.

Về nơi người dân trốn chạy ô nhiễm

.
08:06, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhiều  hộ dân ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) đang phải “sống chung” với với tình trạng ô nhiễm mùi sơn từ cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền của Công ty TNHH đóng và sửa chữa tàu thuyền Tùng Châu. Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị và phản ánh đến chính quyền các cấp, thế nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết. Cứ mỗi khi cơ sở nàyphun sơn, sửa chữa tàu thuyền, họ lại dắt díu bồng bế con đi trốn mùi hôi…

Trẻ em, phụ nữ có thai phải di tản

Chúng tôi có mặt ở đây đúng lúc cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền đang phun sơn 1 chiếc tàu đánh cá. Mùi hôi sơn bốc lên nồng nặc. Anh Nguyễn Trường Nông phải dẫn chúng tôi vào nhà bằng cửa hậu. Nhà ở ngay phía sau cơ sở này, nên toàn bộ cửa chính mặt trước nhà anh Nông phải đóng bịt bùng.

Dù đã dựng tôn chắn bụi, nhưng vẫn không ngăn được mùi sơn từ cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền gây ô nhiễm môi trường.
Dù đã dựng tôn chắn bụi, nhưng vẫn không ngăn được mùi sơn từ cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền gây ô nhiễm môi trường.

Cũng như bao gia đình khác ở đây, nhà anh Nông quay mặt ra phía cửa biển Nhật Lệ. Thế nhưng, thay vì đón những cơn gió mát thổi lồng lộng từ biển, thì giờ đây phải đóng cửa để chống lại mùi sơn phả vào nhà.

Vừa bước vào sân, mùi sơn đã xộc thẳng vào mũi chúng tôi. Nông bức xúc kể: “Mỗi lúc họ sơn thuyền, nhà em phải đóng toàn bộ cửa, chứ không thể chịu được mùi hôi. Mùi sơn chống hà ăn mòn tàu thuyền hôi và độc hại lắm.

Giờ họ chỉ sơn một chiếc, chứ cùng lúc 2, 3 chiếc mùi hôi còn nồng nặc hơn nữa. Cao điểm nhất là vào thời điểm thuyền không đi biển. Trước đây, họ sơn, sửa đến 9, 10 giờ đêm mới nghỉ. Lúc ăn cơm mà đúng giờ họ sơn thuyền thì coi như bỏ bữa”.

Nói rồi Nông lo lắng kể tiếp: “Trước đây, ba em cũng làm thuê ở đó gần 10 năm trời. Cũng sửa chữa, sơn tàu thuyền. Năm 2009, thì ba em mất vì ung thư hạch. Không biết có phải vì bị nhiễm độc mùi sơn này không, chỉ tính riêng trong gia đình em đã có 3 người mất vì ung thư, gồm ba em và ông, bà nội.

Năm 2013, dượng em (có thời gian làm ở cơ sở này) cũng mất vì ung thư phổi. Vợ em từ khi có bầu, em cũng phải cho sang nhà ngoại (phường Bắc Lý) sống tạm, chứ không, cứ sống ở đây, em sợ quá”.

3 giờ chiều, nắng vẫn còn gắt và nóng, nhưng dưới bóng cây, bên vệ đường cách khá xa khu vực bị ô nhiễm mùi sơn, túm tụm một nhóm người già có trẻ có đang ngồi chuyện trò. Mặt mũi họ bịt kín như bưng. Họ bảo, đang đi tránh mùi sơn bốc lên từ cơ sở sơn sửa, duy tu, đóng mới tàu thuyền của Công ty TNHH đóng và sửa chữa tàu thuyền Tùng Châu. Thế nhưng, dù đã tránh ở đây, thỉnh thoảng, cái mùi sơn ấy vẫn xộc thẳng vào mũi tôi, mỗi khi trở gió.

Những lúc đó, ông Nguyễn Hữu Thiên (Tổ trưởng tổ 19, thôn Mỹ Cảnh) vội bụm miệng, bụm mũi lại và im bặt. Nhà ông Thiên cũng ở ngay sau nhà Nông, nên suốt mấy năm qua cũng chịu chung cảnh ô nhiễm.

