.
Thông tin tiếp vụ giáo viên "Bị "phạt tiền" nếu nghỉ việc không báo trước... 60 tháng":

Nhiều giáo viên bị buộc phải nộp tiền phạt để lấy bằng gốc!

.
09:46, Thứ Năm, 26/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau khi sự việc cô giáo Bùi Thị Hà My (SN 1988, ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) bị Trường Chu Văn An  giữ lại bằng gốc đại học và buộc phải nộp tiền phạt gần 60 triệu đồng vì nghỉ việc không báo trước 60 tháng (tức 5 năm), được đưa lên báo chí, chúng tôi tiếp tục nhận được ý kiến phản ánh của nhiều giáo viên khác, nay đã nghỉ việc tại đây. Và không chỉ có một vài trường hợp bị phạt tiền và bị đền tiền mới lấy được bằng gốc tốt nghiệp đại học vì những quy định trái với các quy định của pháp luật trong các hợp đồng lao động (HĐLĐ) này.

Các giáo viên đều tỏ thái độ bức xúc vì bị mất tiền cho những điều kiện trái với quy định của pháp luật trong các HĐLĐ của nhà trường. Điều đáng nói là, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy những điều kiện trong hợp đồng của Trường Chu Văn An đặt ra ngày càng khắt khe hơn.

Theo lý giải của một giáo viên thì, các điều kiện ngày càng khắt khe hơn vì muốn ngăn tình trạng giáo viên xin nghỉ việc ở đây. Thầy P. từng là giáo viên tại đây cho biết, tất cả các giáo viên được ký hợp đồng vào làm việc ở đây đều phải nộp lại bằng gốc đại học, cao đẳng.

Lúc đó, thầy P. chỉ nghĩ đó là thủ tục quy định cần phải có. Tuy nhiên, trước đây trong hợp đồng của trường chỉ đưa ra quy định muốn nghỉ việc phải báo trước 1 năm và nếu giáo viên muốn nghỉ việc không thông báo đúng thời gian nói trên sẽ bị phạt số tiền tương đương 3 tháng lương cao nhất.

Sau này, việc giữ bằng và bị buộc phải nộp tiền vì vi phạm thời gian thông báo bị cô Bùi Thị Hà My lên tiếng, thầy P. mới biết trường đã điều chỉnh lại thời gian thông báo nghỉ việc lên 5 năm và phải nộp phạt số tiền 12 tháng lương cao nhất.

NH
Không chỉ bị phạt tiền, mà nhiều giáo viên còn bị buộc phải đền bù số tiền BHXH mà trường này đã đóng cho họ.

Thời điểm thầy P. nghỉ việc, do thông báo trước chỉ 5 tháng (so với quy định trong hợp đồng là 1 năm) nên thầy bị buộc phải nộp phạt hơn 12,5 triệu đồng để lấy được bằng tốt nghiệp đại học.

Theo các phiếu thu chúng tôi hiện có, mặc dù thời gian trong các HĐLĐ thời điểm trước năm 2016 chỉ quy định giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 1 năm, nếu không thông báo đúng thời gian nói trên, giáo viên bị buộc phải nộp phạt số tiền tương đương 3 tháng lương cao nhất, thì số tiền nhiều người phải nộp giao động từ 10 đến 30 triệu đồng/giáo viên. Lý do nộp số tiền nói trên mà các phiếu thu đưa ra là để “đền bù hợp đồng” hoặc “tiền phạt vi phạm hợp đồng lao động”.

Không chỉ nhiều giáo viên bị buộc phải nộp tiền phạt để lấy được bằng gốc tốt nghiệp đại học, mà trong các hợp đồng, Trường Chu Văn An còn buộc nhiều giáo viên phải đền bù cả số tiền mà trường này đã nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) cho họ. Một giáo viên (xin được giấu tên và địa chỉ) cho biết, sau 3 năm làm việc ở đây, đến tháng 2015, cô phải xin nghỉ vì lý do cá nhân.

Thế nhưng, ngoài khoản tiền phải nộp phạt được tính tương đương 3 tháng lương cao nhất là hơn 6 triệu đồng, cô còn phải đền bù số tiền BHXH mà trường này đã đóng trong thời gian cô làm việc ở trường, với số tiền hơn 12 triệu đồng. Tổng số tiền cô phải nộp phạt để lấy được bằng gốc tốt nghiệp đại học hơn 18 triệu đồng.

