.
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS):

"Việt Nam-Đối tác kinh doanh tin cậy"

Thứ Ba, 07/11/2017, 15:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 7-11, tại TP. Đà Nẵng, hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS) chủ đề "Việt Nam-Đối tác kinh doanh tin cậy" với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các học giả và đông đảo các doanh nghiệp uy tín hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế đã chính thức khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu quan trọng trước hơn 2.000 doanh nghiệp uy tín hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quốc tế. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại TP. Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (ảnh chụp qua màn hình trực tiếp tại trung tâm báo chí quốc tế)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (ảnh chụp qua màn hình trực tiếp tại Trung tâm báo chí quốc tế).
Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và xúc tiến đầu tư với các lãnh đạo và tổng giám đốc doanh nghiệp hàng đầu khu vực, đồng thời là dịp để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI mong muốn, hội nghị sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước kết nối với những “người khổng lồ” của khu vực và thế giới để trong tương lai gần sẽ có nhiều “dự án khổng lồ” ở Việt Nam.
 
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi thân thiết tới các đại biểu, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng hội nghị VBS “sẽ mang đến tầm nhìn chân thực, toàn diện về nền kinh tế, các chính sách phát triển của Việt Nam, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kết nối về đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam -một quốc gia nhiều tiềm năng phát triển to lớn, đang cải cách và mở cửa mạnh mẽ”.
 
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ được gặp gỡ, chia sẻ thông tin về xu thế thương mại và hội nhập quốc tế, cũng như kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam và khu vực APEC.
Toàn cảnh Hội nghị (ảnh chụp qua màn hình trực tiếp tại Trung tâm báo chí quốc tế)
Toàn cảnh hội nghị.
Thủ tướng đã khái quát những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam kể từ khi mở cửa đổi mới, đồng thời nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam như một trong những nền kinh tế năng động của khu vực và thế giới.
 
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP…
 
Thủ tướng cho biết, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân. 
 
Thủ tướng đã nhấn mạnh đến 3 định hướng, gồm: tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Khát vọng vươn lên làm giàu chính là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.
 
Chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp kết nối thành thị với nông thôn, miền núi, vùng xa khó khăn. Việt Nam chú trọng phát triển hệ thống y tế và giáo dục, nỗ lực giảm chênh lệch về thu nhập dân cư, đồng thời cải thiện mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ tầng lớp người dân yếu thế dễ bị tổn thương trước các cú sốc tiêu cực.
Các đại biểu tham dự hội nghị (ảnh chụp qua màn hình trực tiếp  tại Trung tâm báo chí quốc tế)
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia.
 
Tính năng động trong kinh tế, chính sách mở về Internet và sự thuận lợi về kinh doanh đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam. Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam.
 
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD. Hiện tại, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ 20% và dự kiến sẽ giảm còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…
 
Thủ tướng tin tưởng “Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam và chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác hướng tới chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của châu Á-Thái Bình Dương vì hoàn bình, ổn định, gắn kết, phát triển năng động và thịnh vượng”.
 
Hội nghị VBS có 3 phiên, trong đó 2 phiên đầu có chủ đề lần lượt là: "Việt Nam-Đổi mới toàn diện vì phát triển bền vững" và "Việt Nam-Điểm đến thân thiện với doanh nghiệp". Phiên thứ 3 sẽ là các hội thảo chuyên đề, với chủ đề bao gồm: nông nghiệp bền vững, tài chính cho phát triển, y tế và giáo giục, cơ sở hạ tầng, đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
 
Phan Phương