Ông Thiên cho biết, đâu phải chỉ có mấy nhà gần đó, mà các nhà ở trong bán kính gần 50m đều bị mùi hôi từ cơ sở này “tấn công”. Nhà cả xóm đều quay mặt ra cửa biển Nhật Lệ, nên đều hứng trọn tất tật mùi sơn độc hại đó. Đến hít thở còn không chịu được, huống gì sống chung với nó ở đây.

Suốt mấy năm nay, cứ mỗi lúc cơ sở này sơn sửa thuyền, cả xóm đều mang trẻ con đi nơi khác để tránh. Phụ nữ có thai cũng phải di tản hết cả. Ông Thiên có đứa cháu nội 19 tháng tuổi, giờ đây cũng cho sang nhà ngoại ở gần cầu Nhật Lệ 1, lúc nào hết hôi, ông mới đón về nhà.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tại các cuộc họp, các kỳ tiếp xúc cử tri và cả viết đơn kiến nghị lên UBND xã, UBND thành phố hết cả rồi. Lãnh đạo UBND xã Bảo Ninh trả lời rằng, họ làm trên đất của họ, mình phải chia sẻ. Chúng tôi đâu có nói họ làm trên đất của ai đâu. Nhưng họ gây ô nhiễm trong khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng tôi thì chúng tôi phải có ý kiến để chính quyền có cách giải quyết chứ.

Chả nhẽ, bắt chúng tôi chia sẻ bằng cách hít loại mùi độc đó mãi ư? Chúng tôi cũng không bắt buộc phải đóng cửa cơ sở, vì chúng tôi biết, với vùng quê biển này, đánh cá là nguồn sống, tàu thuyền là phương tiện duy nhất để kiếm sống, chuyện duy tu, bảo dưỡng, đóng tàu thuyền là việc không thể không làm.

Thế nhưng, thành phố không quy hoạch được một vùng đất để cho người ta di chuyển ra chỗ khác làm ư? Cả thôn chỉ có một cơ sở, chứ đâu có nhiều nhặn gì đâu mà không di dời được”, ông Thiên bức xúc.

Cần gấp rút di dời

Chuyện cả xóm 19, thôn Mỹ Cảnh phải sống chung với môi trường ô nhiễm của cơ sở này không phải đến bây giờ mới được lên tiếng. Đầu năm 2017, chính anh Nông đã viết đơn kiến nghị di dời cơ sở này gửi đến UBND xã Bảo Ninh, rồi gửi thành phố và UBND tỉnh.

Một chiếc tàu đánh cá đang được sơn lại tại cơ sở này.
Một chiếc tàu đánh cá đang được sơn lại tại cơ sở này.

Sau khi có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài, một phương án thỏa thuận giữa gia đình anh Nguyễn Trường Nông và chủ cơ sở được UBND xã Bảo Ninh đưa ra là chủ cơ sở “tạm thời” chôn cọc căng bạt với chiều cao 6m để hạn chế bụi sơn, bột gỗ bay vào nhà các hộ dân xung quanh.

Chủ cơ sở đã dựng cột thép, có tôn chắn, nhưng tấm chắn kia (chỉ cao tầm 3m) cũng không ngăn được mùi hôi của sơn theo gió xông vào tận nhà các hộ dân ở ngay gần đó. Ông Nguyễn Hữu Thiên nhất quyết bảo: “Phải di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư, chứ không thể để người dân ở đây phải hít thở mùi sơn độc hại này mãi được”.

Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh thừa nhận: “Cơ sở này có tác động đến môi trường. Nếu không di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư, sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Tôi biết mùi sơn chống hà cho tàu thuyền này rất hôi và độc hại, vì trước đây tôi cũng có làm.

Tuy nhiên, do trước đây, khu vực này dân cư còn thưa, số lượng tàu thuyền còn ít, nên ảnh hưởng của nó chưa lớn. Gần đây, khi người dân có ý kiến phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi sơn, UBND xã, UBND thành phố đã kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở khắc phục và chấn chỉnh”.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời trước mắt, về lâu dài UBND xã Bảo Ninh cần di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư. Theo ông Phó Chủ tịch UBND xã, việc di dời cơ sở chỉ một mình chính quyền địa phương rất khó thưc hiện.

UBND xã sẽ đề nghị thành phố quy hoạch khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá để di dời các cơ sở này ra khỏi các khu dân cư, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sinh sống ở đây. 

Dương Công Hợp
 

,