Theo luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng luật sư Hướng Dương, căn cứ vào  quy định của pháp luật, các điều kiện trong các HĐLĐ, như: chủ sử dụng lao động giữ các văn bằng gốc chuyên môn của người lao động, giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 1 năm hoặc 5 năm, đều không đúng với quy định của pháp luật. Bởi, cho dù các hợp đồng được lập ra trên tinh thần tự nguyện thỏa thuận của 2 bên, song điều kiện đưa ra trong các HĐLĐ phải căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Theo cơ chế thị trường hiện nay và cũng theo quy định của pháp luật, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng nơi này để đến làm việc nơi khác có điều kiện phù hợp hoặc tốt hơn. Chính vì vậy, chủ sử dụng lao động muốn giữ chân người lao động thì phải đưa ra các chính sách thu hút phù hợp như quản lý, môi trường, điều kiện làm việc chuyên nghiệp, và thu nhập cao... chứ không phải đưa ra các điều kiện không đúng pháp luật để “buộc chân” người lao động.

Còn về việc giáo viên bị buộc phải đền bù toàn bộ chi phí BHXH cho trường, ông Nguyễn Mậu Tuyển, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, việc các giáo viên trường này, sau khi nghỉ việc bị bắt phải nộp tiền BHXH mà trường này đã đóng cho họ trong thời gian họ đã làm việc ở đây là không đúng với các quy định của pháp luật.

Nhóm P.V Bạn đọc
 

,
  • Không thể cùng lúc hưởng hai chế độ

    (QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hà ở thôn Nam Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch trình bày về việc con gái bà là N.T.L.A. (SN 1998), hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường đại học Đà Nẵng nhưng không được cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ học phí dành cho đối tượng học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển theo quy định.

    29/06/2018
    .
  • Kỷ luật cảnh cáo Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thủy

    (QBĐT) - Ngày 27-6, ông Lê Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết, Đảng ủy xã Tân Thủy vừa ban hành quyết định thi hành kỷ luật bà Dương Thị Thúy Hà, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thủy bằng hình thức cảnh cáo.

    27/06/2018
    .
  • Chính quyền buông lỏng quản lý, người dân ngang nhiên lấn chiếm đất

    (QBĐT) - Sự việc xảy ra tại xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), do buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân tự ý lấn chiếm đất trái phép làm đất ở, xây dựng công trình kiên cố, khi phát hiện ra thì mọi sự đã rồi.

    25/07/2018
    .
  • Thanh tra đột xuất đối với Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Bình

    (QBĐT) - Cụ thể, ngày 19-7-2018, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũngđã ký ban hành Quyết định số 2368/QĐ-UBND thanh tra đột xuất đối với Trường trung cấp kinh tế Quảng Bình.

    24/07/2018
    .
  • Công ty Bảo Việt Quảng Bình có trốn tránh trách nhiệm bồi thường cho khách hàng!?

    (QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của anh Phạm Ngọc Cường, trú tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) phản ánh việc Công ty Bảo Việt Quảng Bình có dấu hiệu trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sau khi tai nạn xảy ra đối với tàu cá của anh.

    20/06/2018
    .
  • Có hay không việc làm giả biên bản họp và chữ ký của dân?

    (QBĐT) - Báo Quảng Bình nhận được đơn của người dân thôn Kim Sen, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) tố cáo về việc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ vật liệu xây dựng Thống Nhất (sau đây gọi tắt là HTX SXKD DV VLXD Thống Nhất) có địa chỉ tại xã Lương Ninh (Quảng Ninh) làm giả giấy tờ, chữ ký và con dấu của cơ quan tổ chức và cá nhân người dân thôn Kim Sen. Vậy sự việc này có thật hay không?

    16/06/2018
    .
  • Khu tái định cư gần 10 năm chưa có sổ đỏ

    (QBĐT) - Đã gần 10 năm chuyển đến khu tái định cư mới theo chính sách di giãn dân của huyện Lệ Thủy, nhưng đến nay hàng trăm hộ dân ở các xã Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

    11/06/2018
    .
  • Hồi âm đơn bạn đọc

    (QBĐT) - Vừa qua, Báo Quảng Bình nhận được đơn của ông Trần Khánh Vũ ở thôn Lệ Kỳ 3, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh trình bày về việc Ban điều hành thôn đã "ép buộc" người cao tuổi phải nộp hàng chục loại quỹ trái với quy định của Luật Người cao tuổi...

    04/07/2018
    .