xe Hưng Long được mua tại văn phòng Lệ Thủy vào ngày 18-8-2018 thể hiện dưới dạng phiếu thu, đây là cách để nhà xe Hưng Long có hoạt động nghi vấn trốn thuế.

Sự công khai trong hoạt động bán vé còn được thể hiện rõ bằng việc thành lập trang Web mang tên miền hunglongtravel.com.vn, có dịch vụ đặt xe trực tuyến, trong đó có đăng thông tin chi tiết về chuyến xe, giờ xuất phát, giá vé và hướng dẫn thanh toán, code đặt chỗ. Mẫu vé được thể hiện dưới dạng phiếu thu là tự in, không đúng mẫu quy định tại Thông tư liên bộ số 86/2007/TTLT/BTC-BGTVT, ngày 18-7-2007, của Bộ Tài chính - Bộ GTVT để bán cho khách, không đăng ký giá cước với các cơ quan chức năng…

Hành vi này đã vi phạm Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, ngày 10-9-2014, của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, với hình thức kinh doanh vận chuyển dạng hợp đồng, ở khoản 5, Điều 7 và khoản 5, Điều 8 ghi rất rõ: Chủ xe không được phép bán vé, đặt chỗ cho hành khách dưới mọi hình thức.

Qua tìm hiểu, với trên 20 đầu xe giường nằm liên tục hoạt động trong ngày nhưng không phải chịu sự quản lý của 2 đầu bến xe, không nộp phí ra vào bến mặc dù thực tế hoạt động vận tải không khác gì chạy tuyến cố định đã gây thất thu thuế của Nhà nước! Được biết, lệ phí xe ra vào bến tại Bến xe Đồng Hới (bến xe loại 2) mỗi xe là từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng/xe.

Với “chiêu lách luật” nói trên, nhẩm tính trung bình mỗi ngày tại Quảng Bình nhà xe Hưng Long có từ 7 đến 10 xe giường nằm chở khách chạy tuyến Quảng Bình - Hà Nội, thì con số thất thoát tiền thuế Nhà nước lên đến trên 5 triệu đồng mỗi ngày.

Ước tính, hàng đêm nhà xe này đều có trung bình 7 đến 10 xe xuất bến, mỗi xe chở trung bình 30 đến 40 hành khách, thì trong mỗi ngày lượng khách chở trên dưới 350 người. Với giá vé 250.000đ/khách, nhà xe Hưng Long thu được khoảng 75 triệu đồng vé/ngày (tính chiều Quảng Bình đi Hà Nội). Không có bất kỳ hóa đơn chứng từ nào phản ánh doanh thu và như vậy có thể “né” thuế khoảng 7,5 triệu/ngày, khoảng gần 300 triệu/năm.

Vé xe cộng phiếu thu được mua tại văn phòng xe Hưng Long tại số 19A Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới đã cho thấy dấu hiệu của sự lách luật để trốn thuế.
Vé xe cộng phiếu thu được mua tại văn phòng xe Hưng Long tại số 19A Lý Thường Kiệt, TP. Đồng Hới đã cho thấy dấu hiệu của sự lách luật để trốn thuế.

Nếu tính thêm chiều ngược lại (Hà Nội - Quảng Bình) thì con số này sẽ nhân lên gấp đôi. Đó là chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp mà Hưng Long “trốn” được khi doanh thu không được phản ánh đúng sự thật. Bên cạnh đó, nhà xe Hưng Long chạy vào "giờ vàng", căn giờ xe tuyến để chạy trước các chuyến xe tại bến được cấp phép chạy tuyến cố định.

Điều mà ai cũng thấy rõ là, sự vi phạm của nhà xe Hưng Long đã và đang tiếp tục tái diễn, còn việc xử lý vi phạm từ phía các cơ quan chức năng cũng chỉ dừng lại ở mức độ thông báo nhắc nhở, yêu cầu cam kết thực hiện và xử phạt hành chính, sau đó đâu lại vào đấy.

Những hành vi có dấu hiệu trốn thuế nêu trên chưa được cơ quan chức năng nào nhắc đến, điều tra, xác minh làm rõ để lập hồ sơ xử lý hay kiến nghị cấp cao hơn để giải quyết vấn đề theo đúng quy định của pháp luật?!.

Dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không sự thờ ơ, lảng tránh trách nhiệm từ phía những cơ quan chức năng, kèm theo là sự "lúng túng", "ngại xử lý" trước sai phạm của nhà xe Hưng Long? Dư luận cũng hết sức bức xúc trước việc nhà xe Hưng Long tiếp tục tái phạm, có dấu hiệu trục lợi bất chính, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hợp pháp đứng bên bờ vực phá sản.

Nhóm P.V Bạn đọc

Bài 2: Sai phạm của nhà xe Hưng Long và cách "xử lý" của cơ quan chức năng!

,