.

Triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Thứ Ba, 26/12/2017, 08:29 [GMT+7]

Chiều 25-12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì cuộc họp triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và chuẩn bị lập đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật cho thấy hiện nay, theo Chương trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua 7 luật, cho ý kiến 12 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 13 luật, cho ý kiến 3 dự án luật khác.

Trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hiện đang phát sinh một số lượng lớn dự án cần phải xem xét sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như các đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; 25 luật, bộ luật thuộc danh mục các luật có quy định liên quan đến Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4; các luật, pháp lệnh để thực hiện các nghị quyết, ý kiến chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 5, 6 (khóa XII), ý kiến chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Ủy ban Pháp luật đề nghị các Bộ: Tư pháp, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư; Hội đồng Dân tộc vá các Ủy ban của Quốc hội báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2018 thuộc lĩnh vực mình phụ trách, tình hình thực hiện yêu cầu trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5,6, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trường hợp cần sớm ban hành văn bản, đề nghị các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào Chương trình năm 2018. Việc đưa dự án vào Chương trình phải cân đối thời gian trình dự án bảo đảm tính khả thi. Việc chuẩn bị Chương trình năm 2019 gắn với việc bổ sung, điều chỉnh Chương trình năm 2018 của Chính phủ phải hoàn thành và gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất ngày 1/3/2018.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Duy Hưng cho biết Chính phủ sẽ rà soát lại tổng thể việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể cho từng dự án luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành triển khai đồng bộ, hạn chế việc xin hoãn, xin rút thực hiện Chương trình.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết Chương trình 2018 nếu được điều chỉnh theo đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ gồm 37 dự án luật là rất nặng, trong khi số lượng dự án luật dự kiến đưa vào Chương trình năm 2019 còn rất ít.

Theo Thứ trưởng​, cần xác định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên đối với các dự án bổ sung vào Chương trình năm 2018 để đảm bảo số lượng tối đa khoảng 30 dự án, tương đương với số lượng dự án Quốc hội đã thông qua là 29 dự án.

Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng để xem xét điều chỉnh hợp lý Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2018 và xây dựng chương trình năm 2019, qua đó các cơ quan hữu quan thấy được khối lượng công việc cần triển khai để chủ động trong thực hiện, đảm bảo việc chấp hành nghiêm Chương trình đã được Quốc hội quyết định.

Trong năm 2018, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các cơ quan hữu quan cần quyết tâm thực hiện nghiêm các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 34 Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Đối với các đề án và dự thảo nghị quyết của Quốc hội thành lập 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cần sớm hoàn thiện hồ sơ để kịp với tiến độ dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Đối với các luật, pháp lệnh để thực hiện các nghị quyết, ý kiến chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 5, 6 (khóa XII), ý kiến chỉ đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương rà soát để xác định cụ thể thứ tự ưu tiên trong triển khai thực hiện...

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)