.

Ảnh hưởng của bão số 4 làm hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn ha lúa hè thu bị gãy đổ

Thứ Ba, 13/09/2016, 17:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trong hai ngày 12 và 13-9, trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to kèm theo gió giật mạnh, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Theo thông tin ban đầu, toàn tỉnh đã có 11 người bị thương, 165 ngôi nhà bị tốc mái, hàng nghìn ha lúa hè thu bị gãy đổ,...

. Quảng Ninh: 65 nhà dân bị tốc mái
 
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh kiểm tra tình hình ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn
Lãnh đạo huyện Quảng Ninh kiểm tra tình hình ảnh hưởng do mưa lũ trên địa bàn.
Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Quảng Ninh, đến chiều ngày 13-9-2016, mưa, gió đã làm 65 nhà dân bị tốc mái, chủ yếu ở các địa bàn: Hàm Ninh, Vĩnh Ninh, Hải Ninh; 8 người bị thương (Hàm Ninh: 5 người, Hải Ninh: 3 người), trong đó có 3 người bị thương nặng phải vào viện cấp cứu; 500 ha lúa hè - thu chưa thu hoạch bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích bị gãy đổ, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Ninh, Lương Ninh, Hàm Ninh và Vĩnh Ninh; hàng chục ha hoa màu bị hư hại; một số hồ đập bị xói lở, hồ Troóc Trâu bị xói lở phần đập dâng; Trường THCS Hàm Ninh bị lốc toàn bộ phần cửa... 
 
UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và có phương án khắc phục kịp thời các sự cố có thể xảy ra trong mưa bão. Cụ thể, đối với các xã có diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch bị gãy đổ, ngay sau mưa cần huy động phương tiện máy móc khẩn trương thu hoạch, hạn chế thiệt hại; các địa phương có thủy sản nuôi trồng trên sông, hồ đập cũng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch ngày sau bão tan, tránh thất thu do mưa lũ...
H.Tr
 

. Thành phố Đồng Hới: Gần 100 ha lúa hè thu bị gãy đổ, ngập úng

 

Diện tích lúa hè thu ở xã Lộc Ninh bị gãy đổ do ảnh hưởng bão số 4.
Diện tích lúa hè thu ở xã Lộc Ninh bị gãy đổ do ảnh hưởng bão số 4.

Do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn thành phố Đồng Hới có mưa lớn xảy ra trên diện rộng vào đêm 12 và sáng ngày 13-9. Ngoài việc gây ngập lụt nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông nội thị thì mưa lớn cũng đã làm ngập úng, gãy đổ trên 100 ha lúa hè thu.

Địa phương có diện tích ngập úng lớn là phường Đức Ninh Đông 40 ha; HTX nông nghiệp Đức Ninh 40 ha, HTX Phú Xá (Lộc Ninh) 15 ha …

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND thành phố và chính quyền các địa phương trên khuyến khích nhân dân gặt lúa chạy lũ. Một số diện tích còn xanh, chờ thời tiết nắng ráo, bà con sẽ gấp rút thu hoạch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

T.Long

. Quảng Trạch: Mưa lớn xảy ra trên diện rộng

Trong đêm 12-9 và ngày 13-9 trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã xảy ra mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Lượng mưa tính đến 15 giờ ngày 13-9 đạt gần 80mm.

Mưa lớn xảy ra trên diện rộng gây khó khăn cho việc đi lại nhưng không gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Theo dự báo, mưa sẽ tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4.

Trước đó, để chủ động ứng phó trước những diễn biến phức tạp của áp thấp mạnh lên thành bão, huyện Quảng Trạch đã tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa hè thu, hoa màu và thông báo cho các tàu thuyền vào bờ tránh bão.  

Hiện các cấp chính quyền huyện Quảng Trạch đang tích cực nắm bắt tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

X.Phú
 

. Minh Hóa: Chủ động trước mọi diễn biến thời tiết
 
Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.
Kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.
Từ đêm 12-9, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã xảy ra những trận mưa to và gió giật mạnh khiến một số cây trồng bị gãy đổ. Một số nơi ở xã Trọng Hóa, Dân Hóa, nước khe suối dâng cao khiến nhiều đoạn đường bị chia cắt, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Mưa liên tục khiến nhiều diện tích lúa vụ hè - thu chưa kịp thu hoạch hoặc thu hoạch xong không thể phơi khô…

Ngập lụt ở đoạn đường qua thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa)
Ngập lụt ở đoạn đường qua thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa)
Để chủ động phòng chống bão và áp thấp nhiệt đới, trước đó, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã có công điện gửi thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, có dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác để chủ động ứng phó. Đồng thời, kiểm tra, rà soát dân cư sống ven suối, đồi núi, hạ lưu các hồ đập, vũng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng lũ quét để chủ động các biện pháp ứng phó. Các địa phương, đơn vị phải thường xuyên túc trực lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Kiểm tra các hồ chứa, công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình có nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến nhân dân ở vùng hạ lưu công trình; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lụt, lũ quét và sạt lở đất.
 
Hiện nhiều người dân Minh Hóa đang tập trung gia cố nhà cửa, ao hồ nuôi thủy sản, tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống để đối phó với mưa bão.

Xuân Vương
 
. Lệ Thủy: Lượng mưa đo được 110mm

Trong các ngày 12 và 13-9-2006, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có mưa kèm theo gió mạnh. Tổng lượng mưa đo được tại đây trong các ngày 12 và 13-9 là 110mm.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Lệ Thủy đã kịp thời có Công điện gửi chủ tịch các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị thực hiện các biện pháp chủ động ứng phó với bão. Theo đó, các địa phương cần thông báo rộng rãi diễn biến thời tiết để người dân chủ động phòng tránh. Riêng đối với các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam cần phối hợp với Đồn biên phòng Ngư Thủy thông báo các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để có kế hoạch tránh trú kịp thời. Các xã có hồ chứa cần chủ động kiểm tra hiện trạng để khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng; triển khai ngay phương án bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du đập. Các chủ đầu tư, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai ngay phương án bảo vệ công trình đang thi công để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Ban Quản lý các công trình công cộng cần chủ động chặt tỉa cành cây dọc các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông khi mưa bão xảy ra...
 
Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa bão nên trên địa bàn huyện Lệ Thủy không có thiệt hại nào đáng kể do ảnh hưởng của bão số 4.
 
Nguyễn Hoàng
 

. Tuyên Hoá: Triển khai nhiều biện pháp ứng phó với hoàn lưu bão số 4
 
Các lực lượng, phương tiện túc trực để ứng phó với bão, lũ trên sông Gianh (đoạn ngang qua địa bàn xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá).
Các lực lượng, phương tiện túc trực để ứng phó với bão, lũ trên sông Gianh (đoạn ngang qua địa bàn xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá).
Nhằm ứng phó với hoàn lưu bão số 4, ông Lê nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá đã ký Công điện số 06/CĐ-UBND lúc 7 giờ ngày 13-9-2016 chỉ đạo các địa phương, đơn vị đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 12-9-2016 của UBND tỉnh Quảng Bình.
 
UBND huyện Tuyên Hoá cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu năm 2016 và thu hoạch thuỷ sản nuôi trồng ở các ao hồ, lồng bè bố trí lực lượng kiểm soát tại các bến đò ngang, ngầm, tràn và những đoạn đường ngập nước sâu để hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho cả người, phương tiện; kiên quyết ngăn chặn không cho người, phương tiện qua lại những nơi có dòng nước xiết; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết để triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai.
 
Văn Minh
 
. Thị xã Ba Đồn: Lốc xoáy làm tốc mái hơn 100 nhà dân
 
Lốc xoáy làm nhiều nhà dân bị tốc mái
Lốc xoáy làm nhiều nhà dân bị tốc mái
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ 11 giờ đến khoảng 15 giờ ngày 13-9, trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã có mưa to kèm theo gió mạnh, giật cấp 6, 7, lảm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân một số địa phương.
 
Theo thống kê sơ bộ, đến 14 giờ cùng ngày, có khoảng 1000ha/1.700ha lúa hè-thu của các xã vùng Nam bị đổ, có khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa của toàn thị xã.
 
Riêng trên địa bàn xã Quảng Văn đã xảy ra lốc xoáy tại thôn La Hà Tây và thôn La Hà Đông, làm trên 100 nhà dân bị tốc mái, 3 người bị thương phải đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
 
Hiền Chi

. Bố Trạch: Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lớn

Từ đêm 12-9 đến sáng ngày 13-9, trên địa bàn huyện Bố Trạch xảy ra mưa lớn trên diện rộng, làm gãy đổ nhiều diện tích lúa đang vào kỳ thu hoạch.

Số liệu báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo cấy trên 3.150 ha lúa. Kết quả thăm đồng trước đó cho thấy, cây lúa trên địa bàn tăng trưởng tốt, năng suất cao, cơ bản được mùa.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 85% diện tích lúa trên địa bàn đã được bà con nông dân thu hoạch xong. Tại một số địa phương cuối nguồn nước như Đại Trạch, Cự Nẫm, Sơn Lộc, Hưng Trạch, mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa của bà con chưa kịp thu hoạch đã bị gãy đổ. Hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch đang chỉ đạo bà con tranh thủ các khoảng thời gian mưa ngớt để thu hoạch lúa.

Riêng đối với số tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn, nhờ nắm bắt thông tin kịp thời nên hiện tất cả đều đã cập bờ an toàn.

                                                                                                                                 Thanh Hải